Lạm thu đầu năm học: Chuyện rầu lòng “đến hẹn lại lên“

(PLO) - Năm nào cũng thế, tiền trường luôn là nỗi ám ảnh với đa số phụ huynh học sinh. Dù cho đã từng có thầy cô năm trước bị khởi tố bởi lạm thu, thế nhưng càng các trường học sinh đổ vào đông, các trường có chút thương hiệu và gia đình học sinh có điều kiện thì mức thu càng cao… 
Làm sao để năm học mới là sự nhẹ nhõm, chứ không phải rầu lòng
Làm sao để năm học mới là sự nhẹ nhõm, chứ không phải rầu lòng

Chóng mặt với 1001 khoản thu 

Ngày tựu trường, phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (TP Hải Phòng) nhận được thư kêu gọi ủng hộ kinh phí để nhà trường mua sắm, sửa chữa, trang bị mới cơ sở vật chất với tổng số tiền lên đến 971 triệu đồng.

Ngay sau bức thư kêu gọi này xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh. Một phụ huynh bức xúc: “Nhà trường đã đưa ra những con số “trên trời” để phục vụ mục tiêu lạm thu đầu năm. Ví dụ như khoản 265 triệu có thể lắp được hàng trăm chiếc camera mà nhà trường đâu có đến hàng trăm phòng học. Vậy số tiền còn lại sẽ đi đâu?”. 

Một phụ huynh có con vừa vào lớp 1 Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Khi đăng ký nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 thì nhà trường phát thông báo mua sách giáo khoa, sách bổ trợ và đồ dùng học tập mà không có giá tiền, không có đầu sách, đồ dùng. Sau đó, tôi ngã ngửa vì tiền phải nộp lên đến 734.000 đồng/học sinh, gồm nhiều loại sách và đồ dùng tôi đã tự mua cho con trước đó”.

Ngoài số tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập thì phụ huynh ở đây còn phản ánh họ phải đóng các khoản thu khác như: Tiền đồng phục bao gồm sơmi cộc tay, sơmi dài tay, thể thao cộc tay, thể thao dài tay, áo khoác, mũ, ghế nhựa có tổng là 895.000 đồng; tiền học kỹ năng sống 300.000 đồng; tiền tạm ứng để sửa cơ sở vật chất là 1.000.000 đồng. Như vậy, dù khi chưa khai giảng năm học mới nhưng phụ huynh đã nộp tổng cộng gần 3 triệu đồng.

Chưa kể giáo viên chủ nhiệm còn liệt kê miệng ra nhiều khoản tiền mà học sinh sẽ phải đóng khi vào năm học mới như tiền điều hòa, tiền mua giá để cốc, để dép, giá sách, gối, chăn, tủ bán trú... 

Đó là với các trường công, còn đối với nhiều trường tư thì do học phí đều đã cao nên những khoản thu... không quá gây bức xúc, hoặc đã vào một khoản lớn như xây dựng trường (ít nhất 2 triệu - 3 triệu/năm), quỹ phụ huynh (khoảng vài triệu/năm)... Tuy nhiên, năm nay không ít phụ huynh lớp 9 Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), tá hỏa khi tính nhẩm vào đầu tháng 8 đã phải nộp khoảng 10 triệu/ học sinh (bao gồm tiền học hè, tiền ăn, học tăng cường tiếng Anh…). 

Nhà trường được gì, mất gì?

Tại nhiều trường, phụ huynh với tâm lý muốn “yên ổn” cho con mình nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tại một trường THPT ở TPHCM, giáo viên từng chứng minh hiệu trưởng đã mua 150 bộ bàn ghế với giá 950 triệu đồng, giá cao gấp đôi giá thị trường. Ngoài ra, ông Hiệu trưởng này còn “chuyển giá” 100 bộ bàn ghế từ sửa chữa thành mua mới.

Mới năm ngoái, tại một trường THPT khác, giáo viên phát hiện trường mua hai chiếc máy sấy tay được đẩy giá lên từ 3,9 triệu đồng/cái lên 8,9 triệu đồng/cái...  Và điều phổ biên là, điều hòa, quạt trần, cơ sở vật chất… đều đã có sẵn nhưng các trường vẫn tận thu khi học trò vào năm học mới. Các khoản đóng góp của hàng ngàn học sinh trong trường sẽ được chi tiêu ra sao? 

Và đây là những tâm sự của thầy cô trong cuộc: “Những danh hiệu nghe vẻ vang như kỉ niệm chương (dành cho giáo viên có thâm niên nghề từ 20 năm trở lên) tiền thưởng vừa bằng 4 tô phở bò hạng thường. Ngay những danh hiệu nghe danh giá, giáo viên dạy giỏi cấp này, cấp nọ cũng chỉ là tờ giấy khen an ủi. Cho đến những ngày kỉ niệm nhà giáo, ngày lễ, tết cũng chỉ nhận nhiều nhất là lời chúc mừng”. 

Vẫn biết rằng, dù có giỏi gói ghém cỡ nào nếu chỉ dựa vào tiền ngân sách thì số tiền thưởng cuối năm cho thầy cô cũng chẳng nổi vài triệu đồng. Nguồn tiền dồi dào nhất chính là hầu bao của phụ huynh. Nhưng, người tự nguyện đóng góp không nhiều. Thế nên, không ít trường học muốn thu được một khoản tiền lớn, ổn định đã tự đề ra mức ủng hộ cào bằng cho tất cả học sinh và núp danh “tự nguyện”.

Nào là “sổ vàng”, “khoản thu tự thỏa thuận”, “khoản thu tự nguyện” hay “khoản thu hộ, chi hộ”… đều chẳng có mức nào làm chuẩn. Ở thành phố, mức sống và thu nhập của người dân cao hơn nên nhà trường cũng quy định mức ủng hộ cao hơn những vùng khác. Tiền thưởng năm này nhận nhiều, chẳng có lý do gì để năm học sau họ không nỗ lực kêu gọi, vận động và tận thu triệt để...

Dù rằng, vấn đề kêu gọi tài trợ theo nguồn xã hội hóa theo đúng Thông tư 19 của Bộ GD&ĐT (về trình tự thủ tục tài trợ trong giáo dục) thì mọi thứ phải được thực hiện theo tinh thần tự nguyện không thông qua quỹ của Hội phụ huynh học sinh. Còn nhà trường không được đứng ra kêu gọi.

Tự nguyện tức là phải đảm bảo một số nguyên tắc như: Không ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào; Dự toán để sửa chữa hay lắp đặt phải rõ ràng và công khai; Quy trình quyết toán, kiểm soát do những người tự nguyện đóng góp giám sát… chứ không phải do nhà trường đứng ra thu và đứng ra thực hiện. 

Ở Hà Nội, địa phương nhức nhối về tình trạng lạm thu trong các trường học, mới đây đã thành lập 35 đường dây nóng để phụ huynh phản ánh. Thế nhưng, phụ huynh bởi chỉ mong cho con yên ổn, bởi đã vất vả lắm mới lo cho con thi được vào trường nên đành “đâm lao lại theo lao”.Và cứ như thế, câu chuyện buồn mang tên “lạm thu” gồm quỹ trường, quỹ phụ huynh, tiền mua bình nóng lạnh, điều hòa, quỹ an ninh trật tự, làm sổ liên lạc điện tử, tiền điện, nước… sẽ không có hồi kết.  

Đọc thêm