Khủng hoảng tham vấn tâm lý học đường!

(PLO) - Thực trạng bạo lực học đường, học sinh tự tử gây xôn xao dư luận thời gian qua đã cho thấy học sinh ngày nay đang sống trong một thời đại lo âu, căng thẳng và thiếu định hướng, kiểm soát về mặt tâm lý. Thế nhưng, hầu hết các trường học vẫn chưa có bộ phận chuyên trách tham vấn tâm lý học đường để quan tâm, chăm sóc tới đời sống tinh thần học sinh.
Các em học sinh luôn cần có một nơi mà các em biết có thể tìm đến bất cứ lúc nào để nói chuyện hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ ' Ths Lori Fairbairn, Tham vấn viên tại trường BIS.
Các em học sinh luôn cần có một nơi mà các em biết có thể tìm đến bất cứ lúc nào để nói chuyện hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ ' Ths Lori Fairbairn, Tham vấn viên tại trường BIS.

Không còn là chuyện… cá biệt

Chưa hết “nóng” những vụ việc thầy cô đánh học sinh, xâm hại tình dục thì lại xôn xao lên việc giáo viên trừng phạt học sinh bằng cách im lặng, hay bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, quỳ để xin lỗi trước cả lớp. Nhiều vụ việc học sinh tự tử vì trầm cảm, bế tắc trong cuộc sống, bởi áp lực điểm số, bị tẩy chay, sỉ nhục công khai hoặc do không thể đáp ứng được kỳ vọng bố mẹ.

Ngày nay, học sinh không chỉ phải đối mặt với những áp lực đến từ thế giới thực mà còn đến từ thế giới ảo. Điển hình là “hội chứng sợ bị bỏ lỡ” (FOMO) – cũng là một trạng thái tâm lý ám ảnh dễ dẫn đến trầm cảm. Người sử dụng thường xuyên cảm thấy căng thẳng khi không sử dụng mạng xã hội bởi nỗi lo sợ bị “lỡ mất” những thông tin quan trọng ví như tin tức thời sự, thông tin sự kiện, chuyến đi chơi của bạn bè, hay khoảnh khắc selfie “hoàn hảo” của ai đó.

Xã hội ngày càng hiện đại, học sinh càng dễ mắc phải các vấn đề về cảm xúc, tâm lý và tinh thần. TS. Amie Pollack – Nhà nghiên cứu tâm lý học lâm sàng, ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ, tỏ ra lo ngại về vấn đề học sinh đang dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ (như điện thoại, ipad, máy tính).

“Việc lạm dụng các thiết bị này có thể dẫn đến thay đổi hoóc-môn, thiếu ngủ, gây rối loạn cảm xúc, rối loạn ăn uống, thậm chí là bị tâm thần. Ngoài ra, các công cụ trò chuyện trực tuyến ảo (tin nhắn imess, inbox, instagram, zalo…) đang bị lạm dụng như một phương thức chính chia sẻ và kiểm soát cảm xúc, lâu dần sẽ hình thành cho các em nhiều thói quen lệch lạc, không thực tế.” Bố mẹ thời nay cũng phải đi làm nhiều hơn so với trước; do đó thời gian quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ con cái giảm đi nhiều so với trước đây.

Nghiên cứu của tổ chức quốc tế Plan International chỉ ra rằng 71% học sinh Việt Nam đã từng bị bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau. Thêm vào đó, nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội cũng cho thấy khoảng 15% học sinh cần tới tư vấn tâm lý trong trường học, 5% cần can thiệp mạnh hơn về trị liệu tâm lý. 

“Môi trường giáo dục ở Việt Nam so với các quốc gia phát triển vẫn đang lo nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của học sinh” là nhận định của TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, “chính vì vậy, các dịch vụ  như tham vấn hướng nghiệp, tham vấn khủng hoảng học đường, tham vấn sức khoẻ tâm thần trường học đã và đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách”.

Khủng hoảng giáo viên tham vấn

Nhận thức được thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng những văn bản pháp lý quy định về công tác tư vấn tâm lý, trong đó có Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về việc “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”: “Về tổ chức, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Về quy mô, tính sơ bộ khoảng 14.000 trường THCS, THPT trên cả nước, mỗi trường khoảng 5 người, sẽ có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới”. 

TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT cho biết: Sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, sinh viên và giáo viên phải đặc biệt được quan tâm nhằm giảm thiểu các vấn đề bạo lực học đường, tự tử, bắt nạt.., phát huy tối đa tiềm năng cá nhân mỗi người. 

Đồng thời, Phó Vụ trưởng TS. Bùi Văn Linh chỉ đạo các trường đại học trọng điểm có nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu và tham mưu cho các chính sách, thành lập các trung tâm tư vấn – trị liệu tâm lý cho cộng đồng và cung cấp nguồn nhân lực - các chuyên gia đến các trường học phổ thông. Nội dung đào tạo cho các chuyên gia tham vấn tại trường học cần được xây dựng trên 6 lĩnh vực: Sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý xã hội; tư vấn chính trị và phát triển tâm lý; các hoạt động hỗ trợ tâm lý dự phòng; các vấn đề khủng hoảng cần can thiệp gấp; các hoạt động tham vấn với giáo viên và phụ huynh học sinh; các hoạt động điều phối trong trường học; chuyển tuyến với các trường hợp nặng hoặc có nguy cơ cao.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, gia đình và học sinh.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, gia đình và học sinh.

Trên thực tế, công tác tham vấn học đường đã và đang được triển khai tuy con số vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, ở các trường quốc tế đều có chuyên gia tham vấn tâm lý. Ths. Lori Fairbairn – Chuyên viên tham vấn học đường, Trường Quốc tế Anh (BIS) chia sẻ: “Các em học sinh luôn cần có một nơi mà các em biết có thể tìm đến bất cứ lúc nào để nói chuyện hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những vấn đề nho nhỏ hàng ngày cho đến những định hướng trong tương lai”.

Mô hình của Trường quốc tế British International School (BIS) gồm nhiều cấp: tư vấn đầu vào ban đầu là giáo viên chủ nhiệm, sau đó chuyển cho giáo viên tổng phụ trách và cuối cùng là chuyên viên tham vấn. Còn trong mô hình tại Trường quốc tế Concordia, tham vấn viên thường xuyên trò chuyện trực tiếp với học sinh để xây dựng sự tin tưởng cho các em. 

Tuy vậy, trong những năm qua, công tác tham vấn, tư vấn học đường những năm qua đang gặp phải trở ngại rất lớn về nguồn nhân lực. Cho tới hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên dạy các chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như công tác học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên…

Mặc dù hàng trăm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ song nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn trên thực tế của đội ngũ giáo viên.

Một hạn chế khác là giáo viên, quản lý trường vẫn chưa thực sự hiểu mục tiêu của tham vấn viên nên không có những hỗ trợ thiết thực.  Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã có mã nghề cho ngành Tham vấn học đường, tuy nhiên Bộ GD-ĐT lại chưa có quy định cụ thể về số lượng biên chế ngành này trong các trường học, dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng công tác tham vấn không được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng và tích cực hơn, bởi tham vấn học đường là công việc phức tạp, dài hạn, yêu cầu người làm tư vấn không chỉ có kỹ năng, tâm huyết mà còn cần thiết xây dựng một mạng lưới hợp tác hiệu quả giữa gia đình, giáo viên, tham vấn viên, các nhà tư vấn cộng đồng và chuyên gia về học tập. TS Lâm cho biết thêm: “Tham vấn trong nhà trường khó không phải là nhận thức, điều quan trọng là phải giúp học sinh thay đổi hành vi dù sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm phải rất sáng tạo, rất bền bỉ thì mới thành công”.

Kỷ luật hà khắc, đã lỗi mốt? 

Cách để học sinh vâng lời cũng không còn từ dùng quyền lực. Quan niệm về quản lý hành vi lớp học đã thay đổi, nhưng không ít giáo viên, lãnh đạo nhà trường vẫn chưa thấm điều này. Một quan điểm đã rất cũ của cả giáo viên và cán bộ quản lý ở trường học vẫn tồn tại hiện nay được TS Tâm lý học Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) chỉ ra: Thầy cô giáo phải kiểm soát được mọi sự việc diễn ra trong lớp. Lãnh đạo nhà trường đánh giá lớp học qua việc giữ được trật tự, học sinh luôn ngồi ngay ngắn… Chính bởi vậy mới có chuyện, khi hiệu trưởng đi qua, một học sinh không nghiêm túc, giáo viên buộc phải sử dụng biện pháp mạnh để có thể dừng ngay lập tức việc đó lại nên mới có hành vi bột phát. Nhiều khi cô giáo biết làm vậy là không tốt, nhưng vẫn phải làm vì không có cách nào khác. Cách làm đó quả có hiệu quả trong ngắn hạn thật, hành vi ngỗ nghịch dừng lại luôn thật, nhưng hậu quả lại là vòng luẩn quẩn với mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa thầy và trò.

Trong khi đó, giáo dục đã quá khác trong kỷ nguyên công nghệ và internet. Học trò không phải đến lớp chỉ để nghe cô truyền đạt tri thức vì những điều đó các em có ngay chỉ bằng cú click chuột. Lớp học im phăng phắc không còn là lớp học hiệu quả vì các em cần trao đổi, tranh luận và phát huy sự sáng tạo. Bởi theo TS Trần Thành Nam: Giá trị của người giáo viên, bởi vậy mà cũng cần được nhìn nhận của khía cạnh khác, đó là người đưa đường hướng, phương pháp, người huấn luyện viên. Muốn giành huy chương, vận động viên phải tự luyện tập; nhưng không có huấn luyện viên thì không thể có vận động viên đoạt được huy chương vàng. Tương tự, không có người thầy, đứa trẻ khó có thể chuyển biến kiến thức bên ngoài thành năng lực tự thân.

Đọc thêm