Gian nan triệt phá loài hoa độc

Theo số liệu báo cáo thì niên vụ 2010-2011, các địa phương trong cả nước đã phát hiện và phá nhổ 33 ha tái trồng cây có chứa chất ma túy, trong đó có 29 ha cây thuốc phiện. Đặc biệt,  tình trạng tái trồng cây thuốc phiện diễn biến rất phức tạp và tinh vi hơn. Đã xuất hiện việc  người dân  xâm canh sang Lào để trồng cây thuốc phiện với diện tích lớn.

Theo số liệu báo cáo thì niên vụ 2010-2011, các địa phương trong cả nước đã phát hiện và phá nhổ 33 ha tái trồng cây có chứa chất ma túy, trong đó có 29 ha cây thuốc phiện. Đặc biệt,  tình trạng tái trồng cây thuốc phiện diễn biến rất phức tạp và tinh vi hơn. Đã xuất hiện việc  người dân  xâm canh sang Lào để trồng cây thuốc phiện với diện tích lớn.

BĐBP vận động bà con không trồng cây thuốc phiện

Diện tích tăng đột biến

Đầu tháng 4/2012, Đồn biên phòng 519-Bộ đội biên phòng (BĐBP) Nghệ An (đóng tại địa bàn huyện Quế Phong) đã phát hiện và tổ chức triệt phá 3 rẫy thuốc phiện tại xã Tri Lễ với tổng diện tích hơn 1.600m2 - đợt truy quét, triệt phá thứ tư trong năm nay tại huyện miền núi biên giới này.

Trước đó một tháng, lực lượng biên phòng đã phát hiện nhiều đám rẫy trồng cây thuốc phiện xen lẫn với cây rau cải hoặc trồng riêng rẽ với diện tích gần 7.000m2. Sau 4 đợt truy quét, 1,3 ha cây thuốc phiện đã bị lực lượng biên phòng phát hiện và triệt phá.

Tại Điện Biên, đầu tháng 2/2012, Đồn biên phòng Nà Hỳ phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức phá nhổ 5 nương thuốc phiện tại khu vực bản Nậm Chua 2, xã Nà Hỳ với tổng diện tích hơn 1ha. Cũng dịp này, Đồn biên phòng Nà Bủng phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) tuần tra phát hiện tại khu vực mốc 48, cách đường biên giới về phía Lào khoảng 3km, người dân Việt Nam đã sang xâm canh trồng 4.500m2 cây thuốc phiện; tại khu vực mốc 50, người dân Việt Nam xâm canh trồng 5.000m2  cây thuốc phiện; tại khu vực mốc 47, tiếp tục phát hiện 3.200m2 nữa.

Báo cáo của Cục Phòng chống tội phạm ma túy-Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết, tình hình tái trồng cây thuốc phiện hiện đang diễn biến phức tạp tại Điện Biên, Sơn La, Hà Giang và Lai Châu. Riêng tháng 3/2012, các đơn vị BĐBP đã phá nhổ 38.390m2 cây thuốc phiện.

Đại tá Trần Hùng - Chỉ huy phó BĐBP tỉnh Sơn La - cho biết, thời điểm cao nhất, tỉnh này có tới 4.368 ha cây thuốc phiện nhưng sau khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, diện tích trồng cây thuốc phiển đã giảm mạnh. Niên vụ 2006, riêng BĐBP tỉnh Sơn La đã triệt phá được 198.635m2 thuốc phiện; đến 2010, chỉ còn 4.605m2 nhưng đến niên vụ 2011, diện tích tái trồng cây thuốc phiện lại tăng vọt, đã phá nhổ được 158.000m2.

Đại tá Trần Hùng-Chỉ huy phó BĐBP tỉnh Sơn La

Cuộc chiến gian nan

Theo chân các chiến sĩ ở Trạm Bua Hin (xã Mường Hung, huyện Sông Mã), Đồn Biên phòng 455, BĐBP tỉnh Sơn La đi tuyên truyền, vận động bà con không tái trồng cây thuốc phiện, chúng tôi mới hiểu phần nào những gian nan trong cuộc chiến để loại bỏ loài hoa độc này mặc dù đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quy trình phòng chống tái trồng cây thuốc phiện.

Việc tuyên truyền khá phong phú như phát tờ rơi, tuyên truyền bằng lời nói ( bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông), lồng ghép trong các buổi họp bản, phát trên loa truyền thanh hoặc nói chuyện riêng với một số đối tượng nghi vấn.

Do đời sống người dân còn khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dường như một số đối tượng vấn “bỏ ngoài tai”. Đơn cử, nếu làm chăm chỉ một gia đình người Mông kiếm được khoảng 15 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng cây thuốc phiện thì chỉ 3 tháng, họ đã kiếm được 20 triệu đồng mà không mất nhiều công sức bao nhiêu, chưa kể cùng một diện tích nhưng lại trồng theo kiểu “gối đầu”.

BĐBP đến tận nhà vận động, nhiều người dân còn tưng tửng: “Chúng mày nói cứ nói, tao vẫn nghe nhưng tao không làm theo đâu!”. Rồi khi 100% hộ gia đình đã ký cam kết không trồng cây thuốc phiện, các anh vẫn phải bám địa bàn để kịp thời phát hiện, phá nhổ cây thuốc phiện trước thu hoạch.

Tuyên truyền vận động đã khó, việc kiểm tra, giám sát cũng cực kỳ gian nan. Cây thuốc phiện rất hợp những khu vực vùng cao, nhiều thung lũng sương mù ẩm ướt. Khi vào đông, các đối tượng đã bắt đầu đi tìm những nơi hẻo lánh để tìm chỗ gieo hạt, 3 tháng sau quay lại cạo lấy mủ, nấu thành thuốc phiện.

Thiếu tá Lò Văn Mai - Trạm trưởng Trạm BP Bua Hin - kể, có lần cả đoàn đi phá nhổ cây thuốc phiện, chưa tới đường biên thì đã thấy 2 đứa trẻ ngồi bên đường cầm điện thoại di động lên “a lô”; khi vào đến nơi, nương thuốc phiện đã được lấy hết mủ.

Không ít lần, đoàn công tác đã bị các đối tượng ném đất đá, đặt bẫy hoặc dùng cả súng kíp hăm dọa nên bây giờ, việc phá nhổ phải thật khẩn trương rồi mau chóng rút về trụ sở UBND xã gần nhất để lập biên bản. Việc xử lý sau khi phát hiện, triệt phá cũng rất khó khăn do hầu hết những nương thuốc phiện đều “vô chủ”. Thậm chí, khi xác định được chủ thì anh ta cũng chối: “Đúng là nương nhà tao đấy nhưng tao không biết ai trồng đâu, người ta cứ ném vào nương nhà tao thì nó mọc lên đấy chứ!”.

Đại tá Trần Hùng cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, ký cam kết và nêu rõ, nếu phát hiện thuốc phiện ở nương nhà ai, nhà đó phải chịu trách nhiệm. Để xóa bỏ được loài hoa độc này, cần sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp kinh tế, chính trị, xã hội… và đây vẫn là một cuộc chiến lâu dài và rất gian nan”…

Thanh Hòa

Đọc thêm