Điểm mới trong kỳ thi THPT Quốc gia: Cả thầy và trò đều hoang mang

(PLO) - Một điểm mới gây bất ngờ đối với thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia 2017 đó là Bộ GD-ĐT dự định sẽ không công bố đề thi, đáp án môn thi trắc nghiệm, trừ môn Văn. Điều này đang gây hoang mang không nhỏ cho các em học sinh và thầy cô lớp 12.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ duy nhất môn Văn 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chỉ duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đề thi, đáp án. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc làm ngân hàng đề cho năm nay có nhiều thay đổi, trong đó những năm trước chỉ cần huy động giáo viên làm đề một đợt (khoảng 3 tuần) thì nay đã huy động nhiều đợt đội ngũ làm đề. Các câu hỏi thô cũng phải trải qua rất nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm mới có thể đem vào ngân hàng đề để sử dụng. Do đó, việc không công bố đề thi các môn trắc nghiệm năm nay là nhằm giữ bí mật các câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Theo kinh nghiệm của các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hoá là không công bố đề thi và đáp án. Tuy nhiên, trước băn khoăn về việc thí sinh căn cứ vào đâu để biết mình làm đúng hay sai, có hay không việc chấm lỏng, chấm chặt để có thể phúc khảo nếu kết quả không như ý?…, Thứ trưởng Ga cho rằng, bài thi trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính nên đảm bảo độ chính xác cao. Thí sinh có thể yên tâm điểm số phản ánh đúng kết quả bài thi của mình. Các câu hỏi thô cũng phải trải qua rất nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm mới có thể đưa vào ngân hàng đề để sử dụng.

Với ngân hàng câu hỏi đề thi đó, Bộ sẽ sử dụng các câu hỏi chuẩn hóa phù hợp với ma trận đề thi mới trong kỳ thi THPT 2017 và thêm vào một số câu hỏi khác. Từ nay cho đến tháng 5/2017, những thành viên trong Hội đồng ra đề sẽ cập nhật, bổ sung những câu hỏi còn thiếu để hoàn thiện đề thi và rà soát lại toàn bộ đề để thí sinh ở những vùng khó khăn, người dân tộc khi tham gia kỳ thi đều có thể làm được.

Tuy nhiên, về phía các thầy cô, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu kỳ thi không có đáp án sẽ không đảm bảo minh bạch, khách quan. Với cách làm như năm nay, mỗi thí sinh một đề, lại không có đáp án, các em sẽ rơi vào trạng thái tù mù. Chưa kể, với cách thi trắc nghiệm, nhiều câu đáp án có thông tin tương đương nhau, học sinh làm đúng, sai thế nào cũng không có căn cứ để so sánh nên sẽ không tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng. Đồng thời, cũng nhiều lo ngại vì quá “bí mật” mà sẽ phát sinh tiêu cực hay không?

Không công bố sẽ dễ tù mù?

Theo các chuyên gia giáo dục, không công bố đáp án, nếu lập trình cho máy đáp án nào đó sai thì đương nhiên máy cũng sẽ chấm sai. Trong khi, không có ai kiểm nghiệm, đánh giá đề thi, đáp án, kết quả thi thì học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi. Phần đa học sinh cho rằng, nếu không công bố đáp án vậy học sinh làm bài xong không biết đối chiếu vào đâu để xem bài của mình đúng hay sai. Chưa kể, mặc dù được chấm bằng máy tính nhưng nếu như hệ thống máy tính lập trình sai một đáp án nào đó thì bài thi cũng sẽ bị chấm sai.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 tới, nếu Bộ GD-ĐT không công bố đề thi, đáp án các môn thi sẽ phạm vào tính thiếu minh bạch, khách quan. Theo ông Nhĩ, trong khi một kỳ thi bất kỳ nào đều phải đảm bảo yếu tố minh bạch đầu tiên huống gì kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn có lượng thí sinh khoảng một triệu em. Nhưng nếu công bố đề thi, đáp án, coi như năm sau, Bộ lại phải làm mới ngân hàng đề thi. Việc này rất tốn kém về thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Hơn nữa ông Nhĩ băn khoăn, việc ra nhiều câu hỏi khác nhau trong nhiều mã đề khác nhau chưa chắc đã đảm bảo được sự minh bạch, khách quan, bởi việc tìm được câu hỏi có độ khó tương đồng để trộn lẫn vào các đề không phải là việc dễ. 

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc không công bố đề thi chỉ vì để đảm bảo bí mật ngân hàng đề để sử dụng cho năm sau là chưa thuyết phục. Đề thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT phải có phương án đảm bảo được một ngân hàng câu hỏi đủ lớn để năm sau và các năm sau nữa xáo trộn lẫn nhau.

Cùng quan điểm, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cũng cho rằng không công bố đề, đáp án các môn thi là một quy định hết sức vô lý. Theo ông Cương, năm nay thí sinh đã chịu nhiều thiệt thòi vì một kỳ thi cận kề nhưng vẫn đổi mới rất nhiều nội dung, trong đó chuyển sang thi hầu hết các môn trắc nghiệm khiến giáo viên, học sinh quay như chong chóng cả cách dạy lẫn cách học. Nay có thêm quy định này, sau khi thi xong, thí sinh không có một căn cứ nào để biết mình đã làm đúng hay sai. Nếu sai thì sai ở chỗ nào, các em còn rút kinh nghiệm. Chưa kể, học sinh yếu kém cũng sẽ chẳng tiến bộ được hơn khi mà làm bài xong bị rơi vào trạng thái tù mù, không biết đâu là đúng, đâu là sai.

Hơn nữa, theo PGS Văn Như Cương, trước đây, Bộ GD-ĐT tự tin khẳng định sẽ có ngân hàng đề đủ lớn để thi trắc nghiệm. Năm nay công bố đề, phải hủy lượng đề đó, năm sau lại ra bổ sung, đâu phải là vấn đề khó khăn để phải ra quy định này. Hơn nữa, theo ông Cương, kết quả một kỳ thi lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của học sinh, vì thế ngoài chính các em cần có thông tin để xã hội giám sát. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, khi chúng ta xây dựng một kỳ thi để quyết định đỗ hay trượt, cao hay thấp thì phải có quyền lực ở đó. Tuy nhiên, nếu quyền lực đó không được sự giám sát của nhân dân thì không ai có thể nói trước được điều gì.

Mấy năm trước đây mỗi môn trắc nghiệm chỉ dùng một đề, các câu hỏi và phương án trả lời trong đề đó được chuyển đổi vị trí thành 6 đề tương đương để chống quay cóp. Nếu muốn tăng hơn nữa hiệu quả chống quay cóp, có thể chuyển thành số đề tương đương nhiều hơn, chẳng hạn một vài chục đề cũng không có gì khó khăn. Bằng cách đó mỗi môn chỉ cần công bố một đề thi như trước đây đã làm, hết sức đơn giản, GS TS Vũ Minh Giang bày tỏ. 

Đọc thêm