Đề nghị lùi triển khai chương trình phổ thông mới

(PLO) - Tại phiên họp chiều qua (2/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 (ngày 28/11/2014) của Quốc hội (QH) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc thực hiện Nghị quyết trên tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. “Thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến. Việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn”, ông Nhạ cho hay.

Để đảm bảo chất lượng, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chính phủ trình QH xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp Tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022 và hoàn tất việc áp dụng cho tất cả các khối lớp vào năm học 2023-2025.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu (ĐB) QH đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng báo cáo của Chính phủ vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc lùi thời hạn áp dụng sách giáo khoa. Các vấn đề lớn để khẳng định việc lùi thời hạn áp dụng sách giáo khoa các cấp học có ảnh hưởng đến nền giáo dục của nước nhà như thế nào vẫn chưa được làm rõ.

 “Về thời gian lùi bao lâu, tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, tôi đều chất vấn nội dung này. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri cũng đặt câu hỏi rằng, sách giáo khoa mới có đắt hơn không, có đủ chu kỳ 12 năm không. Chương trình VNEN không thông qua ở QH nhưng thực hiện hơn 5.000 trường và cũng bỏ dở. Nếu chúng ta lùi triển khai chương trình 2, 3, 4 năm nữa thiệt hại gì không?”, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho hay, ông vẫn băn khoăn khi đề án trên đã thực hiện được 3 năm, từ tháng 6/2015 đến nay. “Theo nghị quyết của Chính phủ, từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2018, phải biên soạn xong 3 sách giáo khoa của lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Tôi xin hỏi Bộ GD&ĐT làm được bao nhiêu sản phẩm, trong bao nhiêu sản phẩm ấy chúng ta đã chi phí hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn được bao nhiêu tiền. Có như vậy chúng ta mới tính được”, ĐB đề nghị. 

Theo ĐB Cầu, nếu không biết sản phẩm trong 3 năm các cơ quan chức năng thực hiện là cái gì, đã tiêu tốn của Nhà nước bao nhiêu tiền thì không thể quyết định được là có nên cho kéo dài hay không. “Tôi nghĩ đơn giản đã kéo dài thời gian thì chắc chắn kéo thêm chi phí. Hiện nay, trong Quyết định 404 của Chính phủ nói trọn gói 778 tỉ đồng trong khi dự thảo chương trình ở đây tốn 80 triệu USD tương đương 1.798 tỉ. Vậy bây giờ đổi mới sách giáo khoa lấy 778 tỉ đồng hay lấy 1.798 tỉ đồng?”, ĐB Cầu băn khoăn và cho biết ông đồng tình lùi thực hiện nhưng đừng phát sinh thêm kinh phí.

Từ quan điểm này, ĐB Cầu đề nghị Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ QH nói rõ sản phẩm sách giáo khoa của các cấp được thực hiện như thế nào, chi phí hết bao nhiêu tiền và còn bao nhiêu tiền trong số tiền đã phê duyệt, sau đó mới bàn đến lùi như thế nào. 

Hôm qua (2/11), giải trình tại phiên họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, trước tình hình kinh tế quý I đạt rất thấp nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kiên định mục tiêu 6,7%. “Vì nếu không tăng trưởng đạt 6,7% thì tất cả các bài tính về kinh tế vĩ mô của chúng ta năm 2017 phải tính lại hết”.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, tăng trưởng đạt 6,7% sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu ngân sách tăng hơn, đảm bảo các mục tiêu chi và đầu tư xây dựng, từ đó góp phần để từng bước giảm bội chi, đời sống người dân sẽ được cải thiện. Mặt khác, tăng trưởng cao hơn thì nước ta mới rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực, thế giới, khắc phục tụt hậu so với các nước trong khu vực. 

Theo Phó Thủ tướng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản cụ thể cho từng quý, đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm. “Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước thì tăng trưởng kinh tế đã đạt được kết quả rất tích cực, 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, ước cả năm sẽ đạt 6,7%”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định kết quả tăng trưởng kinh tế đạt được thời gian qua không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực như Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả 3 khu vực và có đóng góp của các sản phẩm. “Đặc biệt, ngành khai khoáng giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng. Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói và cho rằng điều đó nói lên việc chúng ta vừa tăng trưởng tích cực nhưng đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta cũng đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng.

Đọc thêm