Điểm thấp, vẫn nhất định mức điểm sàn 15

(PLO) - Mặc dù điểm thi năm nay thấp hơn năm ngoái, đặc biệt là môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ nguyên mức điểm sàn xét tuyển là 15.
Điểm thấp, vẫn nhất định mức điểm sàn 15

Trưa 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào đại học (điểm sàn) năm 2016. Theo đó, mức 15 điểm là tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia năm 2016 không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Mức điểm sàn năm nay bằng với điểm sàn của năm 2015.  Điểm sàn là căn cứ để các trường đại học đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. 

Sẽ “siết” chỉ tiêu các trường

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã họp và bàn bạc với Hội đồng xét tuyển đảm bảo cho mỗi môn đạt từ 5 điểm trở lên và tổng cộng 3 môn thí sinh sẽ phải đạt từ 15 điểm trở lên mới đủ điều kiện để xét tuyển vào các trường ĐH. Để lấy mức điểm này, vấn đề đầu tiên đặt ra là tiêu chí về chất lượng, sau đó, phụ thuộc vào chỉ tiêu và năng lực đào tạo của từng trường và số lượng thí sinh xét tuyển ĐH năm nay.

Khi đưa ra mức điểm này, cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn vì khối D có môn Ngoại ngữ phổ điểm khá thấp. Tuy nhiên, các trường đều quyết tâm nâng mức điểm này để nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn tuyển khối D cũng khá cao, bởi các em điểm cao đều là các em lựa chọn khối thi này. Ví dụ, ở Lào Cai có 524 thí sinh đăng ký thi ngoại ngữ thì có đến 502 em dự thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Theo Thứ trưởng Ga, đối với các trường ĐH, CĐ ở khu vực khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, năm trước Bộ có ưu tiên xét tuyển cho các trường này hạ điểm sàn xuống 1 điểm để tuyển sinh các thí sinh trong khu vực.

Năm nay, Bộ cũng sẽ xem xét thực hiện việc ưu tiên này để các trường vùng khó không gặp khó khăn khi tuyển sinh. Ngưỡng đảm bảo chất lượng cho tuyển sinh ĐH năm nay 15 được nhận định là vừa đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, vừa đảm bảo nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Hệ số dôi dư năm nay là 1,27, nhưng trên thực tế, số thí sinh dôi dư sẽ  lớn hơn vì một ngành các trường xét tuyển với nhiều tổ hợp môn thi. Do đó, nguồn tuyển năm nay chắc chắn dồi dào. 

Hiện có hơn 100 trường tuyển theo xét học bạ ở phổ thông, tương ứng với khoảng 102.000 thí sinh. Như vậy, còn khoảng 320.000 thí sinh sẽ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2016. Do đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải làm sao đảm bảo được nguồn tuyển cho khoảng 320.000 thí sinh nói trên chứ không phải cho tổng 420.000 theo như chỉ tiêu đăng ký của các trường.

Dự kiến điểm chuẩn không xê dịch lớn

Năm nay, Bộ GD-ĐT không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước. Đồng thời, thí sinh sau khi có kết quả xét tuyển phải nộp giấy báo kết quả thi cho nhà trường để khẳng định vào học trường đó để giảm thí sinh “ảo”.

Cho tới giờ phút này, mọi việc chuẩn bị điều kiện để xét tuyển đã hoàn tất. Chiều 28/7, các trường bắt đầu công bố các điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ mở phần mềm đăng ký trực tuyến để thí sinh vào tập dượt, thử nghiệm xem có thông suốt không. Để từ 1/8 trở đi việc đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ diễn ra suôn sẻ.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dự báo do phổ điểm phân hóa tốt, thí sinh đạt điểm tuyệt đối không nhiều nên chắc chắn sẽ không có hiện tượng thí sinh điểm cao mà trượt ĐH. Bên cạnh đó, phổ điểm dịch về phía phải, tức phía điểm cao nên đầu vào các trường tốt chắc không có sự xê dịch lớn. Các thí sinh cần theo dõi thông báo của các trường về ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển, dựa vào kết quả của trường năm trước để có quyết định nộp hồ sơ phù hợp. 

Trả lời câu hỏi, năm nay có chính sách gì cho những thí sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn hay không? “Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có cơ chế cho thí sinh vùng khó khăn, nếu các em học các trường trong vùng thì “điểm sàn” được giảm 1 điểm so với mức chung.Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc thêm. Trường hợp các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cho rằng không cần giảm điểm thì Bộ cũng không áp dụng” - Thứ trưởng Ga cho biết.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) lưu ý thí sinh phải sử dụng tài khoản cá nhân của mình được cấp khi đăng ký dự thi, trong đó các thông số cần lưu ý là chứng minh nhân dân và số điện thoại. Kết quả trả về được in ra, thí sinh cần giữ mẫu xác định đã đăng ký thành công. Dữ liệu thí sinh đăng ký được hệ thống quản lý để đảm bảo không vượt quá nguyện vọng quy định. Do đó, các thí sinh cần cân nhắc thật kỹ nhu cầu, điểm thi để đăng ký vào ngành, trường phù hợp. 

Từ 1/8, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển trực tuyến. Hình thức này sẽ kết thúc sớm hơn 1 ngày so với quy định để nếu có trục trặc, thí sinh vẫn còn thời gian để sử dụng các hình thức đăng ký xét tuyển khác; đảm bảo không có thí sinh nào không đăng ký được bằng các hình thức khác nhau. Thí sinh có ba hình thức đăng ký: đăng ký trực tuyến trên trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn, nộp hồ sơ qua bưu điện và nộp hồ sơ trực tiếp (nếu trường cho phép).

Đọc thêm