Dạy con trẻ từ lời ăn tiếng nói

(PLVN) - Ở những quốc gia như Pháp, Mỹ,..lời "xin lỗi", "cảm ơn" được cho là phép lịch sự cơ bản trong lối sống cũng như văn hóa giao tiếp, nhưng với người Việt, đôi khi câu nói đó lại mang hàm ý khách sáo. Dạy con trẻ thế nào để chúng biết sử dụng ngôn ngữ một cách khoa học, giữ được sự trong sáng của Tiếng Việt cũng như không buông lời nói tục, chửi thề trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ý nghĩa lời chào

Người Việt có câu: "Lời chào cao hơn mâm cỗ", ý rằng thông qua cách chào hỏi có thể thể hiện được phong thái, nề nếp gia phong, cách giáo dục gia đình của một người. Chào hỏi là cách thể hiện tình cảm gần gũi, cởi mở, thông qua đó mọi người xích lại gần nhau, yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Dạy trẻ biết cách chào hỏi mọi người là tiền đề cơ bản, giúp trẻ biết ứng xử đúng mực và lễ phép với mọi người xung quanh. 

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bố mẹ gặp cảnh con không chịu chào người lớn dù đã được nhắc nhở. Phản ứng của cha mẹ lúc đó thường là cảm thấy xấu hổ bởi "nói con không nghe", con không lễ phép. Nhiều người thấy mình dạy con chưa tốt và bắt đầu quay sang đổ lỗi cho đứa trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chào hay không chào hỏi mọi người, đó là điều bình thường.

Các nhà tâm lý cho rằng những đứa trẻ biết chủ động nói lời chào hỏi sẽ dễ gây thiện cảm với mọi người hơn và sẽ dễ thích nghi với xã hội sớm hơn. Cũng nhờ thế, khả năng thành công sẽ đến sớm hơn với những trẻ em này. Vì vậy, cha mẹ nên giảng giải cho con từ từ về việc tại sao nên chào hỏi mọi người, nhất là người lớn tuổi khi gặp mặt, tại sao nên cởi mở và cách để tạo thiện cảm với người xung quanh ra sao…Hãy luôn nhớ rằng, dạy trẻ cách chào hỏi, tôn trọng là một việc cần xuất phát từ bên trong, trẻ hiểu và trẻ muốn làm điều đó, tôn trọng không còn ý nghĩa khi nó có sự ép buộc.

 

Cư xử lễ phép, lịch sự

Lời "cảm ơn" và "xin lỗi" là điều mà các gia đình cũng như trường học tại Pháp dạy trẻ như là điều cơ bản nhất. Một đứa trẻ có thể bày tỏ lời cảm ơn đối với người giúp đỡ và biết nói lời xin lỗi khi mắc phải sai lầm được xem là đứa trẻ ngoan và được nuôi dưỡng trong môi trường có giáo dục tốt. Đó là biểu hiện của sự lễ phép ở một đứa trẻ.

Pháp là quốc gia được đánh giá cao về cách cư xử lịch thiệp, nhã nhặn, ngay cả với những đứa trẻ cũng có thái độ giao tiếp rất lịch sự. Ngay từ khi tập nói, ngoài những từ đơn giản như papa (bố), mama (mẹ), doudou (gấu bông), lolo (sữa), bobo (đau), trẻ em Pháp được cha mẹ dạy nói "cảm ơn" và "xin lỗi". Bài học này được cô giáo dạy trẻ ngay từ buổi đầu học mẫu giáo, trẻ luôn miệng cảm ơn khi được người khác giúp đỡ, hoặc tặng quà (cho dù đó là người thân nhất như ông bà hay cha mẹ) và xin lỗi khi làm sai, hoặc đơn giản chỉ là lỡ quệt tay, dẫm chân vào người khác. Mỗi khi các cháu quên chưa kịp nói, bố mẹ hoặc người thân thường nhắc "con nên nói gì nhỉ?".

Lời "cảm ơn", "xin lỗi" không phải là sự khoa trương hay khách sáo. Trên thực tế, có rất nhiều người rất ngại ngần nói ra lời "cảm ơn", thậm chí đối với đấng sinh thành của mình, hay khi mắc lỗi lầm có thể nhanh chóng bỏ qua mà không quan tâm đến lời "xin lỗi". Văn hóa "cảm ơn" hay "xin lỗi" cần được giáo dục cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ hiểu được giá trị của lòng biết ơn, sự hối lỗi, để trẻ hiểu rằng không ai trên đời tồn tại mà không có sự giúp đỡ của người khác. Vì vậy, hãy dạy trẻ nói "cảm ơn" và "xin lỗi" như một thói quen, một nét văn hóa như cách chúng ta bắt tay nhau, mỉm cười với nhau trong giao tiếp.

Tiến sĩ ngôn ngữ Nguyên-Kan chia sẻ về cách người Pháp dạy trẻ phép lịch sự: "Tôi sống hơn 10 năm ở Pháp. Những tháng ngày học tập, trải nghiệm nuôi con ở nơi đây đã cho tôi nhiều quan sát, bài học quý giá. Một trong những điều đặc biệt mà tôi học được là người Pháp rất lịch thiệp, hòa nhã, không chỉ người lớn mà trẻ con cũng vậy. Nếu gặp những đứa bé như vậy ở Việt Nam, chúng ta thường nhận xét là trẻ ngoan ngoãn, nhưng tôi không thích dùng tính từ này. Với tôi, đó là những cô bé cậu bé lịch sự, sớm được dạy dỗ và thực hành lối sống lịch thiệp từ khi còn bé".

Để trẻ hiểu phép lịch sự, người lớn cũng nên dạy trẻ về sự nhường nhịn và tính kiên nhẫn. Ở lớp mẫu giáo, khi cùng thích chơi một món đồ, hai đứa trẻ sẽ thường tự thỏa thuận với nhau "bạn chơi xong đến lượt tớ nhé" thay vì "chiến đấu" để có món đồ mình thích. Trẻ em được bố mẹ dạy chờ đợi khi lên xuống xe buýt, khi ra vào thang máy, từ đó rèn luyện tính kiên nhẫn, không chen lấn, xô đẩy. Dạy trẻ phép lịch sự cũng là dạy trẻ cách tôn trọng mọi người, không nói tục, nói bậy, không có những lời nói ngỗ ngược khi ứng xử, giao tiếp với mọi người. 

 

Biết lắng nghe và thấu hiểu

Trẻ nhỏ vốn dĩ khá ồn ào, năng động và hoạt bát, chính vì vậy trẻ không mấy khi có đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác. Hãy giúp trẻ rèn luyện kĩ năng bằng chính sự lắng nghe, giao tiếp bằng mắt với con mỗi khi nói chuyện, để cho trẻ có thời gian để bày tỏ suy nghĩ của mình. Bố mẹ hãy nghe con nói, không nên ngắt lời con, bởi vốn từ của con còn hạn chế. Việc ngắt lời người khác cũng là bất lịch sự và không được ủng hộ.

Dạy cho trẻ thể hiện mình bằng cách lắng nghe cẩn thận và chú ý đến tất cả các cách thức trẻ đang gửi tin nhắn cho bạn. Hãy tắt truyền hình và yêu cầu trẻ nhìn vào bạn, hoặc cho trẻ ngồi cùng một phòng với bạn trong khi bạn nói chuyện với trẻ. Để thật sự hiểu trẻ lắng nghe được điều gì, hãy yêu cầu trẻ lặp lại những điều bạn đã nói theo cách riêng của trẻ, những gì trẻ nghe từ bạn. Nếu trẻ nhận sai thông tin, hãy thử một lần nữa. Nếu trẻ truyền đạt đúng, hãy khen ngợi trẻ vì điều này – “Con lắng nghe thật tốt!”

Lắng nghe không chỉ đơn giản là nghe người khác nói mà lắng nghe cũng là quá trình tương tác. Không những cần chăm chú lắng nghe người khác nói mà còn phải tích cực dùng ngôn ngữ hoặc động tác để người đối diện có được cảm giác được đáp lại. Cha mẹ có thể thông qua việc cùng con kể các câu chuyện để rèn luyện sự chú ý lắng nghe cho con. Hãy để con kể chuyện và cha mẹ tích cực lắng nghe. Trong quá trình lắng nghe, cha mẹ hãy dùng ngôn ngữ dẫn dắt và đáp lại lời kể của con để chứng tỏ rằng cha mẹ đang lắng nghe con nói. Cuối cùng, cha mẹ hãy hỏi con xem con có hài lòng về cách lắng nghe của cha mẹ hay không. Nếu trẻ muốn, cha mẹ hãy đổi vai với con và kể lại câu chuyện một lần nữa.

Nghệ thuật kết bạn 

Tình bạn là điều cực kỳ quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người. Đặc biệt, đối với trẻ, một người bạn tốt có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì tình bạn thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng và trầm cảm.

Đây có thể là thử thách cho những trẻ hay ngại ngùng và xấu hổ trước mặt người lạ. Hãy giúp trẻ làm quen với ý tưởng tự giới thiệu bản thân thông qua việc tạo lập niềm tin. Để bắt đầu, hãy để trẻ nói chuyện với thú nhồi bông yêu thích của mình. Giải thích cho con hiểu những thông tin cần cung cấp trong bài giới thiệu, chẳng hạn như: tên, tuổi, sở thích của bản thân. Từ đó trẻ sẽ tự tin và có cách giao tiếp, ứng xử khéo léo, thông minh hơn khi lớn lên.

Cách cư xử tốt là kỹ năng quan trọng của xã hội. Để dạy trẻ cách kết bạn, đầu tiên phải dạy bé cách cư xử tốt. Hãy tập dần cho trẻ cách cư xử đúng mực ngay khi bé còn đang ở nhà. Bạn cũng nên dành không gian để trẻ thể hiện cho bạn thấy cách trẻ tương tác với xã hội và lựa chọn bạn bè. Bố mẹ sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi trẻ hòa hợp với một nhóm bạn nhưng cũng đừng buồn nếu con cảm thấy tốt hơn khi chỉ cần từ một đến hai người bạn. Hãy dạy trẻ rằng, trong bất cứ mối quan hệ nào cũng cần có sự đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu nhau. 

Đọc thêm