Từ quốc lộ 1A trên địa phận xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, rẽ phải khoảng gần 2 cây số là đến thôn Giáng Đông - mảnh đất ghi đậm dấu ấn chiến tranh mà cho đến nay, sau hơn 35 năm giải phóng, mất mát, đau thương vẫn còn lộ rõ trên từng tấc đất nơi đây và chưa hề nguôi đi trong lòng người.
|
Mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.Ảnh: NGÔ CA |
Hơn 42 năm về trước, sau chiến dịch Mậu Thân, sang mùa khô năm 1968, thực hiện chiến dịch X2, LLVT tỉnh Quảng Đà gồm 2 đơn vị là Tiểu đoàn 489 đặc công và Tiểu đoàn 2 Mặt trận Quảng Đà được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm quận lỵ Hòa Vang theo hướng Cẩm Lệ. Sau trận đánh ác liệt tiêu diệt nhiều sinh lực địch, do chênh lệch về lực lượng, 2 tiểu đoàn chủ động rút ra vùng ven, bám trụ tại địa bàn thôn Giáng Đông tiếp tục đánh địch suốt ngày hôm đó. Quân số của 2 đơn vị bị thương vong rất lớn.
Lúc đó, nơi đây là một khu rừng dày đặc cây cối, người dân trong thôn hầu hết đã di cư sang vùng tự do. Bị đánh một đòn đau, địch điên cuồng tấn công nhằm tiêu diệt đến cùng lực lượng của ta. Vừa tấn công, bao vây chặn mọi ngả đường thoát bằng bộ binh, chúng vừa dùng hàng chục máy bay mang theo nhiều loại bom rải xuống mảnh đất nhỏ bé này suốt một ngày một đêm. Hết bom xăng đến bom đào, bom quét. Khu rừng bị cày xới tan nát bởi hàng trăm hố bom khổng lồ, bộ đội của 2 tiểu đoàn ước chừng vài trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh gần hết. Máu của các liệt sĩ thấm đẫm mảnh đất Giáng Đông vào những ngày cuối tháng 8 năm 1968. Sau đó, một số liệt sĩ được tìm thấy đưa về hậu cứ, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, hầu hết các anh đều nằm lại trên mảnh đất này.
Sau ngày giải phóng, người dân thôn Giáng Đông trở về quê hương xây dựng cuộc sống. Hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được bà con tìm kiếm, quy tập vào nghĩa trang. Nhưng cho đến nay, khi giải phóng đã tròn 35 năm, vẫn còn rất nhiều hài cốt nằm sâu trong lòng đất chưa tìm kiếm được. Theo ông Nguyễn Đảng - trưởng thôn Giáng Đông cho biết, số mộ chưa tìm thấy hầu hết đều là thương binh, do các anh được đưa vào trong hầm ẩn náu và bị bom dập vùi sâu vào lòng đất có khi đến hơn chục mét.
Đầu năm 2010, người dân trong thôn đã phát hiện và tìm kiếm, cất bốc đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã được 22 mộ. Do thời gian quá lâu nên khi cất bốc, nhiều hài cốt chỉ còn lại vài mảnh vải dù, ni-lông, áo may-ô, quần đùi bộ đội, chỉ có hai hài cốt còn vài mẩu xương. Tất cả đều không tìm được tên tuổi. Hiện tại dự đoán vẫn còn khoảng gần 80 hài cốt nằm lại trong lòng đất của khu vực thôn.
Sống trên mảnh đất đã từng thấm đẫm máu xương của các anh hùng, liệt sĩ, hơn ai hết mỗi người dân Giáng Đông từ các em học sinh đến các cụ già, mỗi người đều cảm nhận một điều thiêng liêng luôn hiện hữu trong từng tấc đất nơi này. Bởi hòa bình, hạnh phúc và tự do độc lập hôm nay có sự đóng góp máu xương của các anh - những người chưa bao giờ khuất. Mỗi lần phát hiện hoặc tìm kiếm được một hài cốt liệt sĩ, từ Bí thư chi bộ đến trưởng thôn, các cựu chiến binh, bà con trong thôn, cán bộ UBND xã, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cán bộ Huyện đội đều có mặt.
Tất cả đều mong muốn tìm thấy các anh để đưa vào nghĩa trang sau rất nhiều năm lưu lạc, để các anh được yên nghỉ ấm áp bên cạnh đồng đội của mình. Dù vậy, công việc tìm kiếm và quy tập mộ còn là một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn bởi thời gian quá lâu, hầu hết các hài cốt đã tan vào đất. Mong muốn tha thiết của người dân Giáng Đông là các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho thôn lập một Đài tưởng niệm trên chính mảnh đất này, bên cạnh những hố bom năm xưa, không chỉ để tưởng nhớ, ghi ơn hàng trăm liệt sĩ đã nằm xuống cho hòa bình, độc lập mà sẽ là một chứng tích thiêng liêng nhắc nhở các thế hệ mai sau tiếp nối truyền thống kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh máu xương vì Tổ quốc của một dân tộc anh hùng.
CÁT TƯỜNG