Đại học Bách Khoa Hà Nội và Bkav ký thỏa thuận phát triển khoa học công nghệ

Tập đoàn công nghệ Bkav và Viện điện tử Đại học Bách Khoa Hà Nội (SET) chiều qua, 19/12, ký thỏa thuận phát triển khoa học công nghệ.
Đại học Bách Khoa Hà Nội và Bkav ký thỏa thuận phát triển khoa học công nghệ

Ký kết này là dấu mốc quan trọng, mở đầu cho các thỏa thuận hợp tác chiến lược tiếp theo giữa Tập đoàn Bkav với các Khoa và Viện nghiên cứu của trường. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Thanh, Viện trưởng viện Điện tử viễn thông Đại học Bách Khoa, hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài là chiến lược để nhà trường có thể nâng cao năng lực khoa học công nghệ. "Đây là mô hình tốt và việc ký thỏa thuận hôm nay là bước khởi đầu để chúng tôi cùng nhau đưa sản phẩm của Bkav với những công nghệ tốt hơn nữa đến với người tiêu dùng Việt Nam", ông Thanh nói.

CEO Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Bkav cũng chia sẻ: “Là nhà sản xuất smartphone cao cấp, chúng tôi hiểu rằng Đại học Bách Khoa Hà nội với đầy đủ lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo từ toán học, vật lý, hay cơ khí, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa… là một đối tác cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp công nghệ nào. Đặc biệt là để sản xuất ra chiếc điện thoại như Bphone, chúng tôi sẽ cần sử dụng tri thức của hầu hết các lĩnh vực khoa học công nghệ này”. 

Đại diện Bộ KH&CN có mặt tại lễ ký kết, ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết, Bộ KH&CN đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Bkav trong nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ. Đặc biệt, đối với điện thoại thông minh Bphone, Bkav đã chủ động từ khâu thiết kế, chế tạo, sản xuất, hoàn thiện sản phẩm cả phần cứng lẫn phần mềm, làm chủ chuỗi cung ứng đối với sản phẩm công nghệ cao, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội. 

"Chúng tôi sẵn sàng cùng với các trường Đại học, Viện nghiên cứu… hỗ trợ phát triển hơn nữa các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm điện thoại thông minh của Tập đoàn Bkav. Hy vọng sự hợp tác của Bkav với Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như các đối tác trường Đại học, Viện nghiên cứu khác phát triển hơn nữa, tạo được hệ sinh thái cho phát triển sản phẩm công nghệ cao của đất nước", ông Chiến bày tỏ.  

Thực tế, trên thế giới, mô hình hợp tác giữa Viện nghiên cứu, Trường Đại học và các doanh nghiệp có từ rất sớm và luôn phát huy hiệu quả. Tại Mỹ, Hàn Quốc, thành công của Apple hay Samsung cũng như vậy, đằng sau họ là các trường Đại học, Viện nghiên cứu. 

Đọc thêm