Chuyên gia tâm lý giải mã hiện tượng chạy điểm thi

(PLVN) - Vụ hàng trăm thí sinh ở Sơn La gian lận điểm thi đã trở thành một “cơn địa chấn” của ngành Giáo dục. Bên cạnh tranh cãi về việc có nên công bố danh sách thí sinh gian lận, một vấn đề khác rất cần được đặt ra, đó là vì sao người ta lại bất chấp tất cả để chạy điểm, mua điểm? Vì sao việc chạy điểm mua điểm ngày càng tràn lan và quy mô lớn?
Đọc lệnh bắt một đối tượng tham gia đường dây gian lận điểm thi
Đọc lệnh bắt một đối tượng tham gia đường dây gian lận điểm thi

Chạy điểm, chạy trường từ mẫu giáo đến đại học

Vụ gian lận điểm thi quy mô lớn ở hàng loạt tỉnh miền núi phía Bắc đã gây rúng động dư luận vì mức độ nghiêm trọng và sự ngang nhiên, lộng hành của những người trong cuộc. Đặc biệt, tại Sơn La, số điểm nâng cao chót vót khiến không ít thí sinh được nâng điểm trở thành thủ khoa, á khoa của các trường đại học. 

Hiện hầu hết những người liên quan đến vụ việc đã và đang bị tiến hành xử lý theo pháp luật. Việc nêu danh tính các thí sinh gian lận điểm vẫn đang là điều dư luận tranh cãi. Giữa luồng dư luận ấy, người ta dường như quên mất một vấn đề nhức nhối cần đặt ra hơn bao giờ hết: Vì sao hiện tượng chạy trường, chạy điểm ngày một tràn lan, ngày càng tinh vi, táo tợn hơn? 

Chạy điểm không chỉ diễn ra ở Sơn La. Trước đó, các vụ chạy điểm ở Hòa Bình, Hà Giang, ở Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Thuận hay TP HCM, Hà Nội… đã bị phanh phui. Chạy điểm, chạy trường dường như là một “góc khuất” đầy đen tối của ngành giáo dục, mà nếu “lơ” đi thì thôi, nhưng chạm vào, phanh phui ra, thì đâu cũng có. 

Ngay từ ở cấp độ mẫu giáo, các bậc phụ huynh đã “chạy” để con vào trường công vì dân lập tốn nhiều chi phí. Ở trường công thì “chạy” để vào trường công tốt hơn, gần nhà hơn. Lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 thì chạy điểm để đậu tốt nghiệp, rồi dùng điểm số để chạy vào trường điểm, trường nổi tiếng... Cứ như thế mà lên đến đại học. Chạy đại học, là bởi trường tốt sẽ giúp con có tương lai hơn, thậm chí nếu phụ huynh có thế, có lực, thì trường đại học là “đầu vào” của một đầu ra đã được “cơ cấu” sẵn, một tương lai đã được phát quang (!?).

Nạn nhân của quan điểm giáo dục sai lầm

Theo chuyên gia Lê Thị Minh Nga, hành vi sắp đặt, chạy điểm, chạy trường cho con của các bậc phụ huynh đều xuất phát từ những quan điểm mà nhiều người cho là “lý tưởng” trong xã hội. Con phải điểm cao, trường tốt thì mới đáng tự hào. Phải vào đại học danh giá thì ra trường mới có tương lai. Phải có công việc tốt, kiếm nhiều tiền thì mới gọi là thành đạt, hạnh phúc... 

Từ đó, nhiều phụ huynh áp dụng quan điểm ấy vào con mình, tự áp đặt con vào guồng quay mình đặt ra, bất chấp những đứa trẻ có sở trường, ý nguyện thế nào. Để rồi, ngoài hành vi vi phạm pháp luật, gây hại cho nền giáo dục, họ còn góp phần đào tạo ra một thế hệ những người trẻ gian lận, ỉ lại, thích đi đường tắt để rồi lạc lối; thậm chí nhiều người mang bệnh tật...

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga chia sẻ, trong quá trình tư vấn tâm lý, bà gặp nhiều học sinh hoặc người trưởng thành “có vấn đề” về tâm lý, mà nguyên nhân là từ áp lực của việc học hành, thi cử, sự sắp đặt tương lai từ phía gia đình. Một bệnh nhân tâm lý là sinh viên đại học. Em vốn yêu thích ngành nghệ thuật, nhưng cha mẹ ép buộc bằng được phải làm kĩ sư, nên cố gắng chạy cho con vào một trường kĩ thuật danh tiếng ở TP HCM. Kết quả, em sinh viên nói trên không thể hòa nhập với môi trường học tập, lại không phải sở trường của mình nên bị tách biệt khỏi bạn bè, cảm thấy khó khăn, nản lòng và rơi vào trầm cảm. 

Một số trường hợp khác, một thanh niên được gia đình sắp đặt cho những gì “ngon lành” nhất, dễ dàng nhất từ bậc tiểu học cho đến tận lúc ra trường, xin việc. Nhưng rồi chỉ một biến cố nhỏ đã suy sụp, gục ngã vì không có năng lực, không có sức đề kháng với cuộc sống chung quanh, rơi vào hoang mang, đánh mất định hướng của cuộc đời...

Theo một giảng viên đại học ở TP HCM, thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ trong sinh viên hiện nay coi việc học hành thi cử chỉ là chuyện hình thức, miễn sao có tiền thì giải quyết được hết. Hiện tượng này đã kéo theo sự xuống cấp về đạo đức cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đầu ra của người học trong tương lai. Nếu mỗi người trong chúng ta ai cũng bàng quan, buông xuôi thì hiện tượng sẽ đi đến đâu, nền giáo dục của nước nhà sẽ ra sao?

Luật sư Lê Việt Chuẩn, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, điều cần thiết trong thời điểm này là nhìn nhận ra gốc rễ của sự việc để những việc đau lòng như trên không còn xảy ra nữa. Các thí sinh hầu hết là chưa thành niên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đầy đủ của các em sau này. Các em cũng chỉ là nạn nhân của một nền giáo dục coi trọng điểm số, của việc dạy dỗ lệch lạc trong gia đình... Cả xã hội cần bây giờ cần thay đổi toàn diện về nhận thức giáo dục, quan điểm giáo dục để hướng đến nền giáo dục trong sạch, hữu ích thực sự.

Đọc thêm