Học sinh lớp 12 Hà Nội sẽ tập dượt thi học kì I giống như thi THPT quốc gia

(PLO) - Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn kiểm tra học kì I lớp 12 áp dụng với tất cả các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo đó, kì kiểm tra này giống cách thức tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD- ĐT. Đó là, tổ chức kiểm tra 5 bài, trong đó có 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), hai bài tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 4/5 bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi học sinh trong cùng phòng có một mã đề kiểm tra riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm…

Mỗi học sinh trường THPT dự kiểm tra bốn bài, trong đó có ba bài kiểm tra bắt buộc và một bài kiểm tra tự chọn; mỗi học viên giáo dục thường xuyên phải kiểm tra ba bài, trong đó có hai bài bắt buộc.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu việc tổ chức coi, chấm kiểm tra phải đảm bảo theo đúng quy chế thi THPT quốc gia của Bộ. Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kì thi THPT quốc gia, phạm vi kiến thức theo kế hoạch dạy học.

Bài kiểm tra môn Văn được rọc phách, các bài kiểm tra trắc nghiệm được chấm tập trung theo đơn vị cụm trường THPT. Kết quả của bài kiểm tra được sử dụng làm điểm kiểm tra học kì I cho học sinh lớp 12.

Để chuẩn bị cho hình thức thi mới, ông Vũ Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết, ngay khi Bộ có phương án thi mới, trường đã họp các tổ bộ môn để có những cách học, cách ôn tập phù hợp. Do đó, việc thi học kì theo hình thức mới là cách học sinh tập dượt với kì thi THPT quốc gia đã được nhà trường xác định cho học sinh trong quá trình học.

Phần đa lãnh đạo các trường THPT Hà Nội cho rằng, theo quy chế mới, Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho học sinh đăng kí cả năm bài thi nhưng sau đợt thi thử học kì I, trường sẽ đánh giá năng lực học sinh và sẽ có những định hướng cụ thể cho học sinh.

Và không ít giáo viên môn Giáo dục công dân, Lịch sử và Toán vẫn còn bày tỏ sự lo lắng bởi kì thi năm nay có nhiều đổi mới sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi của thí sinh. Những giáo viên này đều bối rối trong việc tìm kiếm tài liệu, đề thi để luyện đề cho học sinh, nhất là khi Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ không phát hành tài liệu ôn thi.  Dù Bộ GD-ĐT tập huấn nhưng thời gian tập huấn không nhiều đối với một hình thức thi mới, vì thế nên nhiều giáo viên vẫn cảm thấy bối rối.

Đọc thêm