Đào tạo cử nhân quản lý thị trường có gì khác biệt?

(PLVN) - Đào tạo cử nhân QLTT sẽ có một vài điểm khác biệt so với các ngành khác, như sinh viên của ngành này sẽ được học võ và một số chương trình giáo dục thể chất khác biệt. Đó là thông tin mà GS.TS Hoàng Ngọc Thân (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đưa ra trong Tọa đàm Đào tạo cử nhân quản lý thị trường, đáp ứng nhu cầu xã hội. 
Tọa đàm được tổ chức sáng 3/3/2021.
Tọa đàm được tổ chức sáng 3/3/2021.

Sáng nay, (3/3/2021), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm Đào tạo cử nhân quản lý  thị trường, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây là một hoạt động nhằm triển khai thực hiện nội dung ký kết hợp tác đào tạo nhân lực của ngành QLTT giữa 2 đơn vị.

Tại tọa đàm, đại diện của NEU đã trình bày các môn học nằm trong chương trình đào tạo của trường. Ngoài ra, NEU cũng đề xuất xin ý kiến thêm từ lực lượng QLTT về các kỹ năng chuyên môn để tiến hành thêm các môn đào tạo gắn bó với thực tiễn hoạt động nghiệp vụ của lực lượng để đảm bảo cử nhân ngành này ra trường có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết, trong các hoạt động quản lý của lực lượng, Tổng cục đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và giáo dục đạo đức kinh doanh mới là gốc của công tác QLTT.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Tọa đàm
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Tọa đàm 

GS.TS Hoàng Ngọc Thân (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế) cho rằng: “Nếu đòi hỏi QLTT là lực lượng phòng thủ thì chắc chắn công tác QLTT sẽ thua. Lực lượng QLTT phải là lực lượng phòng vệ, đủ sức phòng thủ mới thành công”.

Vị giáo sư này cũng “bật mí”, đào tạo cử nhân QLTT sẽ có một vài điểm khác biệt so với các ngành khác. Ví như sinh viên của ngành này sẽ được học võ và một số chương trình giáo dục thể chất khác biệt.

GS.TS Hoàng Ngọc Thân thông tin về chương trình đào tạo cử nhân QLTT
GS.TS Hoàng Ngọc Thân thông tin về chương trình đào tạo cử nhân QLTT

Theo kế hoạch, đối tượng tuyển sinh của ngành này sẽ theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án tuyển sinh đại học hệ chính quy của NEU. Thời gian đào tạo là 4 năm, bao gồm cả học tăng cường tiếng Anh (để đảm bảo sàn đầu ra tiếng Anh tương đương Ielts 6.0) và thời gian thực tập cuối khóa.

Để tốt nghiệp cử nhân ngành QLTT, sinh viên phải hoàn thành tất cả các phần học bắt buộc và số học phần tự chọn theo yêu cầu của chương trình đào tạo, tổng lượng kiến thức là 133 tín chỉ và đạt chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng.

Cử nhân ngành QLTT có thể làm việc tại các cơ quan có chức năng liên quan đến QLTT; Các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách thương mại; Chính sách thị trường; Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về QLTT và các cơ quan khác.

Đọc thêm