'Đối với học trò không có thắng và thua'

(PLO) - Những ngày này, những vụ việc đau lòng xảy ra dồn dập trong môi trường học đường về đạo đức thầy cô khiến dư luận hoang mang bởi tất cả sự thật đã lên tới đỉnh điểm như thầy cô quyền lực, thầy sàm sỡ nữ sinh lớp ba, một thầy giáo bị anh trai của học sinh đến tận lớp học đánh thầy giáo dập mũi phải đi cấp cứu vì thầy trót tát em mình trên lớp...
TS Nguyễn Tùng Lâm
TS Nguyễn Tùng Lâm

Trước những sự kiện trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục đã có những chia sẻ thấu đáo về đạo đức người thầy…

Vì bản thân thầy cô giáo không  ý thức về nghề nghiệp của mình

Thưa TS, thời gian qua, có quá nhiều sự việc đau lòng diễn ra trong nhà trường như cô giáo bắt trò uống nước giẻ lau bảng, cô giáo im lặng, thầy giáo bệnh hoạn… khiến dư luận hoang mang đặt câu hỏi “Điều gì đang diễn ra trong nhà trường?”. Quan điểm của ông ra sao?

- Để xảy ra những việc đau lòng vừa qua với các nhà giáo, trước tiên các thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm đã hành xử không đúng nguyên tắc sư phạm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo, không có ý chí quyết bảo vệ nhân phẩm, an toàn cho bản thân mỗi nhà giáo. Để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm, nhà giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nền nếp kỷ luật của một nhà trường, một lớp học. Nhưng những hình thức kỷ luật đó phải mang ý nghĩa giáo dục học sinh “phải tâm phục khẩu phục”. Đặc biệt bất cứ hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, vi phạm nhân cách người học ở bất cứ tuổi nào.

Các cháu mầm non, tiểu học càng cần phải tôn trọng và đối xử sư phạm lại càng phải khéo léo với các em, như vậy giáo dục mới có tính thuyết phục. Sau quân đội, các nhà trường phải luôn luôn là nơi có môi trường kỷ luật tốt nhất. Không có kỷ luật, không có chất lượng giáo dục, không thể hoàn thành sứ mệnh trồng người. Mỗi nhà giáo phải là nhà sư phạm thông minh, khéo léo và cương quyết nhất, người thầy mới thành công.

Đặc biệt trong nhà trường, dùng phương pháp giáo dục nào cũng phải kết hợp với cha mẹ học sinh để tranh thủ sự đồng tình, đồng thuận trong phương pháp giáo dục. Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không có hiệu quả giáo dục mà còn phản tác dụng. Đồng thời các nhà giáo cũng phải thấy rằng nếu ta vi phạm nhân phẩm và thân thể của trẻ là chúng ta không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo, những điều nhà giáo không được làm mà chúng ta còn vi phạm pháp luật về quyền trẻ em, pháp luật về hình sự  tội xâm hại thân thể người khác. 

Vậy theo ông, nguyên nhân từ đâu thầy cô có thể làm được những việc khó tin đó?

- Thứ nhất là bản thân thầy cô giáo không  ý thức về nghề nghiệp của mình, không có ý thức để giữ gìn hình ảnh của mình. Do đó cô mới dễ dàng quỳ gối trước mặt học trò như vậy, vì nghĩ rằng làm thế cho qua chuyện để người ta không phê bình mình, mình không bị kỷ luật, chứ không hề nghĩ đến hình ảnh nhà giáo của mình.

Thứ hai, các thầy cô không nắm được nguyên tắc sư phạm, tức là nghề nghiệp không tinh thông, coi thường tâm lý giáo dục dù trong nhà trường người ta có dạy, sách vở nói cả chỉ biết dạy là dạy, đặc biệt mang tư tưởng quyền uy trong nhà trường, thầy cô là nhất, cái đó rất nguy hiểm. Các thầy cô không nhận thức được điều này, do đó đưa ra kỷ luật là áp đặt và đặc biệt ngoài áp đặt còn vi phạm nhân cách của học trò.

Kỷ luật là tuyệt đối không được vi phạm nhân cách học trò và không thể bắt quỳ, đánh, tát, mẳng chửi... phạt đứng có thể nhưng không thể đứng cả buổi vì không đúng cả về tâm sinh lý. Giáo viên không biết kết hợp giữa kỷ luật áp đặt và tự giác, người ta cho phép dùng kỷ luật áp đặt ngay lập tức để chấm dứt, ví dụ đang đánh nhau thì phải phạt mỗi bạn một góc tường nhưng cũng cần nhớ rằng sau đó phải giáo dục, khêu gợi lòng yêu thương với bạn, tôn trọng mọi người. 

Trường hợp cô quyền lực (cô giáo im lặng ở TP.HCM) mắc hai lỗi, có bạn đe dọa, cô không nói nữa, không thấy được quyền lợi của các học sinh khác. Nếu vậy phải bàn bạc với giáo viên chủ nhiệm và báo cáo hiệu trưởng để xử lý, chứ không thể hy sinh quyền lợi của cả một tập thể lớp như vậy. Giáo viên phải tôn trọng, yêu thương học trò, vì quyền lợi của học trò sẵn sàng hy sinh mình chứ không phải vì quyền lợi của mình mà hy sinh tất cả học trò. Do họ chủ quan, coi thường và không nắm được tâm lý giáo dục.

Thứ 3 là họ không thấy tác hại do mình gây ra, không phải chỉ đóng cửa vào có thầy với trò mà còn phụ huynh và thế hệ nhiều học sinh khác. Học trò sẽ truyền tai nhau về một cô giáo như vậy và hình ảnh cô giáo đó sẽ đeo đuổi học trò rất nhiều. Kể một câu chuyện để thấy tác hại của nó lâu dài: Một cô giáo rút ra từ câu chuyện lúc trẻ mới ra trường của mình khi cô quyết định đuổi học 3 em học trò đốt pháo. 5 năm sau chỉ có hai bạn quay lại gặp cô và kể rằng, chúng em theo học bổ túc, còn bạn kia không xin được học, thế là đi lông bông với các bạn xấu rủ nhau ăn cắp và phải vào tù. Cô thấy ân hận, lúc đó nếu cô chỉ nhắc nhở học trò thôi thì đời các em không ra thế. Đối với học trò không có thua và thắng mà chỉ có niềm ân hận hay niềm tự hào mà thôi vì liên quan đến sinh mệnh một con người. 

Nhân cách của người thầy là công cụ dạy học

Theo ông, tại sao ứng xử sư phạm của thầy cô với học trò, với đồng nghiệp đặc biệt với cả phụ huynh lại xảy ra nhiều chuyện như thế? Và nguyên nhân nào dẫn đến chuyện này?

- Các thầy cô chủ quan nghĩ như ngày xưa thầy cô là cha là mẹ, nhà trường uy quyền nhất là với tình trạng tất cả đều phấn đấu vào trường công nên các thầy cô trường công uy quyền lắm, có thể cho điểm kém dễ dàng, cho học sinh nghỉ không sao cả. Nhưng điều này dần dần trường công cũng phải thay đổi.

Vấn đề là ứng xử sư phạm của các thầy cô chúng ta hiện nay hết sức hạn chế. Nó gây ra hệ luỵ nhiều vấn đề để làm cho việc người ta hiểu sai vai trò của người thầy giáo, hiểu không đúng về nghề nhà giáo, nên gây ra những mâu thuẫn không đáng có để người ta coi thường nhà giáo, học sinh cũng coi thường  thầy cô, tạo ra bức xúc không đáng có với học sinh. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển giáo dục vì thầy cô giáo không chỉ dạy học sinh bằng tri thức mà  phải dạy bằng chính nhân cách của mình. 

Truyền thống ông cha ta là “tôn sư trọng đạo”, vai trò của người thầy là cao quý, làm nghề trồng người thì nhân cách ông thầy là cao quý. Một tổng thống của Ấn Độ đã từng nói: “Nghề dạy học là cao quý vì nó làm cho phát triển nhân cách, xây dựng tương lai cho mỗi đứa trẻ và tôi chỉ muốn người ta nhớ đến tôi với là hình ảnh một nhà giáo, dù tôi là nhà tổng thống”. Vì thế thầy cô giữ hình ảnh của mình, giữ nhân cách của mình không chỉ cho bản thân mình mà cái chính ở đây là công cụ để dạy học, công cụ để phát triển nhân cách cho chính học trò của mình. 

Vậy đâu là giải pháp khi hiện nay, những vấn đề đạo đức người thầy, những ứng xử độc đoán, sự “ém nhẹm” thông tin nếu còn giữ được bởi bệnh thành tích, lo ảnh hưởng đến nhà trường? Làm sao để những người thầy khi nhìn về học trò mình, luôn là niềm tự hào chứ không phải là sự ân hận? 

- Hiện chúng ta có internet cập nhật nhiều tri thức nhưng người thầy không biết chọn lọc trí thức nào để tác động đến học trò, đặc biệt là không biết dẫn dắt câu chuyện để học trò ham thích học. Mình dạy không thu hút khiến học trò chán. Điều đầu tiên phải thực sự học hỏi suốt đời, hòa đồng với học sinh, tôn trọng học sinh... Các thầy cô tốt nghiệp ra trường thường quên lãng hết những kiến thức đó.

Ngoài nâng cao kiến thức thì phải tự học tập, rèn luyện phương pháp ứng xử sư phạm, càng nắm tâm lý học trò, càng hiểu học trò thì quyết định của mình càng đúng và phương pháp dạy học của mình cũng linh hoạt đến được với học trò. Còn thầy cô sở dĩ bí về phương pháp là do chẳng hiểu gì về học trò, không biết các em muốn gì? Phải thật sự thương yêu học sinh, tôn trọng học  sinh và đối xử bình đẳng với học sinh.

Ví dụ ở Trường Đinh Tiên Hoàng có 5 nguyên tắc lấy đó là chìa khóa để bồi dưỡng giáo viên: thầy cô phải chấp nhận học sinh của mình cả mặt mạnh và yếu kém; cần khách quan để đánh giá phân tích cái tốt cái xấu để học sinh có thể bình tĩnh tìm ra giải pháp chứ không chụp mũ, chia sẻ, cảm thông cho học trò là quan trọng; học sinh lựa chọn phương pháp giáo dục nào phù hợp, chứ không đưa ra vài cái áp đặt; đối với kỷ luật cần đưa ra nhiều hình thức để học trò ý thức được trách hiệm của mình.

Ở Trường Đinh Tiên Hoàng mỗi lớp đều tự xây dựng bộ quy tắc ứng xử do các em thống nhất và tuân thủ. Nếu vi phạm sẽ áp dụng nhiều hình thức kỷ luật và học trò có quyền được chọn hình phạt, học trò tự nguyện làm, cũng là hình phạt nhưng trò được lựa chọn phù hợp.

Bên cạnh đó, mỗi nhà trường phải thực hiện bộ quy tắc ứng xử để thầy ra thầy, trò ra trò và luôn xem xét rút kinh nghiệm chứ không phải treo biển cả năm chả ai động chạm. Hàng tuần thầy đều có giao ban với giáo viên chủ nhiệm, tất cả biểu hiện của trò giáo viên đều biết, chứ không thể có chuyện cô giáo 3 tháng không nói mà hiệu trưởng lại bảo không biết là không được…

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm