Gian nan diễn viên trẻ nhập vai lịch sử

Cùng với việc hàng loạt dự án phim lịch sử đã và đang được thực hiện là chuyện nhiều diễn viên trẻ, mới vào nghề được các đạo diễn mời vào vai các nhân vật anh hùng. Tuy nhiên, con đường nhập vai không dễ dàng gì...

Cùng với việc hàng loạt dự án phim lịch sử đã và đang được thực hiện là chuyện nhiều diễn viên trẻ, mới vào nghề được các đạo diễn mời vào vai các nhân vật anh hùng. Tuy nhiên, con đường nhập vai không dễ dàng gì...

Nhân vật lịch sử cũng cần đẹp

a
Lã Thanh Huyền vai Trần Thị Dung trong phim "Trần Thủ Độ"

Theo dõi phim truyền hình về tài lịch sử đã chiếu và đang được thực hiện gần đây, dễ dàng nhận thấy, hầu như các vai diễn chính, vai danh nhân lịch sử đều được các đạo diễn “tin cậy” giao cho dàn diễn viên trẻ, đẹp, thậm chí nhiều diễn viên chỉ mới được thử sức qua vài vai.

Điểm lại vài năm trước, người ta thấy Võ Thành Tâm, còn trẻ măng vào vai tướng Ba Dương trong “Dưới cờ đại nghĩa” (đạo diễn Tường Phương - Phương Nam). Và nay, trong dự án phim “Trần Thủ Độ” (đạo diễn Đào Duy Phúc) đang trong giai đoạn gấp rút thực hiện, Tâm nhận vai Trần Tỵ - một dũng tướng cận vệ của Trần Thủ Độ.

Cũng trong phim này, vai nữ chính - Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung được cân nhắc rất nhiều với những cô gái trẻ, có sắc vóc như Dương Trương Thiên Lý, để sau đó là Lã Thanh Huyền nhận vai. Dự án phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” (đạo diễn người Trung Quốc) với đầu tư cao ngất cũng lựa chọn hai hương mặt còn rất trẻ là diễn viên Tiến Lộc (sinh năm 1986, vai Lý Công Uẩn) và Á hậu Thuỵ Vân vào vai Thanh Liên, người tình Lý Công Uẩn. “Vó ngựa trời Nam” (đạo diễn Lê Cung Bắc) cũng chọn Huỳnh Đông - diễn viên trẻ với số phim tham gia ít ỏi vào vai thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Nhận xét về điều này, đạo diễn Lê Cung Bắc, người có thâm niên làm phim lịch sử cho biết: “Các đạo diễn chọn diễn viên trẻ để đóng phim lịch sử là hợp lý, đơn giản vì hai lý do: Thứ nhất, nhân vật lịch sử được tái hiện ở tuổi trẻ, thì diễn viên phải trẻ. Lý do thứ hai thuộc về yếu tố kĩ thuật, diễn viên trẻ hóa trang già sẽ dễ hơn diễn viên già hóa trang trẻ. Một điều đương nhiên, trong tạo hình nhân vật lịch sử, còn cần có yếu tố đẹp nữa”.

Phía sau mỗi vị anh hùng...

Trẻ, đẹp chỉ là phần sắc vóc. Vai diễn nhân vật lịch sử đòi hỏi ở người diễn viên dù già hay trẻ rất nhiều nội lực và sự dấn thân. Hầu hết, các diễn viên đều chia sẻ rằng, nhận vai diễn lịch sử, họ chịu áp lực rất lớn từ việc đảm nhận trách nhiệm đưa hình tượng vị danh nhân lên màn ảnh, đến với công chúng bằng diễn xuất của mình. Con đường nhập vai không hề đơn giản...

Khi phim “Dưới cờ đại nghĩa” được phát sóng cách đây ba năm, Võ Thành Tâm còn rất trẻ, nhận vai tướng Ba Dương, đất diễn không nhiều, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem về một dũng tướng trẻ, oai dũng và đầy hảo sảng Nam bộ.

Về quá trình hóa thân thành nhân vật Ba Dương, Võ Thành Tâm chia sẻ: “Khi nhận vai tướng Ba Dương - Dương Văn Dương, tôi khá hồi hộp vì lúc ấy mình còn trẻ quá. Rất may cho tôi là ba tôi ngày xưa từng là lính trong trung đoàn 300 của tướng Ba Dương. Tôi đã mất một thời gian rất dài để “thọ giáo” ba và những người bạn cùng thời về tất cả những gì liên quan đến nhân vật của mình: Bối cảnh, hoàn cảnh sống, chí hướng, suy nghĩ, tư tưởng, cả đến thói quen, cách ăn nói, đi đứng, từng chi tiết nhỏ... đều phải thấm nhuần. Sau nhiều tháng gần như “sống cùng nhân vật”, tôi đến gặp đạo diễn để trình bày sự cảm thụ của mình về tướng Ba Dương, để cùng đạo diễn hình thành nên nhân vật của mình...”.

a
Vai diễn Trần Tỵ trong phim "Trần Thủ Độ" của Võ Thành Tâm

Về vai diễn Trần Tỵ trong phim “Trần Thủ Độ”, Tâm cho biết: “Trần Tỵ là một nhân vật không có thật trong lịch sử, vì thế, quá trình tìm hiểu nhân vật của tôi sẽ không có khâu đọc tư liệu lịch sử về nhân vật. Tôi đã đọc kĩ kịch bản, tìm ra mẫu số chung từ các nhân vật trong phim để hình thành “khung xương” cho Trần Tỵ. Sau đó, tôi mới đắp thịt, ấy chính là cá tính nhân vật mà mình tự cảm thụ và xây dựng nên. Trần Tỵ không có thật trong lịch sử, nhưng lại đại diện cho cả một lớp người trong bối cảnh đời Trần: Mộc mạc, hồn nhiên, mạnh mẽ nhưng bồng bột. Đây là vai diễn bổ sung, “làm mềm” cho vai Trần Thủ Độ, nên tôi nghiên cứu rất kĩ vai Trần Thủ Độ, luôn để Trần Tỵ được hình thành trong sự tương tác với nhân vật chính...”.

Thủ vai Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, diễn viên Lã Thanh Huyền chọn cách riêng để bước vào vai diễn: “Tôi từng xem nhiều vở diễn về Trần Thị Dung như “Mỹ nhân và anh hùng”, “Rừng trúc”... Tuy nhiên, lần đầu tiên lên phim truyền hình, Trần Thị Dung mà tôi nhận vai lại là một Trần Thị Dung khi còn rất trẻ, mới 17 tuổi. Vì vậy, sau khi tìm hiểu tư liệu về bà, tôi lại phải làm một quá trình ngược lại là thoát ra khỏi những ấn tượng của mình về một Linh Từ Quốc mẫu, mẫu nghi thiên hạ được khắc hoạ vô cùng lớn lao để hoàn toàn hoá thân vào cô gái làng chài Trần Thị Dung tuy mạnh mẽ và cốt cách hơn người, nhưng vẫn là một thiếu nữ với đầy đủ cảm xúc trẻ trung trong sáng, hồn nhiên… Tôi cũng  cố công tìm và học hỏi cách diễn xuất của không chỉ các diễn viên đàn chị đã rất thành công như chị Thu Hà, Việt Trinh... mà còn tham khảo nhiều phim lịch sử nước ngoài để học cách diễn, cách xử lý tình huống và quan trọng hơn là học được cách biểu đạt tâm trạng đến độ xuất thần “diễn mà như không diễn” của họ. Trong con đường nhập vai, tôi nghiệm ra một điều, để hoàn toàn hoá thân vào nhân vật thì hãy quên mình đi”.

Diễn viên Huỳnh Đông thì cho biết: “Nhập vai tướng Huỳnh Văn Nghệ, vai diễn lịch sử đầu tiên, tôi cảm thấy bớt khó hình dung khi có nhiều tư liệu lịch sử, bút kí, kí sự, phim tài liệu về vị dũng tướng này. Nhưng quan trọng nhất là cảm cái “thần” của nhân vật. Nhận vai rồi, việc đầu tiên tôi làm là lặn lội đến Tân Uyên, quê hương của tướng Huỳnh Văn Nghệ, gặp những người bà con, họ hàng đã từng sống và biết nhiều về ông, để nghe họ nói về hoàn cảnh, xuất thân, thói quen, tính cách, cư xử... của một vị anh hùng trong đời sống bình thường. Tôi nghĩ, chất anh hùng, cái phi thường đã được nói quá nhiều qua sách vở tư liệu, còn chất “đời” mới là thứ mình cần. Huỳnh Văn Nghệ là một con người khá đặc biệt: Vừa nổi danh vì oai phong như hùm báo và tài thao lược, vừa là một thi sĩ lãng mạn. Muốn cảm được chiều sâu tâm hồn vị tướng, tôi đã tìm đọc những vần thơ của ông. Để biết rung động, và hiều rằng, trong những vần thơ ấy ông truyền tải biết bao nhiêu tình cảm dành cho quê hương,  người thân, cho cuộc sống...”.

Ngoài ra, để hoàn thiện vai diễn, một khâu quan trọng mà diễn viên chia sẻ, đó là học hỏi và trao đổi với người đạo diễn, để “ra” nhân vật. Đạo diễn Lê Cung Bắc cũng cho biết, đạo diễn sẽ là người nhào nặn cái mẫu, hình tượng của nhân vật, để diễn viên ướm vào. Và ướm có tốt hay không, đấy là tuỳ vào tài năng của những người trẻ.

Mỗi diễn viên trẻ chọn cho mình một cách thức để hoá thân vào nhân vật, nhưng mẫu số mà ta thấy được là tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo. Khán giả chờ ở họ những vai diễn tốt.

Ngọc Mai

Đọc thêm