Điểm chuẩn xét tuyển ĐH năm nay sẽ thế nào?

(PLO) - Từ 0h hôm qua - 19/7, hàng loạt trường đại học lớn và các cụm thi trên toàn quốc như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thái Nguyên, Đại học Thủy lợi... công bố điểm thi THPT quốc gia 2016. Với điểm thi không cao, dự báo, điểm chuẩn xét tuyển vào nhiều trường năm nay không cao.
 Thí sinh nên cân nhắc khi xét tuyển.
Thí sinh nên cân nhắc khi xét tuyển.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì năm nay thời gian công bố điểm thi của các cụm khác nhau. Điều này sẽ giúp giảm hiện tượng nghẽn mạng như kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Khối A, B không còn “mưa” điểm 10

Cụm thi Trường Đại học (ĐH) Thủy lợi chỉ có 3 thí sinh của cụm thi này đạt điểm 10. Cụ thể, điểm 10 xuất hiện ở môn Vật lý, môn Hóa học và môn Địa lý. Môn Toán thường là môn có nhiều điểm 10 nhất thì ở cụm thi này chỉ có 5 thí sinh (TS) đạt điểm cao nhất là 9,5 điểm; ở môn Ngoại ngữ, điểm cao nhất là 9,95 (không làm tròn) có 10 TS đạt từ 9,65 đến 9,95 (trong đó TS đạt 9,95 là môn Tiếng Nga); môn Sinh học có 3 TS đạt điểm cao nhất là 9,8 và 7 TS đạt 9,6 điểm. Riêng môn Văn, mức điểm cao nhất chỉ dừng lại ở 8,75 điểm (có 1 TS duy nhất đạt mức điểm này).

Tại cụm thi Trường ĐH Hồng Đức cũng có nhiều bài thi đạt điểm cao với 9 bài đạt điểm 10. Cụ thể, môn Toán có 3 bài điểm 10, môn Lý có 3 bài, môn Sinh có 1 bài, môn Hóa có 2 bài đạt điểm 10. Ngoài ra, các môn xã hội có nhiều bài thi đạt điểm cao, như: môn Ngữ văn có 17 bài thi đạt điểm 9; môn Địa lý có 10 bài thi đạt điểm 9,75; môn Lịch sử có bài thi đạt điểm cao nhất là 9,75 điểm.

Ông Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, tại cụm thi 40 điểm bài thi cao nhất ở môn Toán là 9,5 điểm, Ngữ văn 9 điểm. Lịch sử 9 điểm, Địa lý 9,25 điểm. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều có điểm cao nhất là 9,6 điểm. Môn Tiếng Anh có phổ điểm trung bình thấp nhất trong số các môn thi. Chỉ có 20% bài thi đạt trên điểm 4 ở phần trắc nghiệm (phần này được tối đa 8 điểm), rất nhiều thí sinh bị điểm 0 ở phần tự luận. Nhìn chung, phổ điểm trung bình của các môn thi trong tổ hợp môn thi khối A (Toán, Lý, Hóa) cao hơn so với các khối còn lại. Trong đó, môn Toán có 83% bài thi đạt trên điểm 5. Môn Hóa học điểm không cao nhưng có gần 70% đạt điểm từ trung bình trở lên.

Khác với khối A, B, các cụm thi khu vực miền Trung tại Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh thống kê cho thấy, có rất nhiều điểm 9,10 xuất hiện ở các môn thi xã hội như Văn, Sử, Địa, được coi là các môn thi khó đạt điểm cao trong các kỳ thi.

Cụ thể, cụm thi tỉnh Hà Tĩnh do Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) chủ trì thông tin, môn Địa lý có nhiều điểm cao nhất. Cụ thể, trong số hơn 11.000 bài thi có 2 bài đạt điểm 10 tuyệt đối, hơn 100 bài thi đạt điểm trên 9, trong khi đó chỉ có 5 bài thi bị điểm liệt. Tương tự, tại cụm thi tỉnh Quảng Bình do Trường ĐH Khoa học Huế chủ trì, môn Địa lý cũng có 5 bài thi đạt điểm 9,75, hơn 2.000 bài thi trên 5 điểm và chỉ có 4 bài thi môn này bị điểm liệt (tổng số bài thi ở môn này là 2.829 bài). Ở môn Lịch sử, trong tổng số 1.856 bài thi có 1 bài đạt 9,25 điểm, số bài trên 5 điểm là 731 bài thi.

Ông Lê Văn Anh - Phó Giám đốc ĐH Huế cũng thông tin, cụm thi tại Huế ghi nhận một số điểm cao ở các môn xã hội như: Lịch sử có 1 em đạt 9,25 điểm, môn Ngữ văn có 2 em đạt 9 điểm. 

Tỷ  lệ tốt nghiệp vẫn cao?

Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Ủy viên thường trực Hội đồng thi cụm thi số 42, với kết quả thi tại cụm thi số 42 (tỉnh Quảng Ngãi), dự báo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn cao vì ngoài kết quả thi còn tính điểm trung bình cả năm lớp 12 cộng với điểm ưu tiên (nếu có). Tuy nhiên, nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học, cao đẳng thì các thí sinh cần phải cân nhắc cẩn thận để lựa chọn các trường vừa sức nộp đơn xét tuyển. 

Với điểm thi không cao, dự báo, điểm chuẩn xét tuyển vào nhiều trường năm nay không cao. Đơn cử như thống kê của trường ĐH Thủy lợi cho thấy mức điểm 13 điểm (dự kiến bằng điểm “sàn” của Bộ GD-ĐT) chiếm số lượng nhiều nhất ở các khối thi: Khối A có 5.056 em đạt; khối A1 có 6.019 em; khối B hơn 2.400 em; khối C gần 800 em và D trên 6.600 em. 

Thí sinh có tổng điểm 3 môn cao sẽ tự tin nộp vào các trường tốp đầu; các em có điểm thấp sẽ chọn các trường cao đẳng, trung cấp. Các em có tổng điểm ở mức trung bình lựa chọn các trường ở tốp giữa.

Tuy nhiên, tốp giữa thì có rất nhiều trường và cũng có rất nhiều thí sinh nằm ở phổ điểm này. Do vậy, các thí sinh có tổng điểm trung bình không trúng tuyển đợt 1 hoặc các trường sẽ gọi đủ thí sinh nhập học (do thí sinh đỗ 1 lúc cả 2 trường). Bởi lẽ năm nay, thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và sau khi nộp hồ sơ dự tuyển sẽ không được rút lại. Chính vì vậy mà có rất nhiều thí sinh đỗ vào 2 trường, nhưng chỉ nhập học có 1 trường.

Tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học

Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH gửi về Bộ trước ngày 30/7. Nội dung công văn nêu rõ, để chuẩn bị cho công tác thi, tuyển sinh năm 2017, Bộ đề nghị các sở, học viện, trường ĐH đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, cao đẳng hệ chính quy theo tinh thần giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh; thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH... Về việc tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, tới đây Bộ sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo. “Đầu năm học tới, Bộ sẽ đưa ra phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới để kỳ thi diễn ra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng nhất, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh”, Thứ trưởng Ga khẳng định.

Đọc thêm