Hai bộ sách giáo khoa “biến mất”, NXB Giáo dục Việt Nam nói gì?

(PLVN) - Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 nhưng đến lớp 2 có bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" lại “biến mất”.
Lớp 2, lớp 6 không còn 2 bộ sách: "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" của NXB Giáo dục Việt Nam.
Lớp 2, lớp 6 không còn 2 bộ sách: "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" của NXB Giáo dục Việt Nam.

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 cả nước học 5 bộ sách giáo khoa (SGK). Trong đó, bộ Cánh diều thuộc Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP HCM; 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Chân trời sáng tạo”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.

Tuy nhiên, trong quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký ngày 9/2 thì chỉ còn ba bộ sách “Cánh diều”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”.

Nghĩa là 3 bộ sách trên sẽ được sử dụng trong năm học tới (2021-2022), còn 2 bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” của NXB Giáo dục Việt Nam không có sách lớp 2 và lớp 6.

Việc 2 bộ SGK “bốc hơi”, NXB Giáo dục Việt Nam lý giải, hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả, nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách, tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành. 

NXB Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng việc hợp nhất không ảnh hưởng đến việc dạy và học cũng như việc lựa chọn SGK vì mỗi cuốn sách đều bám sát, cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với lớp 1.

Việc 2 bộ SGK bỗng nhiên biến mất khiến các giáo viên, cơ sở giáo dục và địa phương đang dùng hai bộ sách này thắc mắc, hoang mang. 

Một giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội chỉ ra rằng, có một số cuốn SGK xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt để gây sự hứng thú với học sinh, giúp các em hào hứng học các bài tiếp theo. Bên cạnh đó, sự khác biệt thể hiện ở triết lý giáo dục, cách thức trình bày, việc sắp xếp trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới. Do vậy, nếu thay đổi, chắc chắn sẽ có xáo trộn ít nhiều, tùy từng cuốn sách. 

Trong khi đó, một giáo viên dạy lớp 1 tại Hưng Yên  thắc mắc. “Ví dụ, các con học lớp 1 sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, lên lớp 2 không có bộ này nữa thì chuyển qua học sách nào? Hoặc sách lớp 1 của hai bộ sách bị loại bỏ này năm sau có dùng nữa hay không? Chúng tôi cũng chỉ đang ở mức độ thắc mắc, vì mọi thông tin chỉ nghe chứ chưa thấy thông báo chính thức nào”.

Đọc thêm