Công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1: Có xóa bỏ được độc quyền?

(PLVN) - Chiều 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Theo đó, có 32 bộ SGK đã được phê duyệt và công bố trong đợt này.
Họp báo công bố danh mục Sách giáo khoa  lớp 1.
Họp báo công bố danh mục Sách giáo khoa lớp 1.

Vậy quy trình biên soạn, thẩm định SGK được thực hiện như thế nào? Giá SGK mới ra sao? Các bộ sách được địa phương lựa chọn thế nào? Quá trình kiểm tra đánh giá có đạt được yêu cầu chung? Có hết độc quyền SGK? là hàng loạt câu hỏi được đặt ra, khi tiến hành đưa các bộ SGK đã được phê duyệt vào trường học, bắt đầu từ năm học 2020-2021 ở lớp 1…

Quy trình biên soạn, thẩm định

Từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai lần đổi mới sách SGK. Lần đổi mới thứ nhất vào năm 1981, lần thứ 2 vào năm 2004 và hiện đang bước vào lần đổi mới thứ 3 dự kiến sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021…

Lần sửa đổi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “Quá trình biên soạn và thẩm định được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan và minh bạch”. Khâu đầu tiên để triển khai biên soạn SGK, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực trên cơ sở khung chương trình chung đã được ban hành sẽ tiến hành biên soạn, sau đó đăng ký và nộp bản thảo đến các nhà xuất bản (NXB). 

Các NXB đủ điều kiện và được cấp phép xuất bản SGK tiến hành biên tập, hoàn thiện bản mẫu. Khi có mẫu SGK, NXB phối hợp cùng tổ chức, cá nhân biên soạn tổ chức thực nghiệm. Sau quá trình này, Bộ mẫu SGK được trình lên hội đồng thẩm định để lựa chọn ra các mẫu đạt yêu cầu về khung chương trình, phù hợp với các phương pháp và đối tượng dạy học.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam đánh giá, các bộ sách biên soạn được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, theo một quy trình chặt chẽ. Chỉ riêng với 4 bộ SGK được phê duyệt của NXB Giáo dục Việt Nam đã phải huy động đến 150 tổng chủ biên, chủ biên, hơn 700 tác giả là các nhà khoa học và đội ngũ giáo viên trên cả nước tham gia. 

Cũng chính vì quá trình biên soạn đó, NXB Giáo dục Việt Nam là một trong số 3 NXB (bên cạnh NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) có các bộ sách được Hội đồng thẩm định SGK lựa chọn trong danh mục được phê duyệt đợt này. Riêng NXB Giáo dục Việt Nam có 24 trong số 32 cuốn sách được công bố đạt tiêu chuẩn phê duyệt.

Theo đánh giá chung, các bản mẫu đều được tác giả xây dựng công phu, trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực.

Các thành viên Hội đồng Thẩm định SGK chia sẻ, họ đã đánh giá chi tiết từng nội dung kiến thức, xem xét từng hình ảnh sử dụng trong bản thảo SGK đã thân thiện, phù hợp với học trò lớp 1 chưa? Lượng kiến thức cung cấp trong từng tiết học có vượt quá khả năng của học sinh hay không? Thậm chí đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa trong Hội đồng Thẩm định SGK.

Đổi mới cách học

Trong một tiết dạy thực nghiệm môn Toán theo thiết kế của chương trình mới, tiết học sẽ bắt đầu bằng hoạt động khởi động. Giáo viên không đưa ra kiến thức, bài tập có sẵn mà thiết kế các tình huống khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng. PGS.TS Phan Doãn Thoại - Chủ biên SGK Toán lớp 1 của một trong những bộ SGK mới đã có những chia sẻ. 

Ông Thoại cho rằng, phương pháp dạy học bây giờ cũng hoàn toàn thay đổi. Thay vì truyền thụ kiến thức một cách giáo điều như trước đây chúng ta vẫn làm, giờ giáo viên tập trung tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh.

Trên cơ sở đó, học sinh có thể phát triển những năng lực cần thiết. Bởi vậy, giáo viên phải hiểu được mục tiêu của mỗi một hoạt động học tập, đồng thời biết được các bước để hướng dẫn học sinh thực hiện và phải biết kiểm tra, đánh giá năng lực, hoạt động học tập đó.

Cũng theo ông Thoại, để học sinh đổi mới cách học và giáo viên đổi mới cách dạy thì SGK dứt khoát phải theo mô hình hoạt động. SGK thiết kế như vậy phải đảm bảo kiến thức tường minh, tối thiểu, tạo cơ sở kiến thức cốt lõi cơ bản để học sinh phát triển năng lực. Đồng thời cách thiết kế như vậy thì dù giáo viên ở trình độ trung bình cũng có thể sử dụng SGK này để dạy học một cách hiệu quả.

Còn theo GS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK môn Toán lớp 1, một số bản mẫu SGK có những điểm giống nhau là không thể tránh khỏi. Mỗi quyển sách phải thể hiện đầy đủ nội dung đã quy định trong cấu trúc khung cũng như các yêu cầu đối với từng chủ đề.

Với 6 bản mẫu SGK môn Toán, sự khác biệt thể hiện ở triết lý giáo dục, cách thức trình bày, việc sắp xếp trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho người học.

Kết quả thẩm định của các Hội đồng vừa qua cho thấy, nhiều bản mẫu SGK được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình GDPT với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. 

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại sẵn sàng đối thoại với Bộ GD&ĐT

Liên quan đến ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào về kết quả thẩm định các bản mẫu SGK môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại…

Theo kết luận của Bộ GD&ĐT, cả 3 cuốn sách lớp 1 gồm Toán, Tiếng Việt, Đạo đức trong bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đều không đạt thẩm định. Trong đó, SGK Tiếng Việt 1 bị đánh giá “không đạt” do có tới gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ. Nhiều nội dung trong đó, các thành viên cho rằng “vượt chương trình” hoặc “quá khó so với học sinh lớp 1”.  

Sự việc này khiến người đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục - PGS.TS Nguyễn Kế Hào viết đơn thư bày tỏ sự không đồng tình, cho rằng đánh giá của hội đồng như vậy chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục. Trước đó, Hội đồng Thẩm định quốc gia về SGK đánh giá là “Không đạt” với các bản mẫu SGK môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 và Đạo đức 1 do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên. Điều này dẫn đến khả năng “Chương trình thực nghiệm” phải chấm dứt giảng dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai.

Trong thư PGS.TS Nguyễn Kế Hào bày tỏ, bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai trên phạm vi cả nước năm 1981; không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai trên phạm vi cả nước năm 2002, mà đã góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỷ trước cũng như giai đoạn từ năm học 2006 - 2007 đến nay.

Bộ sách này không phải là bộ sách cần thay bằng bộ sách mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng.  Chỉ tính năm học 2019 - 2020, SGK “Công nghệ giáo dục” đã được triển khai ở 48 tỉnh, thành. Trong đó có hơn 920.000 học sinh lớp 1 học theo sách “Tiếng Việt 1” Công nghệ giáo dục.

Theo ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Hội đồng Thẩm định SGK đã có 2 lần tiếp cận và đối thoại với tác giả. Tại các lần đối thoại này, GS. Hồ Ngọc Đại chưa có ý kiến gì.

Theo ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ, sau quá trình đánh giá lại các nội dung liên quan đến việc thẩm định SGK Tiếng Việt 1 của GS.TS Hồ Ngọc Đại, Hội đồng Thẩm định nói rất rõ là chương trình của GS. Hồ Ngọc Đại chỉ phù hợp với chương trình hiện hành. “Tuy nhiên, với yêu cầu của Thủ tướng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, nếu tác giả có nhu cầu”, ông Thái Văn Tài cho biết.

Sau khi biết thông tin này, trao đổi với báo chí, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết, ông sẵn sàng đối thoại với Bộ GD&ĐT về bộ SGK lớp 1 Công nghệ Giáo dục bị loại.

Đọc thêm