Đào tạo đại học phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

(PLVN) - Ngày 15/6, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục để chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2020-2025. 
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, phần lớn các ý kiến đóng góp đồng tình với việc cần có chuẩn chương trình đào tạo, vừa làm cơ sở để các trường xây dựng chương trình, kiểm định và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định trong Dự thảo của Bộ GD&ĐT còn ràng buộc sự tự chủ của các trường. Ngoài ra, dung lượng các khối kiến thức theo quy định hiện chưa hợp lý, có thể dẫn đến chất lượng đào tạo khó đạt yêu cầu...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Việc triển khai Khung trình độ quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, thực hiện trong nhiều năm trên cơ sở pháp lý của Luật 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và được Thủ tướng chỉ đạo (thông qua Quyết định 1982 và Quyết định 436/QĐ-TTg) nên việc triển khai cần hết sức bài bản. Ngoài việc xây dựng chuẩn chung còn có chuẩn các chương trình đào tạo cho các khối ngành và ngành nên rất cần có ý kiến thảo luận, góp ý.

“Mục tiêu chung của chúng ta là nâng cao chất lượng GDĐH đào tạo, công tác đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, những chuẩn chương trình mà chúng ta sắp xây dựng ban hành là chuẩn tối thiểu để các cơ sở GDĐH căn cứ vào đó để xây dựng các chương trình đào tạo của mình. Chính vì xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng lao động, của sự phát triển kinh tế - xã hội nên trong quá trình xây dựng khung trình độ quốc gia sẽ có sự tham gia, góp ý rộng rãi của các cơ sở GDĐH, các hiệp hội, các đơn vị sử dụng lao động” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói. 

Đọc thêm