1.200 trường học Hà Nội đang cần sửa chữa

(PLO) - Theo quy hoạch phát triển hệ thống GD&ĐT thành phố và quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu cải tạo, sửa chữa khoảng 1.200 trường học.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP Hà Nội là 1.244/2.583 trường, đạt 48,2%, trong đó, có 1.209/2.122 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 57%. Cụ thể, ở cấp học mầm non, số trường đạt chuẩn quốc gia là 351/1.040 trường, đạt tỷ lệ 33,8% với 331/745 trường công lập; cấp tiểu học, số trường đạt chuẩn quốc gia là 459/723 trường, đạt tỷ lệ 63,5% với 453/681 trường công lập; cấp THCS, số trường đạt chuẩn quốc gia là 374/613 trường, đạt tỷ lệ 61% với 372/587 trường công lập; cấp THPT, số trường đạt chuẩn quốc gia là 60/207 trường, đạt tỷ lệ 29% với 53/109 trường công lập.

Trong năm 2016, chỉ tiêu TP giao xây dựng 75 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: 33 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học, 20 trường THCS và 5 trường THPT. Tổng số trường được kiểm tra thẩm định công nhận là 105 trường. Trong quá trình thực hiện ở các quận, huyện, thị xã, có 17 đơn vị quận, huyện vượt chỉ tiêu đạt trường chuẩn quốc gia, 9 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu và 4 đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu.

Khó khăn chung được các quận, huyện đề cập vẫn tập trung vào nguồn kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đặc biệt là các huyện ngoại thành. Nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, trong khi tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đã đạt chuẩn. Đối với các huyện nội thành lại gặp vướng mắc về quỹ đất để mở rộng trường do số học sinh tăng.

Ví dụ tại Ba Vì, lãnh đạo huyện này cho biết, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia dưới 50%, toàn huyện còn 13 trường chưa được công nhận lại và đang được huyện nỗ lực đầu tư. Ngoài tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp, huyện vẫn còn tình trạng phòng học cấp 4, phòng mượn, phòng tạm ở các điểm văn hóa thôn, các điểm lẻ của các thôn xóm. Khó khăn lớn nhất của huyện gặp phải ở công tác giải phóng mặt bằng do kinh phí đầu tư cho xây dựng trường chuẩn quốc gia còn thấp. Huyện kiến nghị TP có cơ chế đặc thù đối với các huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những huyện thuộc phía Tây.

Năm 2017, số trường cần thực hiện công nhận lại trường chuẩn quốc gia là 182 trường. Theo đó, số trường chưa hoàn thành công nhận lại từ năm 2010 trở về trước chuyển sang năm 2017 là 118 trường. Số trường năm 2011 đến thời hạn công nhận lại là 64 trường.

Để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2017, giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD&ĐT đã đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, ưu tiên kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó có cả trường công nhận mới và công nhận lại. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia có trách nhiệm giữ vững và vượt các chỉ tiêu chuẩn. Chủ động rà soát, kiểm tra thẩm định lại các trường học đã đạt chuẩn quốc gia đến thời hạn công nhận lại…

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống GD&ĐT thành phố và quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, TP phấn đấu cải tạo, sửa chữa khoảng 1.200 trường học.

Ông Độ cũng khẳng định, trong 5 năm vừa qua, Hà Nội đã đầu tư kinh phí và cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập. Song, do dân số cơ học tăng nhanh ở các quận, huyện như: Bắc - Nam Từ Liêm, Long Biên… nên cần có sự rà soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Theo Giám đốc Sở, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ lớn cần có sự quan tâm và đầu tư chung, không chỉ của ngành GD&ĐT mà của các ngành, các cấp, các đơn vị…

Giai đoạn năm 2012 - 2015 Hà Nội đã xây mới 121 trường học các cấp (1.674 phòng học mới) với tổng kinh phí khoảng 3.028 tỷ đồng. Cải tạo, sửa chữa được 655 trường học các cấp, 8.136 phòng học với kinh phí khoảng 6.459 tỷ đồng. Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 tầm nhìn 2030, trên địa bàn Hà Nội xây mới được 233 trường học các cấp với 3.728 phòng học trên tổng kinh phí 13.345 tỷ đồng.

Đọc thêm