Quá tuổi bốn mươi, qua mối mai của một người bạn, anh H.V ở tỉnh Long An mới lấy vợ một cô gái xinh đẹp, sắc sảo. Cứ ngỡ “trâu chậm uống nước trong” nào ngờ, mấy tháng nay anh V. đang gian nan tìm vợ để… ly hôn, kết thúc một "mối tình tiền bạc"...
Ly hôn, chuyện của hai người, nhưng nếu có thể, việc giải quyết nó lại chẳng cần phải có hai người, thế nên, thật hạ sách nếu ai đó muốn hoãn ly hôn bằng cách trốn đến tòa.
|
Một phiên tòa ly hôn. |
Tìm vợ để… ly hôn
Quá tuổi bốn mươi, qua mối mai của một người bạn, anh H.V ở tỉnh Long An mới lấy vợ một cô gái xinh đẹp, sắc sảo. Cứ ngỡ “trâu chậm uống nước trong” nào ngờ, mấy tháng nay anh V. đang gian nan tìm vợ để… ly hôn, kết thúc một "mối tình tiền bạc".
Anh V. kể: “Chúng tôi vừa chung sống được mấy tháng thì cô ấy lấy danh nghĩa vợ chồng đi vay ngân hàng gần 1 tỷ bạc, nói là để làm ăn lớn. Nhưng lớn đâu không thấy chỉ thấy toàn quần áo, túi xách hàng hiệu. Cách đây gần hai năm, tôi về nhà thấy nhà cửa vắng tanh, lá thư cô ấy để lại cho biết, cô ấy làm ăn thua lỗ nợ nần quá nhiều nên phải tạm lánh đi không sợ bị trả thù”.
Khi đã ly hôn vắng mặt, nếu vợ/ chồng cũ bỗng dưng trở về yêu cầu phải sống chung, thì người vợ/chồng cũ không có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu này. Nếu đã có vợ/chồng mới hợp pháp nhưng quay lại chung sống với người vợ/ chồng đã ly hôn là vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Còn nếu sau ly hôn, người vợ/chồng cũ chưa kết hôn với ai, muốn quay lại sống chung, hai người phải tiến hành đăng ký kết hôn lại. |
Do nhà anh V. kinh doanh vật liệu xây dựng, nên sau khi vợ anh bỏ trốn, khách hàng đến đòi nợ ùn ùn. Không còn cách nào anh V. phải cay đắng gánh nợ và đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Vì vợ vắng mặt nên anh V. phải gửi thông báo trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh để tìm nhưng vô vọng. Án ly hôn của anh đâm ra cứ tạm treo ở đấy.
Cũng giống như anh V., chị B.T.M. ở Nam Định lấy chồng quê Thanh Hóa. Sau hơn chục năm sống với nhau, vợ chồng chị mâu thuẫn nặng nề và chị quyết định ly hôn. Nhưng người chồng nhất quyết không đồng ý nên anh ta bỏ đi biệt tích khỏi nơi cư trú đã gần 5 năm nay.
Trong thời gian này, chị M. mối quan hệ mới và muốn tiến đến hôn nhân, muốn vậy chị phải ly hôn được với người chồng cũ. Cán bộ thụ lý hồ sơ của tòa án hướng dẫn phải tìm cho được chồng về mới thụ lý hồ sơ khởi kiện.
Chị M. đã tìm cả tháng nay nhưng không được vì chị không biết chồng mình đi đâu. Có người nói chồng chị vẫn giữ ý định không ly hôn nên quyết tránh mặt chị.
Xử án nếu bị đơn mất tích
Kể tiếp câu chuyện của anh V., với sự hướng dẫn của cán bộ thụ lý hồ sơ, vì thời gian vợ anh V. đi khỏi nhà chưa được 2 năm nên tòa chỉ có vận dụng việc xử ly hôn với người vắng mặt chứ không phải với người mất tích. Để xử theo hướng này, tòa sẽ tiến hành niêm yết theo quy định gồm: lần đầu niêm yết thụ lý vụ án; niêm yết thông báo hòa giải (hai lần); niêm yết đưa vụ án ra xét xử (hai lần). Mỗi lần niêm yết cách nhau 15 ngày.
Đó là chưa kể khoảng thời gian 7 đến 10 ngày tòa mời đương sự lên để đưa thông báo kết quả những lần niêm yết này. Điều anh V. cần làm để hoàn tất hồ sơ là quay lại nơi cư trú để xin xác nhận vợ đã thực sự vắng mặt khớp với thời gian trình bày trong đơn xin ly hôn.
Trường hợp của chị M., theo tư vấn của luật sư, quy định tại Điểm a Khoản 1, Điều 36 Bộ luật Tố Tụng Dân Sự năm 2004 cho thấy, chị M. là nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, trong trường hợp nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của chồng chị -bị đơn thì chị M. có thể yêu cầu Tòa án nơi chồng chị cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi chồng chị có tài sản giải quyết.
Như vậy, khi chồng đã bỏ nhà đi hơn 5 năm nay và chị M. không biết nơi ở hoặc làm việc, chị có quyền yêu cầu Tòa án nơi chồng chị cư trú và làm việc cuối cùng để giải quyết ly hôn. Vì thời gian bỏ đi của chồng chị M. cũng đã khá lâu và theo pháp luật dân sự và luật cư trú chị M. có thể đến chính quyền nơi hai vợ chồng cư trú cuối cùng để làm thủ tục xác nhận người mất tích. Khi đó, án ly hôn sẽ được xử vắng mặt theo hướng bị đơn mất tích.
Điều 78 Bộ luật Dân sự quy định về việc tuyên bố một người mất tích, trong đó có quy định:
“Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn". Để ly hôn với người vợ/chồng đã bỏ đi biệt tích, thì đương sự phải làm đơn gửi đến toà án quận, huyện nơi đang cư trú để yêu cầu toà án tuyên bố vợ/chồng mất tích.
Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh rằng vợ/chồng đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực là còn sống hay đã chết và chứng minh cho việc đương sự đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm theo luật định.
Sau khi thụ lý, tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của trung ương trong 3 số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Sau 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà người vợ/chồng không trở về hoặc có tin tức báo về thì tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích của đương sự.
Sau khi có quyết định của tòa án tuyên bố vợ/chồng mất tích, đương sự mới có thể làm đơn xin ly hôn.
|
Hà An