Học sinh lớp 8 viết chữ 'không thể đọc nổi'

Bài văn 4 điểm của một học sinh lớp 8 ở Hà Nội khiến nhiều người căng mắt cũng không thể đọc được vì chữ quá xấu. Hiệu trưởng đánh giá đây là hành vi chống đối để không phải đến trường của nam sinh. 

Ngày 9/1, bức ảnh về bài kiểm tra Ngữ văn của học sinh lớp 8A1 Trường THCS Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) được đăng tải lên mạng xã hội, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Những dòng chữ nghiêng hẳn về một phía và không thể đọc của học sinh khiến nhiều người không hiểu vì sao vẫn được giáo viên cho 4 điểm.

Hình ảnh bài văn được lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh bài văn được lan truyền trên mạng xã hội.

Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Phùng Xá, cho biết đây đúng là chữ viết của Tiến, nam sinh lớp 8A1. Bức ảnh có thể do phụ huynh chụp lại trong buổi họp chiều thứ bảy vừa qua tại trường.

Theo thầy Xuân, học sinh Tiến khiến thầy cô rất đau đầu. "Em ấy học lực kém và không thích đi học. Vì đáp ứng mong muốn của bố mẹ nên em vẫn đến trường đầy đủ. Bắt đầu từ hè 2016, em có dấu hiệu chống đối, viết chữ cẩu thả, tìm mọi cách để nhà trường buộc thôi học", thầy Xuân nói và khẳng định những năm học trước, chữ viết của Tiến hoàn toàn bình thường.

Khi phát hiện Tiến cố tình viết chữ nghiêng ngả, thầy Xuân cùng giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo phụ trách môn Ngữ văn đã yêu cầu Tiến luyện chữ. Thậm chí thầy Xuân từng đưa em lên phòng hiệu trưởng để ngồi luyện chữ như học sinh lớp 1. "Khi em viết từng chữ riêng rẽ thì rất dễ đọc, nhưng cứ đến khi viết thành bài là chữ lại nghiêng hẳn về một phía", thầy Xuân chia sẻ.

Lý giải về việc vì sao một bài văn cẩu thả thầy giáo vẫn cho 4 điểm, thầy Xuân cho rằng một phần do góc chụp trên điện thoại khác với góc nhìn thực tế, một phần do mọi người mới nhìn vào chữ viết của học sinh này nên không hiểu. "Thầy giáo Ngữ văn đã quen với chữ viết của Tiến, có thể không dịch hết 100% nhưng vẫn hiểu được em đang viết gì. Bài viết của em có bố cục và nội dung thì không thể cho 0 điểm", thầy Xuân nhận định.

Nhiều năm làm hiệu trưởng, thầy Xuân không muốn bất kỳ học sinh nào không có tấm bằng tốt nghiệp THCS, nhưng với Tiến, Ban giám hiệu có thể phải đi đến quyết định cho em ở lại lớp hoặc cho nghỉ học theo nguyện vọng cá nhân.

Mặc dù Tiến không muốn đến trường nhưng gia đình tha thiết mong con đi học nên Ban giám hiệu đã họp riêng với gia đình để đưa ra hướng giải quyết. Theo đó, gia đình và nhà trường sẽ phối hợp để xóa bỏ tâm lý chống đối, muốn bỏ học của Tiến, rèn chữ cho Tiến trong một năm. Nếu hết năm học, Tiến tiếp tục xếp loại học lực kém và có hành vi chống đối thì sẽ bị ở lại lớp. 

Đọc thêm