Đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng

(PLO) - Sáng 2/8, Khoa Luật- thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị nhà nước và Phòng, chống tham nhũng.
Đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng

Lễ công bố có sự tham gia của TS Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra Chính phủ, PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh- Chủ nhiệm khoa Luật ĐHQG Hà Nội. Các chuyên gia nước ngoài, bà Cait Moran - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ai-Len tại Việt Nam, ông Steph Lysaght - Đại diện lâm thời liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam…

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm khoa Luật ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: “Phòng chống tham nhũng (PCTN), được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, do đó công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực là biện pháp nền tảng lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác PCNT. Khoa luật là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên, tổ chức giảng dạy, nghiên cứu về PCTN một cách chính thức có hệ thống, do đó, hôm nay chúng tôi tiến hành triển khai Lễ công bố Chương trình đạo tạo thạc sĩ luật học về Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng".

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh-Chủ nhiệm khoa Luật ĐHQG Hà Nội phát biểu tại lễ công bố.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh-Chủ nhiệm khoa Luật ĐHQG Hà Nội phát biểu tại lễ công bố.

Tại Lễ công bố, PGS. TS Vũ Công Giao-Khoa luật ĐHQG Hà Nội cũng giới thiệu khái quát về chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng với các nội dung cơ bản đã được khảo sát ý kiến của hàng nghìn học viên, sinh viên và cơ quan, tổ chức sẽ sử dụng học viên tốt nghiệp.

Mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và PCTN cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này ở Việt Nam.

Những đối tượng được dự tuyển để theo học chương trình là những người có bằng cử nhân luật học, tất cả các chuyên ngành trong và ngoài Việt Nam, người có bằng cử nhân các ngành gần ngành luật như: Quản lý Nhà nước, Quản lý công, Khoa học quản lý, Chính trị học… Đặc biệt người dự tuyênr có thể mới tốt nghiệp đại học hoặc đang làm việc. 

Về đội ngũ giảng dạy, nòng cốt là các giáo sư, tiến sĩ đang là giảng viên của khoa Luật ĐHQG Hà Nội, ngoài ra còn có các giáo sư nước ngoài, các giáo sư, tiến sĩ giảng viên của các trường ĐH khác tại Việt Nam, các chuyên gia đang làm việc cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.

Thời gian đào tạo là 2 năm, với kết cấu 64 tín chỉ tương đương 16 học phần. Điều kiện dạy học của chương trình được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật giảng dạy trong đó có thư viện lớn của ĐHQG Hà Nội.

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ công bố bà Cait Moran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ai-Len tại Việt Nam cho hay: “Tôi rất vinh dự được tham dự sự kiện này, tôi nhận thấy Quản trị và phòng chống tham nhũng là trung tâm của phát triển bền vững, chính vì vậy nó là một trong những chương trình đào tạo trọng tâm của hợp tác Ai-len và Việt Nam”

Cũng theo bà, quản trị tốt và PCTN không chỉ là công việc của các luật gia mà còn là công việc của toàn xã hội. Vì yêu cầu về tính minh bạch, giải trình chống tham nhũng và cải tạo nên cả một nền văn hoá chống tham nhũng là công việc của toàn xã hội. Vì thế, bà hi vọng chương trình không chỉ đào tạo ra các chuyên gia trong lĩnh vực đó mà các chuyên gia sau khi được đào tạo sẽ truyền tải kiến thức đó rộng rãi hơn cho toàn xã hội. 

Đọc thêm