Cần cuộc 'cách mạng' về biên chế

(PLO) - Phải nói rằng, không có ngày nào không có các vấn đề quốc kế dân sinh xảy ra thu hút sự quan tâm của dư luận. Những ngày qua, chủ trương “bỏ biên chế để thay bằng hợp đồng lao động đối với giáo viên” là chủ đề được hơn một triệu giáo viên đặc biệt quan tâm.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Sẽ không có gì đáng nói, bởi về bản chất, chuyển biên chế sang hợp đồng chỉ khác nhau về ràng buộc. Khi chuyển sang hợp đồng, các giáo viên vẫn nhận đầy đủ chế độ như biên chế, chỉ khác về thời hạn hợp đồng sẽ được xem xét lại thường xuyên và có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu như vi phạm. Nếu làm việc tốt, thu nhập của các giáo viên hợp đồng sẽ cao hơn hẳn so với biên chế. Tất nhiên, trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi không bao giờ giống nhau. Miền núi, vùng sâu, vùng xa không thể như ai  đó phát biểu tưng tửng rằng: thu nhập của giáo viên sẽ cao hơn?

Sẽ không có gì đáng nói, đáng tiếc văn hóa của người Việt vẫn là “văn hóa biên chế”.

Đất nước chúng ta đang chịu một “thảm họa” lớn về biên chế, bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu lực.

Nhận ra điều này, ngay từ năm 1971 của thế kỷ trước, thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta đã thực hiện tinh giản biên chế. Điều đó có nghĩa là đã 45 năm trôi qua, tuy nhiên sau mỗi đợt “tinh giản” biên chế càng cồng kềnh. 

Cách đây không lâu, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia phản biện tâm huyết đã nói: “Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước”. Rất nhiều ý kiến ủng hộ và tranh luận sôi nổi về vấn đề này. Không thể lý giải nổi tình trạng trong khi 160 người dân Mỹ chỉ nuôi 1 công chức thì 40 người dân Việt Nam phải nuôi 1 công chức. Cả nước có hơn 11 triệu người bám “bầu sữa” ngân sách.

Hôm 27/5, Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Đánh giá về việc thực hiện tinh giản biên chế, một lãnh đạo QH cho biết biên chế tăng 0,57% chứ không phải giảm như đã đề ra. Việc chi lương, quỹ lương cho biên chế năm 2015 là 405.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 410.000 tỷ đồng, tăng 1,3%. 

Điều đó cho thấy chúng ta làm chưa hiệu quả, chưa có con số thuyết phục. Dùng chữ “chưa hiệu quả” rất nhẹ nhàng, hoa mỹ, nếu như không muốn nói rằng chúng ta rất lúng túng và thất bại trong nỗ lực tinh giản biên chế.

Phải nói rằng, tâm lý lãnh đạo, ai cũng thích “đông quân”, nhiều “đầu mối”, “sân rộng”... Bởi đi kèm với nó là quyền được tuyển nhân sự, bổ nhiệm; quyền được xin đất, xây dựng trụ sở; hệ số lãnh đạo, xăng xe... Tất cả đều dễ “quy ra tiền”. Văn hóa người Việt Nam là “một người làm quan cả họ được nhờ”, một người vào bộ máy nhà nước, nhất là “làm quan” mang theo hy vọng của cả một gia tộc, họ hàng...

Nói như thế mới hiểu vì sao ngày càng biến tướng của “chủ nghĩa hậu duệ” vô cùng phức tạp trong công tác tổ chức, cán bộ với hậu quả khó lường như hiện nay.

Rõ ràng, đã đến lúc cần một cuộc “cách mạng” về biên chế!

Đọc thêm