Gian nan công tác phân luồng học sinh

Cứ đến mùa tuyển sinh, hầu hết học sinh hết trung học phổ thông đăng ký thi đại học, cao đẳng. Khu vực học nghề với các trường trung học chuyên nghiệp chỉ là lựa chọn sau cùng.

Cứ đến mùa tuyển sinh, hầu hết học sinh hết trung học phổ thông đăng ký thi đại học, cao đẳng. Khu vực học nghề với các trường trung học chuyên nghiệp chỉ là lựa chọn sau cùng.

Đa phần học sinh trung học phổ thông thờ ơ với các trường dạy nghề

Để phân luồng học sinh, những năm gần đây, Bộ GD – ĐT đã cho phép các trường trung cấp tuyển học sinh (HS) chưa tốt nghiệp THCS và trượt tốt nghiệp THPT vào học. Tuy nhiên theo báo cáo của các trường, số lượng HS đăng ký học cũng chẳng được bao nhiêu.

Không có ý định vào trung cấp

Phân luồng học sinh vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Trung cấp nghề (TCN) đã được ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai từ nhiều năm qua, đó là chủ trương đúng đắn để có đội ngũ lao động lành nghề cho xã hội và giảm chi phí đào tạo do các em vì chỉ học 2 năm, so với 4 năm ở bậc ĐH.

Tuy nhiên, cứ đến mùa tuyển sinh, hầu hết các em HS đều nộp đơn vào ĐH, CĐ mà bỏ qua các trường trung cấp. Mặc dù, ở bậc ĐH, CĐ hạn chế về số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian học lâu hơn và ra trường chưa chắc đã kiếm được việc làm ngay nhưng các em vẫn thích thi vào.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD – ĐT, mỗi năm cả nước có trên 700.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào được THPT và rớt tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có gần 10.000 chọn vào học trung cấp.

Nếu cộng cả thí sinh thi rớt ĐH, CĐ và số HS chưa tốt nghiệp THCS, rớt tốt nghiệp THPT thì con số có thể lên đến hàng triệu. Thế nhưng năm nào các trường TCCN, TCN cũng tuyển không đủ chi tiêu.

Theo ông Phạm Ngọc Thanh (Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM), nếu không vào trung cấp thì những em HS thi rớt ĐH, CĐ và các em không đậu tốt nghiệp lại tiếp tục chờ đến năm sau thi tiếp hoặc làm những công việc không cần bằng cấp. Và cứ thế, năm nào số lượng thí sinh đăng ký thi ĐH, CĐ cũng đông hơn năm trước, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Trường trung cấp còn yếu

Tại hội thảo “Định hướng và phân luồng học sinh phổ thông”, ông Huỳnh Công Minh (GĐ Sở GD-ĐT TP HCM) thừa nhận, một trong những bất cập lớn nhất trong hệ thống các trường trung cấp hiện nay là các trường được thành lập đều trên các cơ sở mặt bằng sẵn có, chưa được nâng cấp mở rộng.

Đại bộ phận các trường ngoài công lập thì cơ sở chủ yếu là thuê mướn, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của phần lớn các trường TCCN trong tình trạng chắp vá, thiếu thốn và chưa tương thích với chương trình, quy mô đào tạo hiện có. Chất lượng giảng dạy chưa cao, nhất là giảng dạy thực hành…

Trong khi đó, do một số ràng buộc nhất định nên chủ trương cho phép các trường trung cấp tuyển học sinh tốt nghiệp THCS và trượt tốt nghiệp THPT vào học TCCN vẫn chưa thu hút được học sinh.

Cụ thể, những học sinh tốt nghiệp THCS khi vào học tại các trường nghề, trường TCCN vừa phải học văn hóa, vừa học nghề. Nhưng khi ra trường, xin việc, bằng nghề được công nhận là TCCN nhưng bằng văn hóa chỉ được coi là 9+2 hoặc 9+3, không được coi là tốt nghiệp THPT nên rất khó xin việc.

Hướng nghiệp chưa còn kém hiệu quả

Một giảng viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận xét, có những thí sinh thi đại học, thậm chí kể cả sinh viên đang theo học tại các trường cũng chưa hình dung được về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường. Đến khi đi thực tập, nhiều sinh viên mới vỡ lẽ về chuyên ngành mình học và công việc mình sẽ làm sau khi ra trường.

Vì vậy nhu cầu tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là không thể thiếu và hầu hết học sinh đều bày tỏ nguyện vọng được tư vấn, hướng nghiệp để các em vững tin, mạnh dạn chọn trường thi, ngành nghề theo học cho phù hợp với điều kiện, năng lực, sở thích cá nhân…

Thế nhưng, đến nay, việc tư vấn hướng nghiệp vẫn chưa được Bộ GD – ĐT và các trường quan tâm đúng mức mà chỉ mới dừng lại ở việc hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 12 chọn ngành, nghề phù hợp chứ thực chất chưa định hướng cho các em theo một hướng khác.

Hướng nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố gia đình, tuy nhiên trên thực tế hiện nay các trường vẫn chưa thật sự chú trọng đến vấn đề này. Ông Trần Phước Đức (Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP.HCM) cho rằng, việc các em HS chọn lựa ngành nghề đều có ý kiến của các bậc phụ huynh. Do đó, phải để phụ huynh thấy được học nghề không có nghĩa là cực khổ kiểu “chân lấm tay bùn”, người đầy dầu nhớt với ốc, kìm, búa... như cách nghĩ xưa thì xem ra mới tạo động lực để phụ huynh yên tâm đưa con vào các trường trung cấp.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, tư vấn hướng nghiệp phải được thực hiện từ lớp 9, lớp 10 khi mà độ tuổi đã định hình được một công việc cho tương lai. Nếu được tìm hiểu nghề nghiệp ngay từ khi mới vào THPT, các em có nhiều thời gian tìm hiểu sâu hơn về nghề nghiệp, giảm được việc chọn trường theo tâm lý, xu hướng chung. Các em nhiều có cơ hội được cọ xát thực tế, nhận định ngành nghề để kịp thời điều chỉnh cho thích hợp.

Theo VnMedia

Đọc thêm