Chen chúc trong lớp học Toán của ông thầy không bao giờ viết kín bảng

(PLVN) -Mỗi khi dạy học, chú Tú chỉ có thể ngồi một chỗ. Chỉ vươn tay đủ xa tới giữa bảng, viết xong chú lại xóa đi để lấy chỗ viết tiếp. Học sinh ngồi chen chúc từ cuối lớp tới tận chân bảng, vì thế, chú không thể đẩy chiếc xe lăn của mình ra đủ xa để viết đầy cái bảng trắng.
Chú Tú và nhóm học sinh tinh nghịch trên chiếc xe đặc biệt của thầy giáo
Chú Tú và nhóm học sinh tinh nghịch trên chiếc xe đặc biệt của thầy giáo

Bị bại liệt từ khi còn nhỏ, ông Lưu Đình Tú gắn bó với xe lăn đã nửa thế kỉ nay. Tính đến nay, ông đã dạy môn Toán hơn 30 năm, từ toán lớp 7 đến toán lớp 12, số lượng học sinh tìm đến và xin học luôn đủ nhiều đề khiến phòng khách 30m2 của ông chật kín.

Khi dạy học, chỗ ngồi của thầy giáo này là góc tường giữa cái bảng trắng và cái bàn làm việc nhỏ, chỉ đủ rộng cho bề ngang của chiếc xe lăn. Khi học sinh đã tràn vào lớp, ông Tú chỉ có thể ngồi cố định ở góc tường, vươn cánh tay phải ra để viết bản.

 

Không gian bảng có hạn, giảng đến đâu phải ghi bài đến đó, viết xong phải xóa đi để còn giảng tiếp, thành ra phải rất tập trung mới bắt kịp được tốc độ học của lớp. Cũng có khi có học sinh không hiểu bài, nếu chịu khó hỏi thì thế nào ông cũng xoay xở ra cách để chúng tôi hiểu được. Đó là một người thầy sáng tạo và tâm huyết thật sự.

Nhiều năm trước, tôi được theo học thầy giáo Tú trong hai năm. Đấy là hai năm đã giúp tôi hiểu thêm về mục đích của việc học Toán. Ông nói chúng tôi làm đến đâu phải ghi ra lời giải một cách gãy gọn, rồi hãy viết phép tính. “Bài toán cũng như bài văn vậy, phải diễn giải ra cho người chấm hiểu.”

Bấy giờ tôi rất hoang mang. Tôi nghĩ Toán với Văn là hai thái cực hoàn toàn trái ngược, kĩ năng làm bài và trình bày bài chắc hẳn cũng không thể liên quan tới nhau, làm sao mà làm toán lại như làm văn được?

Mãi đến khi học cấp 3, tôi ngẫm lại mới thấy cách giảng ấy thể hiện sự kết nối logic trong bài toán. Những lời giải mà ông nói tới là lời diễn giải ngắn gọn, súc tích để giải thích cho bước làm bài tiếp theo, thể hiện sự tư duy mạch lạc và rõ ràng, chứ không phải dông dài, sáng tạo tôi hay thấy trong văn học.

Một trong nhiều lứa học sinh theo học 'lớp toán thầy Tú'
Một trong nhiều lứa học sinh theo học 'lớp toán thầy Tú'

Giống thầy cô giáo trên lớp, đôi khi ông sẽ kiểm tra vở bất chợt để xem cách chúng tôi giải bài tập. Nếu không làm, ông sẽ ghi một chữ “Lười” to đùng. Nó thể hiện sự hóm hỉnh, hài hước nhưng cũng là thái độ nhắc nhở. Lũ học sinh của ông buộc phải chăm chỉ, chịu khó học, nếu không sẽ sớm phải bỏ học vì không theo kịp với tốc độ học của lớp.

Không phải học sinh nào cũng hợp với cùng một cách học, cùng một người giảng. Học sinh của ông Tú cũng vậy, phải theo được cường độ khá cao của lớp mới theo học được. Nhiều học sinh chỉ học được ít tháng rồi bỏ vì khó hoặc không hợp cách học, song những ai còn "trụ" được đều là học sinh học rất tốt môn này.

Những bài thầy Tú chọn không nhất thiết phải là những bài khó, nhưng chắc chắn phải là những bài toán phục vụ khả năng tư duy.

Ông giáo già năm nay đã 68 tuổi, nhưng chục lứa học sinh, lứa nào cũng gọi thầy mình là “chú” – xưng “cháu”. Một phần vì trông ông trẻ hơn độ tuổi, mái tóc còn đen và khỏe khoắn, miệng luôn nhoẻn cười, một phần vì ông muốn được gọi là “chú” hơn là “thầy”.

“Vốn chú không học nghề giáo. Chỉ là người dạy thôi,” dù công nhận mình có tâm huyết lớn với công việc đang làm, ông luôn khẳng định mình chỉ là một người đi dạy, và chỉ vậy thôi.

Lứa học sinh tốt nghiệp năm 2017 của ông Tú
Lứa học sinh tốt nghiệp năm 2017 của ông Tú

Chiếc bảng trắng được dành một phần tư cho thầy giáo giảng bài, phần còn lại được lũ học sinh tinh nghịch vẽ lên những câu bông đùa, hình ảnh dễ thương.Thầy giáo cứ phải hài hước như vậy, học sinh chúng tôi mới càng yêu mến, từ đấy càng thích học. Đấy là khi lớp học thêm Toán vào buổi tối không còn mệt mỏi, căng thẳng, nhàm chán và buồn ngủ nữa.

Bảng trắng thường được các học sinh vẽ hình ngộ nghĩnh để ghi dấu ấn cá nhân, viết lời chúc, lời trêu đùa
Bảng trắng thường được các học sinh vẽ hình ngộ nghĩnh để ghi dấu ấn cá nhân, viết lời chúc, lời trêu đùa 
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Tổng hợp, ông Tú làm công tác viên dịch mảng Triết học trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên tại Viện Hàn lâm  Khoa học Xã hội, rồi công tác cho một tờ báo giấy lâu đời trong 13 năm. Trong khoảng thời gian ấy, họ hàng nhờ ông kèm cặp môn toán cho con cháu mình. Kết hợp với sở thích dạy học và đam mê môn Toán, "chú Tú" giúp con cháu họ đạt được nhiều tiến bộ.

Tiếng lành đồn xa, người này mách người kia đưa con tới học, dần dần ông có những lớp học được chúng tôi gọi đơn giản nhưng đầy thân thương là “lớp toán chú Tú ở (phố Lê Quý Đôn, Hà Nội)”.

Có lẽ vì đã trải qua nhiều khó khăn, mà ông hiểu và không muốn học sinh vì sự học mà phải khổ. Đã không ít người với hoàn cảnh khó khăn được ông miễn học phí.

Đọc thêm