Đại học tự chủ: Để học phí không còn là nỗi băn khoăn lớn nhất

(PLO) - Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Nhưng xu hướng chung là không ít trường làm ngược lại, tài chính đặt lên trước chất lượng và học thuật…
Học phí đại học ngày càng đắt đỏ? (Ảnh minh họa)
Học phí đại học ngày càng đắt đỏ? (Ảnh minh họa)

Hàng năm, nỗi lo lớn nhất của sinh viên luôn là việc tăng học phí. Trong khi đó, với xu hướng tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các trường có thể tăng học phí “trên trời”, thì nỗi lo này thực sự là “gánh nặng”, thậm chí là “cánh cửa khép kín” đối với ước mơ đại học của nhiều sinh viên...

Cần nghĩ đúng về tự chủ

Nói về thực trạng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Về tài chính, theo Thứ trưởng Phúc, mức chi cho giáo dục còn thấp, với khoảng 0,5% GDP nên gia đình và người học phải gánh rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.

Hiện cả nước có 23 trường đại học đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính và kết quả là đã có nhiều đổi mới về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Về định hướng, theo ông Phúc, phải thể chế hóa tự chủ đại học, trong đó sửa Luật Giáo dục Đại học là vấn đề hết sức cấp bách.

Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Vì thí điểm tự chủ nên lãnh đạo nhiều trường đại học “vừa làm vừa run”. Do vậy, cần phải sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường, đồng thời ông Phúc lưu ý đẩy mạnh tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong toàn xã hội.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ trong chương trình chứ không phải tự chủ về tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. Các trường chỉ “chăm bẵm” cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục.

Thực tế, tài chính trong giáo dục đại học luôn là một vấn đề lớn được bàn luận nhiều trong các hội thảo và trên các diễn đàn, tập trung các ý như: Giáo dục đại học ngày càng đắt đỏ: Học phí đại học tăng mạnh: Tỷ lệ chi cho giáo dục đại học chiếm một phần lớn trong chi tiêu gia đình. 

Ông Từ Quang Hiển, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, nguồn tài chính của các trường đại học ở Việt Nam cũng giống như ở nước ngoài, bao gồm: ngân sách nhà nước, thu từ đào tạo (học phí, lệ phí), từ đề tài nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học công nghệ, từ tài trợ của doanh nghiệp, cựu sinh viên… và các nguồn kinh phí khác, trong đó nguồn thu từ ngân sách nhà nước và từ đào tạo chiếm tỷ trọng lớn (80 - 90%), từ các nguồn thu còn lại rất ít. Ở một số nước phát triển, một trường đại học lớn có thể được hưởng từ ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm dưới các hình thức khác nhau.

Ông Hiển nhấn mạnh: “Gần đây, khi nói đến tự chủ các trường đại học, người ta thường nghĩ rằng đó là tự chủ về tài chính (các trường tự thu, tự chi, tự nuôi sống mình), Nhà nước bớt đi một gánh nặng ngân sách dành cho các trường đại học. Suy nghĩ như vậy là phiến diện và chưa đúng đắn. Nhà nước trao cho các trường đại học tự chủ nhiều lĩnh vực trong đó có tự chủ về tài chính. Tự chủ về tài chính có nghĩa là nhà trường có quyền quyết định chi và quyết toán kinh phí hàng năm, bao gồm kinh phí từ Nhà nước cấp và kinh phí tự có của trường”. 

Học phí phải xứng đáng với chất lượng đào tạo

Về vấn đề tài chính cho giáo dục đại học và gắn liền với nó là học phí hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng hãy sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hiện có, không nên đặt vấn đề tăng đầu tư, tăng học phí vì điều đó gây khó khăn cho ngân sách và việc tiếp cận giáo dục đại học của một số đông sinh viên nghèo. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, nên tính đúng, tính đủ các chi phí để xây dựng mức học phí phù hợp.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có thực mới vực được đạo”, với nguồn kinh phí hạn hẹp, các trường đại học Việt Nam khó có thể đạt được các chuẩn mực đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới” - là ý kiến của ông Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng (TP HCM).

Bà Đặng Thị Thanh Huyền - Học viện Quản lí Giáo dục cho rằng, nhìn chung các trường đại học theo mô hình tự chủ sẽ có học phí thấp nhất khoảng 15 triệu đồng/năm học trở lên. Học phí tăng đồng nghĩa với chất lượng đào tạo; tỷ lệ việc làm; đánh giá sinh viên đều tăng, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Nhưng bên cạnh đó, không ít các trường có mức học phí quá cao, khiến cho nhiều sinh viên ngần ngại theo học vì không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về mặt tài chính.

Theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, các trường đại học tự chủ tăng học phí là đúng nhưng tất cả các mức tăng học phí đều là vấn đề rất nhạy cảm với xã hội và trực tiếp là người học, phải tính đến khả năng chi trả của sinh viên. Khi đã quyết định thực hiện thì cần truyền thông cho sinh viên hiểu rõ, tránh tình trạng phàn nàn và ngần ngại theo học.

Bởi lẽ, bộ phận người dân thu nhập thấp là mấu chốt cho vấn đề học phí của các trường tự chủ, nếu các trường không giải quyết triệt để vấn đề này thì sẽ vô tình gây ra hiện tượng phân hóa trường giàu, trường nghèo. Do đó, nâng mức các khoản vay không lãi; học bổng; giải thưởng; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên khó khăn; cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp là những việc thiết thực nhất các trường tự chủ cần làm ngay.

Từ thực tế trường thí điểm tự chủ, ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP HCM cho biết, sau khi trường được tự chủ từ năm 2017 thì mức học phí tăng lên gần gấp đôi, bởi “bài toán” học phí trong tự chủ được đưa ra: Năm 2017 số lượng sinh viên đăng kí ban đầu là 45.000 hồ sơ, nhưng sau nhận được thông báo học phí thì lượng hồ sơ giảm đi còn 20.000.

Nhưng năm nay do được tuyên truyền về tỷ lệ việc làm, lời hứa về chất lượng đào tạo nên tỷ lệ tuyển sinh đã tăng cao hơn năm ngoái rất nhiều đạt 63.000 chỉ tiêu đăng kí cho dù mức học phí còn cao hơn năm trước. Điều đó cho thấy, học phí cao, không ảnh hưởng đến danh tiếng hay chỗ đứng của trường. Trường nào được Nhà nước bao cấp thì học phí thấp, trường nào tự chủ thì học phí cao. Nhưng tất cả là ở người dân.

Với họ, một nền giáo dục thực chất, con em họ có việc làm ngay sau khi ra trường đó mới là điều họ quan tâm nhất. Học phí không còn là nỗi băn khoăn lớn nhất. Còn lại, các em sinh viên khó khăn cần hỗ trợ thì Trường vẫn cho đóng mức học phí trước khi bước vào tự chủ, hỗ trợ tối đa 15% tổng số sinh viên nhập trường.

Ở góc độ khác, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM nêu ra, các nước Hà Lan, Úc, Mỹ, Anh, Nhật Bản là những nước thành công trong mô hình tự chủ đại học, trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong định hướng và trợ giúp các trường thực hiện vấn đề tự chủ. Đồng thời GS Hoài nhận định, thành công của các trường nằm trong top 50 của thế giới là nhờ vào khả năng tiếp cận tài chính từ thị trường.

Trong khi đó, nguồn thu của các trường ĐH ở Việt Nam chủ yếu vẫn là từ học phí và ngân sách công. Theo điều tra, 70% tỷ lệ nguồn thu của các trường đến từ học phí và một số loại phí của sinh viên. Như vậy rất rủi ro, đừng quá phụ thuộc vào tiền do lượng sinh viên đóng. Học phí tăng quá cao như “dây đàn chờ đứt”, cần đặt ra câu hỏi sinh viên có thể chi trả ở mức nào thay vì nhà trường sẽ cho đóng ở mức nào?

Bên cạnh đó, PGS.TS Thái Bá Cần đưa ra số liệu, theo nghiên cứu gần đây, chi phí dành cho học phí của Việt Nam vẫn là thấp so với các nước ở châu Á. Chi phí bình quân cho sinh viên vào khoảng 9,24 triệu đồng/năm học (năm 2009) thì năm 2017 lên đến 16,2 triệu đồng/năm học. Trong khi đó đối với các nước đang phát triển, mỗi sinh viên sẽ tốn khoảng 70 -100 triệu đồng/năm học, trường càng lớn thì chi phí cho đào tạo càng cao. Chúng ta có nên tăng chi phí đóng góp lên cao hơn để đảm bảo mức chất lượng dạy và học?

PGS Thái Bá Cần bày tỏ: “Theo tôi, trong 10 năm tới, nếu muốn đạt được ngưỡng hội nhập thì cũng đóng góp ở mức từ 5.000 đô la Mỹ trở lên mới có thể hội nhập tiếp cận được với chương trình đào tạo quốc tế. Cùng với đó là sự đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, cần tăng cao hơn lên 0,7 -1,5% tổng GDP bình quân đầu người/năm”. 

Ngoài ra, PGS Cần nhấn mạnh, tăng chi phí đào tạo hay học phí của sinh viên cũng đều phải đặt trong tương quan khả năng kinh tế của người dân để điều chỉnh. Mức tăng ấy đồng nghĩa với chất lượng giáo dục dành cho sinh viên phải được đảm bảo. Hiện nay số sinh viên công lập chiếm 87% tổng số sinh viên. Vì vậy, một cách gần đúng, nếu chúng ta giảm số sinh viên công lập đi 20% thì sẽ đạt được mức chi ngân sách 50% GDP bình quân đầu người cho giáo dục đại học.

Ngoài các chương trình đại trà mà các trường đại học đang cung cấp cho phần đông sinh viên có mức thu nhập trung bình, Nhà nước cần khuyến khích các trường đại học (cả công lập và tư thục) đưa ra những chương trình đào tạo tiếp cận trình độ cao của thế giới ngay tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực quản lý và đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học, vừa đáp ứng nhu cầu của một số lượng lớn gia đình có điều kiện không phải cho con em ra nước ngoài học tập. Học phí của các chương trình này được thiết lập chủ yếu dựa trên phương thức thỏa thuận. 

Đọc thêm