Gian nan chuyện học chữ nơi biên viễn

(PLO) - Thiếu cái ăn, kinh tế nghèo khó, đường xá xa xôi, bị dụ dỗ để đi làm ăn xa nên nhiều em học sinh huyện vùng núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải bỏ việc học hành của mình lại phía sau để mưu sinh.
Trường THCS Quang Trung, nơi theo học của học sinh 4 xã vùng cao A Lưới
Trường THCS Quang Trung, nơi theo học của học sinh 4 xã vùng cao A Lưới

Gian nan đi tìm con chữ

Cô Lê Thị Thúy Hồng, giáo viên Trường THCS Quang Trung (xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) dẫn chúng tôi đến nhà em A Lăng Thị Hinh (người Tà Ôi, trú xã Nhâm) học sinh lớp 9 Trường Quang Trung bỏ học giữa chừng vào buổi sáng. Nhà của Hinh nằm sâu trong khu vực vành đai biên giới Việt Nam – Lào, lọt giữa núi rừng bạt ngàn. Cô giáo Hồng cho biết, Hinh đột ngột bỏ học rồi tự ý bỏ nhà đi làm ăn xa, hiện chưa rõ cô bé 15 tuổi làm gì, ở đâu.

Khi chúng tôi đến thì nhà Hinh không có ai ở nhà, cha mẹ Hinh đi làm rẫy, hàng xóm cũng không biết Hinh đi đâu. Mãi đến khi mặt trời nhô cao hẳn ngọn núi trước nhà thì anh A Vẹt, bố của Hinh, từ trên rẫy sắn về và mời khách vào nhà.

Anh A Vẹt cho biết, gia đình anh có 3 người con, trong đó Hinh là con gái đầu. Pha cho khách ly nước nấu bằng lá rừng, anh A Vẹt kể lại câu chuyện của con gái mình. Cách đây khoảng 3 tháng, Hinh đột ngột bỏ đi, không rõ đi đâu và làm gì. Đó là một ngày vào đầu tháng 2/2016, khi lên rẫy về thì hai vợ chồng anh đã không thấy con gái đâu, hỏi hàng xóm cũng không ai hay biết. Đến gần 3 tháng sau, Hinh gọi điện về cho mẹ và bảo rằng đang ở trong TP Hồ Chính Minh. Khi anh Vẹt hỏi tại sao lại bỏ nhà đi thì Hinh nói rằng ở nhà khổ quá nên muốn đi làm.

“Chúng tôi không biết rõ con ở đâu để tìm về, mà biết cũng không có tiền đi tìm con. Bây giờ gia đình buồn lắm”, anh A Vẹt buồn bã nói.

Trường THCS Quang Trung là điểm trường của 4 xã: xã Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Hồng Thái. Tuy là điểm trường tập trung nhưng câu chuyện học sinh bỏ học đang trở thành vấn đề nan giải làm các thầy cô đau đầu. Ngoài việc dạy, hiện các giáo viên trong trường còn có nhiệm vụ thuyết phục các em học sinh chuyên tâm học hành và thuyết phục học sinh đã bỏ học quay trở lại trường để tiếp tục đi học.

Câu chuyện của Hinh chỉ là một trong số các trường hợp bỏ học để đi làm tại huyện vùng núi này. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, hiện có nhiều trường hợp học sinh nghỉ học để ở nhà đi làm rẫy hoặc vào các tỉnh thành phía nam tìm việc làm.

“Đa phần các em nghỉ học vì gia đình quá nghèo khó, gia đình không có khả năng cho con đến trường. Sau khi nghỉ học các em đi học nghề tại địa phương, nhiều em khác lại bị dụ dỗ vào TP Hồ Chí Minh để làm”- cô giáo Hồng cho biết.

Theo cô Hồng, có những em học sinh ở xa trường nên sáng ra phải dậy sớm để đi học. Vì đi sớm nên các em chỉ ăn miếng khoai, củ sắn để đến trường, đến khi vào lớp học thì miếng khoai, củ sắn trong cái bụng cũng vừa hết.

“Có em học sinh đang học thì bỗng dưng ngất xỉu, ban đầu cứ nghĩ là trúng gió nên chúng tôi cạo gió cho các em nhưng không khỏi. Thấy thế chúng tôi mới mua sữa cho em uống thì em này tỉnh táo, khỏe khoắn ngay. Tội nghiệp, hôm đó em phải nhịn đói đi học nên mới xỉu...”- cô Hồng bùi ngùi cho biết.

Mô tả ảnh
Mô tả ảnh

Bỏ học “Nam tiến” mưu sinh vì nghèo

Trường THCS Quang Trung là nơi học tập của 530 em học sinh đến từ 4 xã của huyện A Lưới, trong đó có xã Nhâm là xã vùng biên đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao này. Thầy Thái Nam – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay trường đã ghi nhận tất cả 17 trường hợp học sinh bỏ học.

Theo thầy Nam cho hay, việc bỏ học không chỉ có ở Trường Quang Trung mà còn có ở các trường khác trong huyện. Về nguyên nhân bỏ học, thầy Nam cho hay, đa phần các em học sinh là con em của các đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy mà các em ít có điều kiện để học tập.

Dẫn chứng cho điều này, thầy Nam cho biết, trong tổng số 530 em của trường thì có đến 400 em thuộc diện hộ nghèo, các em còn lại gia đình cũng không phải là khá giả. Thầy Nam viện dẫn nội dung Chương trình 135 về việc hỗ trợ các địa phương vùng biên giới. Hiệu trưởng Trường Quang Trung cho biết, tuy có sự hỗ trợ của Chương trình 135 nhưng khi nghe đến việc nộp tiền học là các em... lại nghỉ. “Có lúc trường thông báo nộp chỉ có 5 nghìn đồng, thấy thế các em lại sợ đóng tiền nên nghỉ, vì thế nhà trường lại hỗ trợ luôn cho các em”, thầy Nam nói.

Theo thầy Nam, việc các em bỏ học ít nhiều có trách nhiệm của gia đình. Chính vì cuộc sống khó khăn nên phần lớn gia đình các em chỉ biết tập trung làm kinh tế chứ không quan tâm đến việc học của con em mình, con cái bỏ nhà đi làm nhưng bố mẹ lại không biết nên đã ảnh hưởng đến việc học của các em.

Thầy Trần Duy Nguyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho hay, trong năm học 2015-2016 tình trạng học sinh bỏ học tiếp tục diễn ra, nhưng với số lượng ít hơn mọi năm. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, trong năm học này trên cả huyện đã có 40 em cấp THCS bỏ học, trong đó có 20 bỏ học để đi làm ăn xa. Về nguyên nhân các em bỏ học để đi làm ăn xa, thầy Nguyên cho hay chính việc gia đình buông lỏng quản lý đã tạo “điều kiện” để các em “Nam tiến”, bên cạnh đó gia đình các em này có người nhà đi làm ăn xa nên sau khi về đã lôi kéo các em đi làm cùng.

“Phòng đã chỉ đạo trường về nhà các em để tìm hiểu, nhưng khi về đến nơi thì gia đình lại không biết các em đi đâu. Sau nhiều lần tìm hiểu thì gia đình mới cho biết các em vào Nam làm ăn. Trường hợp này Phòng đã nắm trước và đã báo cho các cơ quan ban ngành, thế nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn được”, thầy Nguyên thông tin.

Để động viện và hỗ trợ các em đi học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới đã có nhiều chính sách. Hiệu trưởng Trường Quang Trung cho biết, Trường đã cho các em mượn sách thay vì phải mua, với các em học sinh hộ nghèo và cận nghèo sẽ được giảm hoặc miễn học phí. Đồng thời Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ vận động gia đình các em tạo mọi điều kiện để các em đến trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.

Đọc thêm