Bảo tàng tăng giá vé 20 lần mà người dân không phản đối - vì sao?

(PLO) - Mới đây, TP HCM đã có đề xuất về việc tăng giá vé vào tham quan tại các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Mặc dù giá vé tăng lên đến… 20 lần so với giá cũ nhưng không vấp phải phản đối của người dân. Sao lại có sự lạ như vậy?
Bào tàng Chứng tích chiến tranh đã tự chủ kinh tế nhưng vẫn đứng vững và sinh lợi nhờ cách làm năng động.
Bào tàng Chứng tích chiến tranh đã tự chủ kinh tế nhưng vẫn đứng vững và sinh lợi nhờ cách làm năng động.

Tăng từ 2.000 đồng lên 40.000 đồng

Đó là đề xuất tăng giá của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đối với việc thu phí tham quan các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Cạnh đó một số đối tượng được miễn phí nay cũng sẽ thu phí nhưng với mức giá thấp. Tuy nhiên, thông tin này không gặp phải nhiều phản ứng mà ngược lại lại được đa phần dư luận đồng thuận. Thực tế, con số 40.000 đồng/lượt tham quan bảo tàng không phải là cao so với thu nhập của phần đông người dân hay khách du lịch. Điều khiến nhiều người quan tâm là liệu việc tăng giá tham quan bảo tàng có giúp các bảo tàng nâng cao được chất lượng, coi như “góp một tay” đầu tư cho sự phát triển của hoạt động bảo tàng.

Hoạt động cầm chừng, đìu hiu hay không đồng đều là tình hình chung của rất nhiều bảo tàng trên cả nước, kể cả trong khối nhà nước và tư nhân. Nguyên do không phải chỉ bởi bảo tàng đơn điệu, hiện vật không phong phú, bảo tàng không đẹp… Có bảo tàng đẹp, vốn đầu tư gần 2.000 tỉ, như Bảo tàng Hà Nội, nhưng nhiều năm nay vẫn vắng hoe.

Các bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… đều có lượng khách trong và ngoài nước đều, doanh thu ổn định, không bị rơi vào tình trạng đìu hiu, thậm chí như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mặc dù đã tự chủ về mặt kinh tế nhiều năm nay, vẫn đứng vững và sinh lời.

Tuy nhiên, đó chỉ là ít ỏi trong số hàng trăm bảo tàng đang rơi vào tình trạng ế ẩm trên cả nước. Tại một số thành phố lớn, khách du lịch đông như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng..., bảo tàng còn được đón khách đoàn, khách du lịch, còn lại, với người dân trong nước thì rất hiếm hoi, trong đó không ít bảo tàng xây dựng công phu, nhiều hiện vật hay, lạ, có giá trị cao vẫn bị người dân thờ ơ như thường. 

Chủ động tìm kiếm khách hàng

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, bảo tàng ế ẩm, nguyên nhân là do người dân đa phần không hứng thú với việc tham quan bảo tàng, chưa ý thức được giá trị của bảo tàng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, “phần lỗi” chưa chắc đã thuộc về ý thức, sở thích của người dân. Thời buổi của công nghệ hiện đại, các bảo tàng nếu cứ “giậm chân tại chỗ”, hoạt động bị động kiểu “có gì trưng nấy”, mở cửa ai vào thì vào thì ế ẩm là chuyện không thể nào tránh khỏi. 

Bên cạnh việc thay đổi cách thức trưng bày cho sinh động, phong phú, mới mẻ thì hoạt động marketing, quảng bá hình ảnh, chủ động kêu gọi, thu hút khách hàng đến với mình cũng là điều cần làm của các bảo tàng. Lý do để nhiều bảo tàng tại TP HCM hút khách, không chỉ ở việc bảo tàng và hiện vật có đẹp hay không, mà quan trọng là cách thức làm năng động và chuyên nghiệp. Các bảo tàng này đã rất biết cách thu hút bằng nhiều chương trình triển lãm đặc sắc, các sự kiện tổ chức thường xuyên. Một ví dụ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thường có những chương trình khá độc đáo, thu hút như các cuộc thi ảnh, các buổi giao lưu đờn ca tài tử về đề tài tình yêu trong chiến tranh...

Cạnh đó, việc nhiều bảo tàng tại TP HCM thường có những chương trình liên kết tham quan, tìm hiểu cùng với các trường tiểu học, trung học và đại học trên địa bàn thành phố cũng là một cách thức chủ động “tìm kiếm khách hàng”, lại giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử một cách gần gũi. 

Anh Nguyễn Anh Tuấn, hướng dẫn viên một công ty lịch lữ hành trên địa bàn TP HCM chia sẻ, quá trình anh dẫn khách đoàn đến bảo tàng, nhiều khách khen bảo tàng Việt Nam có nhiều hiện vật thú vị, mang giá trị lịch sử cao, nhưng khách du lịch cũng góp ý về việc trưng bày còn quá đơn điệu, tẻ nhạt. Và góp ý bảo tàng cần có thêm nhiều cách trưng bày độc đáo hơn, ví dụ có thêm minh họa, thậm chí cần có thiết bị giúp người tham quan dễ dàng tra cứu thêm thông tin về hiện vật trưng bày... Anh Tuấn chia sẻ, kinh nghiệm của anh từng đến nhiều bảo tàng trên thế giới cho thấy, các bảo tàng có rất nhiều “chiêu” hay, như dựng hoạt cảnh, dựng mô hình, chiếu phim 3D minh họa, trưng bày chuyển động... 

Muốn hoạt động bảo tàng phát triển, muốn bảo tàng trở thành một điểm “nhất định phải đến” của du khách và người dân địa phương, không cần đến những dự án ngàn tỉ, những tòa nhà to, hình thức hoánh tráng. Quan trọng là thay đổi tư duy của những người làm bảo tàng, tạo ra những cách làm mới, sáng tạo, hấp dẫn hơn, để người dân chủ động đến với bảo tàng, tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc trong niềm hứng thú.

Đọc thêm