'Đẻ mướn' hay dâm thư tự phát hành?

(PLO) - Thời gian gần đây, quyển sách “Đẻ mướn” trở thành một hiện tượng gây sốt cộng đồng mạng, được cư dân mạng đặc biệt quan tâm. Đáng tiếc, đây không phải là tác phẩm có giá trị văn học mà lại là “sản phẩm văn chương” đầy “sạn”, dung tục của một hot girl viết, tự in và... tự phát hành qua mạng.
Bìa sách “Đẻ mướn” đang được rao bán trên mạng.
Bìa sách “Đẻ mướn” đang được rao bán trên mạng.

Một “thảm hoạ” viết lách

“Đẻ mướn” là tên quyển sách đang gây sốt của Nguyễn Hằng My, một hot girl chuyên kinh doanh mỹ phẩm online. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây là một ấn phẩm văn học có chất lượng, đã được cấp phép, kiểm duyệt, ấn hành... như bao quyển sách thông thường khác. Thế nhưng, đọc “Đẻ mướn”, nhiều người đọc đã rất hoang mang vì không hiểu mình đang “thưởng thức” thể loại văn chương gì.

Quyển sách có cốt truyện khá phi logic khi kể về một cô gái trẻ làm nghề đẻ thuê để kiếm sống. Khác với thực tế, cô gái đẻ mướn này làm việc theo hình thức... ngủ với chồng chủ nhà để mang thai. Sau đó, chủ nhà và cô gái đẻ thuê ngoại tình với nhau, nhưng dưới lăng kính của tác giả đây lại là một tình yêu chân thật, say đắm, mãnh liệt... Để rồi cặp đôi ngoại tình này sau đó đã vượt khỏi rào cản hôn nhân, đến với nhau và có... kết thúc có hậu. 

Không chỉ bị phản ứng vì cốt truyện thiếu thực tế và cổ suý cho “người thứ ba”, cho hành động ngoại tình, “Đẻ mướn” còn khiến độc giả bất bình vì nó không khác gì một “dâm thư” khi ngập tràn trong những trang sách là cảnh giường chiếu, khiến độc giả có cảm giác như đang “xem phim cấp ba”. Không những thế, văn phong viết hết sức ngô nghê, vụng về kiểu “có sao viết vậy”, lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả chi chít khiến quyển sách gần như trở thành một “thảm hoạ” viết lách. 

Điều đáng ngạc nhiên là “Đẻ mướn” không chỉ dừng lại là một quyển sách online, tác giả viết, độc giả giải trí chơi, mà tác giả của nó thậm chí đã in thành sách và tự rao bán rộng rãi. Khởi điểm ban đầu là viết đăng trên facebook cá nhân để tăng thu hút khách hàng, được tương tác cao nên nữ tác giả này quyết định in thành sách, tự quảng cáo trên facebook và tự phát hành, bán, giao hàng tận nơi. Sách có giá bìa 250 ngàn đồng, chưa tính phí giao hàng. Giá bán cao hơn nhiều so với các tác phẩm văn học xuất bản chính ngạch, thế nhưng số lượng đặt mua không hề ít.

Độc giả đặt mua sách chính là những “fan hâm mộ” của nữ tác giả này trên facebook và từng bị hấp dẫn bởi những chương đầu hé lộ nhiều cảnh yêu đương, thân mật của các nhân vật trong truyện. Và cho dù “Đẻ mướn” đầy rẫy lỗi từ nội dung đến văn phong, không ít bạn trẻ vẫn thi nhau tung hô đây là một quyển sách “xúc động”, “nhân văn”, “rơi nước mắt”... Hiện, theo như lời giới thiệu của Nguyễn Hằng My, nữ tác giả này đã đăng kí “độc quyền” cho sản phẩm của mình. 

Cơ quan kiểm duyệt ở đâu?

Nguyễn Hằng My cũng là tác giả của nhiều truyện ngôn tình tự viết, tự đăng trên facebook cá nhân. Hầu hết truyện của cô đều xoay quanh những câu chuyện tình sến súa, lâm li bi đát, nhiều nước mắt và cũng không ít cảnh nóng. Những truyện ngôn tình này thu hút một lượng độc giả và fan hâm mộ khá lớn.

Hiện nay, trên mạng xã hội cũng có không ít tác giả “tự phát” như thế. Đăng trên trang cá nhân, viết tuỳ ý và thoả sức, các tác giả này đều dệt nên những câu chuyện tình éo le, lắt léo, đầy nước mắt, cũng không quên thêm thắt vào đó những chi tiết giật gân, “câu view” như sex, đồng tính... Đáng nói là những thể loại truyện này lại rất thu hút sự tò mò của người đọc, nhất là các độc giả “tuổi teen”. Thực tế, những ấn phẩm không thể gọi là văn chương này rất có thể sẽ gây nên những lệch lạc trong cảm thụ văn học, thậm chí lệch lạc trong nhận thức về đời sống, về các mối quan hệ, như câu chuyện “Đẻ mướn” tung hô câu chuyện ngoại tình nói trên. 

Mạng xã hội rộng lớn và khó kiểm soát, khiến những bài viết có “mầm độc” dễ dàng được yêu thích, tung hô và phát tán. Tuy nhiên, lan truyền trên mạng xã hội, đọc online là một truyện, còn tự in  ấn, bán ra thu lợi nhuận như quyển sách “Đẻ mướn” lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Câu hỏi đặt ra là quyển sách đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt hay chưa, và đã được cấp phép bởi các nhà xuất bản chưa? Nếu chưa, tại sao một ấn phẩm đầy lỗi, thiếu giá trị văn học, thậm chí có thể đầu độc tinh thần giới trẻ lại có thể ngang nhiên được in ấn, phát hành trên mạng xã hội như thế? Sẽ như thế nào nếu thời gian tới, hàng loạt “ngôn tình mạng” cũng được tự ý in ấn phát hành rộng rãi, chễm chệ trên kệ sách của độc giả?

Đọc thêm