Cơ hội mới cho các thí sinh điểm cao

(PLVN) - Năm nay, mặc dù một số ngành hot có số điểm cao ngất ngưởng, nhưng ngược lại nhiều ngành điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn xét tuyển mà vẫn thưa thớt thí sinh đăng ký.
Hình minh họa
Hình minh họa

Năm 2020, một số ngành hút thí sinh như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kinh tế,  thậm chí là khoa học xã hội - nhân văn. Điểm cao kỷ lục thuộc về ngành Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi điểm trúng tuyển tổ hợp C00 lên đến 30/30 điểm. 

Khối ngành công nghệ năm nay tiếp tục giữ vị trí tốp đầu khi điểm chuẩn ngành khoa học máy tính của trường ĐH Bách khoa Hà Nội lên đến 29,04 điểm, ngành công nghệ thông tin, ngành trí tuệ nhân tạo… ở các trường ĐH khác cũng rất cao. 

Trong khi đó, tại trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm. Kế tiếp là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô 27,5 điểm. Cùng với đó, những ngành như Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học máy tính (chất lượng cao) kỹ thuật cơ điện tử đều từ 27 điểm trở lên. 

Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh điểm chuẩn của các trường tốp giữa và dưới vẫn ở mức trung bình. Với những ngành khó tuyển của các trường dù lấy ở mức sàn vẫn thiếu chỉ tiêu.

Thông tin từ Bộ GDĐT về kết quả xét tuyển đợt 1, hiện đã có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu (chiếm khoảng 53,5%). Còn lại, hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Ngoài ra, còn khá nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Vì vậy, thí sinh vẫn còn cơ hội cho đợt xét tuyển bổ sung.

Năm học này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã quyết định ngưng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công vì ít thí sinh đăng ký nguyện vọng. Trong khi đó, ngành Thiết kế thời trang chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Ngành Điện tử viễn thông - chất lượng cao Việt - Nhật, ngành Môi trường - chất lượng cao dù điểm chuẩn bằng sàn 19,5 vẫn không tuyển được.

Cũng tương tự, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, dự kiến sẽ ngừng tuyển sinh 2 ngành Khoa học thủy sản (60 chỉ tiêu) và Công nghệ vật liệu (50 chỉ tiêu). Nguyên nhân, dù có nhiều phương thức tuyển sinh nhưng đến nay 2 ngành này có số lượng thí sinh đăng ký quá ít so với chỉ tiêu.

Trong khi đó, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) có 3 ngành khó tuyển là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học lấy điểm chuẩn 17 vẫn chưa đủ chỉ tiêu… Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cũng có nhiều ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn và có thể sẽ xét tuyển bổ sung. 

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, hiện xã hội rất cần nhân lực về xây dựng công trình giao thông yêu cầu kỹ thuật cao như đường cao tốc, đường sắt, hệ thống đường sân bay. Tuy nhiên gần đây, xây dựng giao thông đang bị ngừng trệ nên các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng đang giảm dẫn đến xu hướng học ngành này giảm theo. Nhưng nhu cầu vẫn có và cần những nhân lực có trình độ cao.

Thực tế hiện nay, với một số công nghệ mới, những vấn đề cần kinh nghiệm, Việt Nam vẫn phải mời chuyên gia nước ngoài sang tư vấn. Nhưng cơ bản, nhân lực của ngành khi đào tạo ra vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Đọc thêm