Học kỳ quân đội không phải 'chiếc đũa thần'

(PLO) - Các hình thức vui học hè, trại hè, học kỳ quân đội dành cho thiếu nhi… ngày một nở rộ. Tuy nhiên, hoạt động này đang đặt ra vấn đề cần xem xét khi một số tổ chức cá nhân có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, chưa chú trọng nâng cao chất lượng... 
Phụ huynh nên xem xét chọn lựa những khóa học uy tín, phù hợp với sở trường của học sinh.
Phụ huynh nên xem xét chọn lựa những khóa học uy tín, phù hợp với sở trường của học sinh.

Nhan nhản “học kỳ quân đội”

Khoảng 3 năm nay, sau thành công của chương trình giáo dục kỹ năng sống mang tên “Học kỳ quân đội” do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (trực thuộc Trung ương Đoàn) khởi xướng, hiện đã có hàng trăm đơn vị khác tổ chức mô hình này.

Theo nhiều phụ huynh, sau các khóa học, các con không chỉ có thêm được những trải nghiệm, làm quen được nhiều bạn bè mới mà có phần ngoan và tự giác hơn. Vì vậy, ngày càng nhiều tổ chức đã xây dựng và tuyển sinh cho các khóa học này. Những tên gọi gần giống như “trại hè quân đội” hay “trại hè kỹ năng sống”... kéo dài từ 6- 10 ngày với đủ loại hình, đủ tính chất và giá tiền cũng lên xuống theo hành trình.

Lướt tìm kiếm trên mạng với từ khóa “học kỳ quân đội”, không khó để có thể bắt gặp những quảng cáo về các chương trình này của nhiều tổ chức, với mức học phí trung bình từ 4-7 triệu đồng. Lấy ví dụ, trên website của Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương (ATY) có giới thiệu về nhiều khóa học cho từng độ tuổi khác nhau như học kỳ quân đội thiếu nhi 1, thiếu nhi 2, thiếu nhi nâng cao, bộ binh sơ cấp…

Học phí cho những khóa học này từ 5- 6,5 triệu đồng/học viên trong khoảng thời gian là 1 tuần. Đặc biệt, có những khóa huấn luyện nâng cao trong vòng 10 ngày ở Đà Nẵng, học viên được đi về bằng máy bay nhưng học phí lên tới 13 triệu đồng/học viên. Còn Trung tâm Tâm Việt cũng đưa ra những khóa huấn luyện trong vòng 10 ngày trong hè này với chi phí cho toàn bộ chương trình là hơn 6 triệu đồng/học viên,...

Mức chi phí này không hề rẻ so với thu nhập của nhiều gia đình cán bộ, công nhân, viên chức nhưng vẫn thu hút quan tâm của phụ huynh. Bởi mọi người mong muốn con mình được rèn giũa trong môi trường đòi hỏi tính tự lập, ý thức tự giác cao, các phẩm chất còn khá thiếu đối với nhiều trẻ em thành thị.

Tuy khá phong phú về nội dung, hình thức, các chương trình học kỳ quân đội được chia thành nhiều loại đối tượng từ 7 – 11 tuổi và 12 – 18 tuổi nhưng các chương trình đều có điểm chung, đáp ứng được 5 nội dung quan trọng, bao gồm: Huấn luyện quân sự, thay đổi nhận thức, giáo dục kỹ năng sống, chuyên đề cảm xúc – gia đình và vai trò của thanh thiếu niên trong xã hội. Với những nội dung được nhiều trung tâm hứa hẹn như rèn luyện cho trẻ tính kỷ luật, nhanh nhẹn, học được những cách sơ cấp cứu cơ bản cũng như hoàn thiện kỹ năng sống, nhiều bậc phụ huynh đã rất hài lòng để cho con trẻ theo học.

Chị Nguyễn Minh Hải (Ba Đình, Hà Nội) đăng ký kỳ học quân sự từ khi con học lớp 4, cho biết: “Sau khóa học cảm thấy con tự tin hơn, nhận thấy rõ sự phấn khởi, hào hứng vì con được học những điều mà ở trường chưa bao giờ được trải nghiệm. Đặc biệt, có hoạt động bố mẹ và con viết thư cho nhau, qua đó tăng sự gắn kết tình cảm giữa con và bố mẹ, cảm giác con biết quý trọng hơn tình cảm gia đình”.

Tìm hiểu kỹ để “chọn mặt gửi con”

Trước nhu cầu rất lớn về việc tìm nơi vui chơi cho trẻ nhỏ, một số tổ chức và cá nhân đã nắm bắt cơ hội tranh thủ kinh doanh bằng nhiều hình thức, nên xuất hiện một số chương trình hè cho trẻ được tổ chức theo lối chộp giật, nội dung sao chép lẫn nhau, thiếu đầu tư, chuẩn bị kỹ về chuyên môn. Đặc biệt, giáo viên chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kỹ năng sư phạm nhưng thu phí rất cao dẫn đến tình cảnh phụ huynh và học sinh “tiền mất tật mang”, không biết kêu ai, không biết cơ quan nào có thể xử lý!

Năm 2011, dư luận một lần kinh hoàng khi báo chí đăng tin tại một chương trình học kỳ quân đội, một em vi phạm kỷ luật hút thuốc lá, đã bị thầy “phạt nhét thuốc lá vào tai, mũi mỗi lỗ một điếu và hơn chục điếu thuốc vào miệng bắt hút thế một lần” hoặc “bị bắt quả tang đánh bài đã bị thầy xé đôi bộ bài, nhét vào miệng”, hình thức xử phạt khác là bắt học sinh tát vào mặt nhau khi mắc lỗi.

Rõ ràng, dù hình thức xử phạt rất phản giáo dục như vậy tuy chỉ là đơn lẻ, nhưng trước tình trạng các dịch vụ cho trẻ bùng nổ nhưng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay là sự cảnh báo với các phụ huynh trong việc tìm địa chỉ tin cậy để gửi gắm con em. Đa phần các khóa huấn luyện tại các trung tâm không được mua bảo hiểm tai nạn cho học viên, bởi vậy, khi đăng ký các khóa học, phụ huynh nên chú ý đến phương án ứng cứu khi có tai nạn xảy ra.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, cho rằng: “Một khóa học phù hợp với con khi đáp ứng được các yêu cầu: phù hợp với khả năng của chính con, bổ khuyết phần con đang thiếu, đảm bảo an toàn cho con, tạo được hứng thú và truyền cho con cảm hứng tích cực khi học, trong khả năng chi trả tài chính của gia đình, giáo viên có năng lực, trình độ và am hiểu tâm lý trẻ, đơn vị đào tạo uy tín và có bề dày không”.

Việc nở rộ các khóa học hè là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh khi không có điều kiện để dạy và chăm sóc con cái hoặc bổ sung những điều nhà trường chưa trang bị được. Thế nhưng nếu phụ huynh chọn khóa học không phù hợp với con thì sẽ phản tác dụng, gây tốn kém tiền bạc, phụ huynh cần tự bảo vệ con mình, xem xét, chọn những khóa học phù hợp độ tuổi, sở trường lẫn năng khiếu của trẻ cũng như độ an toàn cho trẻ khi tham gia những khóa học này.

Mặt khác, khóa học chỉ thay đổi tác phong lối sống của trẻ trong vài tuần, bước đầu giúp trẻ ý thức về trách nhiệm bản thân nhưng cũng chỉ giới hạn tới đó nên phụ huynh đừng quá kỳ vọng xem đây là “chiếc đũa thần”. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng cho trẻ một nề nếp, thói quen kỷ luật, ứng xử thường xuyên ở gia đình, ThS Lan Anh nhấn mạnh.

Đọc thêm