Bạo hành tinh thần đối với người bị xâm hại tình dục: Miệng đời đáng sợ không kém kẻ gây án

(PLO) - Im lặng khi bị xâm hại, giấu nỗi đau cho riêng mình, đó là cách mà nhiều nạn nhân đã lựa chọn, chỉ vì sợ cái gọi là “miệng đời”. Làm thế nào để nạn nhân không bị xâm hại một lần nữa, đó là một vấn đề khá khó trong xã hội hiện nay.

Bạo hành tinh thần đối với người bị xâm hại tình dục: Miệng đời đáng sợ không kém kẻ gây án

Miệng đời đáng sợ không kém kẻ gây án

Mấy hôm nay, sự việc cô sinh viên báo chí bị cưỡng hiếp bởi người hướng dẫn thực tập  đang khiến dư luận xôn xao. Tạm chưa bàn về tính xác thực của vụ việc, nhưng có điều đáng buồn là, canh những phẫn nộ dành cho thủ phạm, bên cạnh sự thương cảm dành cho nạn nhân vẫn có không ít lời ác ý được buông ra với quan điểm cô gái chưa hẳn đã bị hại, có thể đồng thuận, hoặc bị cưỡng hiếp cũng không có gì ghê gớm đến mức phải tự tử.Cùng lúc với câu chuyện của nữ sinh nói trên, một nữ cựu phóng viên cũng đã lên tiếng kể về câu chuyện của mình, rằng cô cũng từng bị cấp trên trực tiếp tìm mọi cách quấy rối tình dục, nhưng khi cô nói ra, không có ai bênh vực cô mà chỉ có chỉ trích rằng cô bị hoang tưởng, không biết điều tiết mối quan hệ, không đàng hoàng… 

Trong môi trường văn phòng công ty cũng đã không ít lần những câu chuyện tương tự xảy ra: Khi một nhân viên nữ bị sếp quấy rối, đứng ra tố cáo sếp thì bị nhận sự kì thị ngược từ các đồng nghiệp.    

Thực tế, suy nghĩ này không hiếm trong xã hội hiện nay. Khi một nạn nhân bị xâm hại tình dục, ngoài nỗi đau thể xác và tinh thần phải gánh chịu, nạn nhân còn phải chịu thêm một sự dày vò khác mang tên “miệng lưỡi người đời”. Không ít người vẫn cho rằng, khi một sự việc xâm hại xảy ra, thì nạn nhân bao giờ cũng có phần lỗi trong đó. Phần lỗi ấy có thể là đã ăn mặc không đàng hoàng, đã “ra tín hiệu”, ngầm ý đồng tình, hoặc thậm chí là không chống cự quyết liệt… 

Trong vụ việc thầy giáo dâm ô với hàng loạt học sinh ở Hà Nội, có thể thấy, ngoài mối lo các hậu quả có thể xảy đến về mặt thể chất và tinh thần đối với con, các bậc cha mẹ còn phải đối diện với một nỗi lo khác, đó là con sẽ bị “mang tiếng”, bị quấy nhiễu bởi dư luận chung quanh. Đó là lý do khiến một số phụ huynh dù rất phẫn nộ, uất ức trước hành vi táng tận lương tâm của thầy giáo, nhưng không dám kí vào đơn tố cáo vì sợ rằng, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn với con mình. Và thực sự điều không hay đã xảy ra khi sau đó, nhiều trẻ có phụ huynh đứng ra tố cáo thầy giáo đã về khóc tức tưởi với cha mẹ vì bị bạn bè chế giễu là “đứa bị hiếp dâm”. 

Trong nhiều vụ xâm hại, dâm ô hay hiếp dâm trẻ em, cha mẹ đã phải chuyển nhà đi nơi khác sinh sống để cách ly con khỏi sự kì thị của những người chung quanh. Và đôi khi, sự kì thị, sự xúc phạm cũng như cái nhìn và lời lẽ cay độc cũng đáng sợ không kém nỗi đau bị hiếp dâm. Đó chính là lý do khiến nhiều người, nhiều trẻ bị khủng hoảng tinh thần sau khi sự việc hiếp dâm, xâm hại. Và không ít cái chết thương tâm cũng từ đó mà xảy ra. 

Đừng trốn chạy

Chính vì hậu quả của việc “bạo hành tinh thần” từ những người chung quanh, nhiều nạn nhân, trong đó có người lớn, trẻ em và các bậc phụ huynh đã chọn cách “im lặng cho qua” khi sự việc không hay xảy ra. Nhiều nạn nhân cho rằng, rồi mọi thứ cũng qua đi, cũng có thể chữa lành theo thời gian, còn “bung bét” lên thì mình là người thiệt thòi nhiều hơn cả. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, thì cho dù điều tiếng, dư luận có khắc nghiệt như thế nào, thì giấu giếm chuyện bị xâm hại, cưỡng hiếp luôn là điều không nên. Bởi vì điều đó không những không giúp nạn nhân chữa lành những tổn thương mà còn gây ra nhiều hệ lụy về sau, và đồng thời giúp thủ phạm vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật, có thể còn gây ra nhiều tội ác tiếp theo.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, Công ty tư vấn tâm lý Minh An, TPHCM, thì việc bị lạm dụng, cưỡng hiếp trước tiên sẽ gây ra những tổn thương về mặt sức khỏe và nạn nhân cần phải cho người thân biết để khám chữa kịp thời. Cạnh đó, nguy hiểm không kém là thương tổn về mặt tinh thần. Nếu nạn nhân hoặc người nhà giấu giếm và cố làm như chuyện xấu chưa xảy ra thì vết thương tinh thần vẫn còn đó và có thể có di chứng mãi về sau này. Không ít nạn nhân đã rơi vào khủng hoảng tâm lý, bị ảnh hưởng đến hôn nhân rất nhiều năm sau cú sốc bị cưỡng hiếp.

Chính vì vậy, theo chuyên gia Lê Thị Minh Nga, dù có thế nào cũng nên đối diện với sự việc và sẵn sàng tâm lý để ứng phó với điều tiếng từ những người chung quanh. Lúc này, sự động viên, chia sẻ, niềm tin của những người thân chung quanh là yếu tố quan trọng nhất giúp nạn nhân có thể vượt qua mọi thứ và đứng dậy. Và một điều quan trọng mà cả nạn nhân và người thân nên luôn hiểu, rằng nạn nhân không hề có lỗi, nạn nhân cần được cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ. Chỉ có kẻ gây ra tội ác là có tội và đáng bị trừng phạt mà thôi. 

Đọc thêm