Kỳ thi THPT 2020: Thí sinh có nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng?

(PLVN) - Năm nay thí sinh không hạn chế nguyện vọng đăng ký ngành nghề xét tuyển đại học. Do đó, kết thúc đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (15-30/6), đa số thí sinh lựa chọn 5-7 nguyện vọng xét tuyển đại học. Và một số thí sinh chọn tới 18-28 nguyện vọng.
Kỳ thi THPT 2020: Thí sinh có nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng?

Có thí sinh đăng ký 28 nguyện vọng

Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo -GD-ĐT) cho biết, thống kê sơ bộ từ địa phương, đến 15h30 ngày 30/6, cả nước có hơn 888.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó hơn 636.000 hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng, xấp xỉ năm 2019. Như vậy, có trên 250.000 thí sinh chọn những lối đi khác, không nhất thiết vào đại học. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Thí sinh phải thi ba bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh do Bộ GD-ĐT, các trường đại học, đơn vị tổ chức, vấn đề mà nhiều thí sinh quan tâm đều xoay quanh chuyện chọn ngành nào dễ tìm được việc làm, xu hướng thị trường việc làm hiện nay và trong thời gian tới, sắp xếp các nguyện vọng như thế nào để có cơ hội trúng tuyển nhiều nhất…

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết: Trường có 456 học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT, có 176 em chọn thi tổ hợp Khoa học Xã hội và 280 em chọn Khoa học Tự nhiên. So với năm 2019, số học sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên tăng lên.

Toàn Trường Yên Hòa có gần 3.550 nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, số lượng ít hơn năm ngoái và trung bình mỗi em đăng ký 7-8 nguyện vọng. Học sinh đăng ký nhiều nhất là 20 nguyện vọng. 105 học sinh có chứng chỉ tương đương IELTS 4.0 trở lên và được miễn thi Ngoại ngữ, nhưng nhiều em vẫn đăng ký dự thi môn này để xét tuyển đại học.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) có 374 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 5 em chỉ thi để xét tốt nghiệp. Số học sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên là 164, còn lại chọn thi Khoa học Xã hội.

Tổng số nguyện vọng xét tuyển của học sinh khối 12 là 2.618, trung bình mỗi em đăng ký 7 nguyện vọng. Có hai em đăng ký nhiều nhất trường là 18 nguyện vọng. Tổ hợp thi chủ yếu được sử dụng xét tuyển là D01 (Toán, Văn, Anh) và A01 (Toán, Lý, Anh). 

Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi thay đổi nguyện vọng. (Ảnh minh họa).
 Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi thay đổi nguyện vọng. (Ảnh minh họa).

Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết, năm nay tất cả 608 học sinh lớp 12 của Trường đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Đặc biệt, có một học sinh đăng ký xét tuyển đến 28 nguyện vọng cho… “chắc ăn”.

Tiêu chí chọn ngành học

Đa số thầy cô, các chuyên gia tuyển sinh đều đưa ra lời khuyên, khi chọn ngành học, trường học thí sinh cần xét đến các yếu tố: Sở trường, năng lực và đam mê... Lựa chọn ngành nghề cần có lý trí, không nên chọn theo cảm tính và lựa chọn theo trào lưu. Nếu chọn nghề mà không có đam mê sau này khó bứt phá trong công việc hoặc khởi nghiệp. 

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thí sinh phải giữ được đam mê nhưng cần phải biết rõ sở trường của mình là gì, về tự nhiên, xã hội hay công nghệ? Nếu đã xác định được lựa chọn rồi, các em hãy quyết tâm với sự lựa chọn đó.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Nội dung giảm tải sẽ không có trong đề thi

Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12. Đề thi bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình.

Tuy nhiên, đề thi bảo đảm có tính phân hóa rất cao học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình, yếu và sẽ cố gắng để có độ phân hóa ở vùng điểm cao 9, 10.

Năm nay do tác động của Covid-19, do đó, những nội dung nằm trong chương trình giảm tải sẽ không được đưa vào đề thi.

Do đó, thầy có một lời khuyên là các em tập trung học hết chương trình, ôn tập đầy đủ và chuẩn bị tốt nhất tâm lý cũng sức khỏe để ôn thi, đồng thời lựa chọn các nghề nghiệp tương lai phù hợp với nguyện vọng và sở trường của mình…

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường thường xuyên có các hoạt động ngày hội tham quan, trải nghiệm một ngày làm sinh viên đối với học sinh THPT, để các em được khám phá và cảm nhận được có yêu thích với ngành nghề đào tạo nào đó hay không? Theo đó, các nhóm ngành đào tạo đang “hot” hiện nay của Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá; Kỹ thuật Điện tử viễn thông, Cơ điện tử…

Còn thầy Trương Thanh Tú, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi lựa chọn ngành, thí sinh nên theo sở trường, thế mạnh của mình về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Bên cạnh đó là đam mê, yêu thích và xu hướng ngành nghề của Việt Nam và thế giới.

Kỳ tuyển sinh năm nay, có thể thấy rằng những ngành nghề công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh, các ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học... Đây là sự lựa chọn cũng như cơ hội triển vọng nghề nghiệp trong thời gian tới là rất cao. 

Cũng theo các chuyên gia tuyển sinh, hiện nay có khá nhiều lựa chọn ngành nghề cho thí sinh. Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 có nhiều ngành mới được mở, đáp ứng nhu cầu xã hội, được dự báo sẽ trở thành ngành có cơ hội nghề nghiệp triển vọng khi sinh viên tốt nghiệp đại học. Thí sinh cần lưu ý, hiện nay các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, mỗi trường sẽ có phương thức tuyển sinh khác nhau. Cùng với đó, mức học phí sẽ không đồng nhất. 

Theo thầy Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, xu hướng chung là giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu từ xét tuyển thẳng, chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là xét học bạ có xu hướng tăng. Vì vậy, thí sinh có thể lựa chọn nhiều hình thức để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.

Thầy Chương cho biết, có khoảng từ 20% đến 40% của các chỉ tiêu cho xét học bạ còn lại là xét từ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chỉ tiêu xét học bạ năm nay tăng hơn so với năm ngoái và rải đều tất cả các ngành chứ mọi năm thì chỉ có 5 ngành.

Ở góc độ khác, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khuyến nghị: Thí sinh không nhất thiết phải vào đại học. Các em có thể học nghề, quan trọng là lựa chọn được ngành nghề mà mình yêu thích và phù hợp với năng lực sở trường, để sau này có thể phát huy tốt nhất tố chất riêng của mỗi người. 

Nhiều cơ hội thay đổi nguyện vọng

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang mở cổng thông tin đăng ký để các Sở GD-ĐT thực hiện rà soát, điều chỉnh các sai sót nếu có (đến ngày 15/7). Theo quy định, 14 giờ ngày 8/8, thí sinh đến phòng làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT, nếu phát hiện sai sót vẫn có thể đính chính thông tin.

Thí sinh nếu phát hiện sai sót thông tin có thể liên hệ với các điểm thu nhập hồ sơ để được chỉnh sửa hoặc sử dụng tài khoản truy cập cá nhân gửi mail lên hệ thống đề nghị chỉnh sửa thông tin.

Sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được đơn vị đăng ký dự thi cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi qua internet tại địa chỉ (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn). Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào hệ thống từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo đó, tùy từng thời điểm, khi đăng nhập vào hệ thống quản lý thi, thí sinh có thể biết được các thông tin như: Thông tin đăng ký dự thi; thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT; giấy báo dự thi, địa điểm thi, kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả xét tuyển sinh.

Dự kiến từ ngày 9/9 đến 17 giờ ngày 16/9, các thông tin nguyện vọng đăng ký xét tuyển có thể điều chỉnh sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Với các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi, việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển được thực hiện sau khi có kết quả phúc khảo.

Thí sinh có thể điều chỉnh với phương thức trực tuyến bằng cách sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển.

Ngoài ra có thể điều chỉnh với phiếu đăng ký xét tuyển: Thí sinh được tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.

Đọc thêm