Cô thủ thư không may mắn và giấc mơ mang sách về cho trẻ

(PLVN) - Giữa tháng 12/2018, Nguyễn Thị Hằng báo cho tôi một tin không vui của chị: “em sắp bị thị xã Kỳ Anh cắt hợp đồng. Đây là lần thứ 2 em mất việc”. Đây cũng là thời điểm, Hằng phải ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xạ trị. Bất hạnh chồng lên bất hạnh.
Cô thủ thư không may mắn và giấc mơ mang sách về cho trẻ

Tôi ước có thêm sức lực, thời gian

Đó là lời sẻ chia của Hằng - cán bộ thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng dù khi nằm trên giường bênh hay hiện nay vẫn nỗ lực kêu gọi các nguồn tài trợ để hỗ trợ sách cho thư viện các trường học trên địa bàn.

Vốn là một sinh viên chuyên ngành sư phạm Đại học Huế ra trường nhưng giấc mơ trở thành cô giáo không thành. Hà Tĩnh là một trong những địa phương “thừa giáo viên”,  các trường công lập không  có “cửa”, tư thục thì Hà Tĩnh rất hiếm hoi.

May mắn cho Hằng là được thị xã Kỳ Anh nhận vào làm thủ thư của Thư viện cộng đồng thị xã. Kể từ đó, cuộc sống, niềm vui của chị gắn liền với những trang sách và những bạn đọc thân thương.

“Hàng ngày được giới thiệu cho các em những cuốn sách hay, giàu ý nghĩa thực sự là một niềm may mắn và hạnh phúc ngoài mong đợi với tôi”, chị tâm sự. Hằng mê sách, làm bạn với sách. “Em nhận ra, dẫu thời kỳ máy tính bảng, điện thoại thông minh nhưng còn rất nhiều trẻ em mê sách. Không thể để bọn trẻ bị trò chơi điện tử lôi kéo vào các trò chơi vô bổ, bạo lực”. Nghĩ vậy mà Hằng bắt tay vào một việc tưởng như “mơ hồ”, đó là xin sách về cho bọn trẻ vùng quê nghèo, học sinh các trường trên địa bàn.

Cuối năm 2016, Hằng được người bạn tặng cho một thùng sách để đọc. Không giữ riêng cho bản thân, chị quyên tặng toàn bộ cho Thư viện để chia sẻ những kiến thức với người đọc. Đó là hành trình khởi đầu.

Tháng 10 năm 2017, sau cơn bão số 10, chị có dịp cùng với Công ty SamSung C&T đi khảo sát, tham quan các trường học, thấy các trường quá nghèo nàn, thiếu thốn nguồn sách, chị bắt đầu nhen nhóm ý tưởng xin tài trợ để bổ sung cho các thư viện.

Kể từ đó, bằng nhiều kênh khác nhau, Hằng kêu gọi bạn bè, những người quen biết hỗ trợ kinh phí để bổ sung nguồn sách cho các thư viện trường học và xin sách, từng quyển một. Điện thoại khi đến từng người, thông qua mạng xã hội tìm kiếm sự chia sẻ.

Để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ, chị trình bày rõ ý tưởng, cách thực thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, nhờ đó ngày càng có nhiều người ủng hộ và chia sẻ ý tưởng của chị.

Từ cuối năm 2017 cho đến nay, Hằng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được hơn 1.200 cuốn sách các loại để bổ sung cho các trường học trên địa bàn thị xã Kỳ Anh với tổng giá trị trên 50 triệu đồng. Công việc đó, hiện đang được chị tiếp tục.

“Xin được thêm, dù chỉ một quyển sách thôi, em cũng hết sức vui mừng”, chị Hằng cho biết.

Nếu có phép màu

Nguyễn Thị Hằng không may mắn như bạn bè. Với đồng lương eo hẹp của một thủ thư hợp đồng, trong điều kiện kinh phí tự lo và ngày càng bị “thắt” của các huyện, thị nên để duy trì cuộc sống Hằng phải bươn chải vất vả. Chị làm đủ nghề, lúc thì bán ít bột nghệ, bột ớt, nhặt nhạnh lần hồi để còn nuôi 2 con nhỏ và giữ đam mê.

Đóng gói sách chuyển tặng các thư viện trường học trên quê hương
Đóng gói sách chuyển tặng các thư viện trường học trên quê hương

Hình như số phận không công bằng với Nguyễn Thị Hằng. Đang hăng say thực hiện điều mình mong ước thì đầu năm 2018 Hằng phát hiện mình bị trọng bệnh. Chị đã vượt qua cú sốc lớn bằng tình yêu cuộc sống, niềm trăn trở với những dự định còn dang dở.

Bên người Hằng lúc nào cũng thuốc, có lúc vì xạ trị mái tóc con gái mới ngoài 30 tuổi bị rụng hết. Hằng vừa âm thầm chạy chữa, chiến đấu với bệnh tật, vừa làm tròn nhiệm vụ của một người thủ thư. Và hành trình kêu gọi tài trợ sách để bổ sung cho các thư viện vẫn được chị bền bỉ thực hiện với mong ước làm giàu thêm tri thức cho thế hệ tương lai.

“Hiện nay, với số sách em kêu gọi được và sách luân chuyển của Thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh, cơ bản thư viện các trường học trên địa bàn đều có được nguồn sách tối thiểu để đọc. Tuy nhiên, rất nhiều trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ở các địa phương khác còn hết sức thiếu thốn. Tôi ước gì có thêm nhiều sức lực, thời gian để kêu gọi thêm các nguồn lực hỗ trợ các trường, để các em học sinh đều có cơ hội được tiếp cận những kiến thức, giá trị đạo đức, cái hay, cái đẹp từ sách. Mỗi lần mang niềm vui đến với các em, tôi trở lên lạc quan hơn và có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách”, chị Hằng tâm sự.

Xin được sách đã khó, vận chuyển được sách về Kỳ Anh Hà Tĩnh đã khó, nhưng phân loại, đóng gói, đưa sách đến được thư viện các trường học còn khó và mất thời gian hơn.  Rất may cho Hằng, chồng cô chia sẻ. “Việc làm của mình được chồng hết sức ủng hộ và giúp sức. Đặc biệt lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp cũng rất quan tâm và thường xuyên đồng hành tặng sách”, Hằng cho biết.

Nhờ sự đóng góp âm thầm của Hằng và cộng sự, văn hóa đọc trong học sinh ở Kỳ Anh được xây dựng, hình hài. Thư viện Cộng đồng thị xã Kỳ Anh được Bộ VHTT&DL đánh giá là 1 trong 12 thư viện cấp huyện trong cả nước có lượt bạn đọc lớn nhất.

Đó là phần thưởng tinh thần mà Hằng tự hào, trân trọng. Ước mơ của thủ thư Nguyễn Thị Hằng đáng được trân trọng, tôn vinh. Riêng tôi, ước gì có một phép màu giúp chị vượt qua bạo bệnh để “xanh mãi với ước mơ”, mang niềm vui, hạnh phúc cho học sinh quê nhà./.

Đọc thêm