Liên tiếp 'lùm xùm' tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi trao 12 giải nhất cho các dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, đã có nhiều ý kiến nghi vấn xung quanh 2 dự án đoạt giải cao có sự trùng lặp. 
Trao giải cho các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021.
Trao giải cho các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021.

Trùng hợp ngẫu nhiên?

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021 vừa kết thúc. Nhiều dự án đạt giải liên quan đến lĩnh vực y dược như: “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ”; “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà”; “cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư”… khiến nhiều ý kiến đặt câu hỏi về sự “vượt tầm” của học sinh trung học.

Sau khi được trao giải Nhất năm 2021, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) được phát hiện na ná dự án đoạt giải Nhì “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của học sinh Ninh Bình dự thi ở năm trước. Điều đáng nói, cả hai dự án này đều từ Trường THPT Hoa Lư và do một giáo viên hướng dẫn. 

Trước những nghi vấn của dư luận, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình lý giải, hai dự án đều có tên liên quan đến “giường bệnh thông minh” nhưng bản chất khác nhau. Cụ thể, dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” năm 2019 là hệ thống dành cho người chăm sóc bệnh nhân có thể điều khiển vận hành thuận lợi từ xa thông qua mạng internet.

Còn dự án năm nay “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” là hệ thống tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói.

Theo Bộ GD-ĐT, tại Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia năm 2021, có 91 dự án đoạt giải thưởng, trên tổng số 141 dự án dự thi. Năm 2020, cuộc thi nói trên có 75 dự án đạt giải trên tổng số 137 dự án dự thi. Số lượng dự án đạt giải trong hai năm 2020 và 2021 không chênh nhau nhiều. Trong khi đó, liên tục các năm 2016-2017-2018-2019, số dự án dự thi và đạt giải cấp quốc gia tiếp tục tăng và giữ ở mức rất cao, trung bình gần 500 dự án dự thi và 300 dự án đạt giải/năm.

Nhà giáo Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề: “Bộ GD-ĐT cần làm rõ số lượng dự án dự và đạt giải Cuộc thi KHKT học sinh quốc gia liên tiếp tăng và giữ ở mức cao trong các năm từ 2016 đến 2019 có tương ứng với chất lượng nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống của học sinh”.

Theo nhà giáo Lê Văn Vỵ, năm 2019 cũng là năm xảy ra sự việc “lùm xùm” kiện cáo của một số phụ huynh tại Hải Phòng.

Cụ thể, sau khi cuộc thi kết thúc, theo phản ánh, có 5/15 giải nhất, 10 giải nhì và bốn giải ba có giải pháp, kết quả trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu trước, không có sự cải tiến, đột phá riêng (thể hiện rất rõ trên poster). Sau khi có kết quả thẩm định từ Bộ GD-ĐT, nhiều phụ huynh ở Hải Phòng tiếp tục phản đối vì cho rằng kết quả thẩm định không công bằng.

Cần rà soát nghiêm túc

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học có các tiêu chí cũng như mục tiêu rất rõ ràng. Theo đó, học sinh hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng, thành tựu KHKT đã có để có các ý tưởng mới và đưa ra cách giải quyết vấn đề mà trước đó chưa ai làm.

Như vậy, không có nghĩa học sinh phải chọn những vấn đề hoàn toàn mới mà có thể chọn những vấn đề từng có và đang có các nghiên cứu thành công nhưng đưa ra được những phát hiện, vấn đề, cách giải quyết mới của mình để hoàn thiện, tối ưu hơn. 

Ông Thành cũng khẳng định, mục đích của cuộc thi không chỉ nhằm vào việc chọn ra dự án/học sinh đoạt giải thưởng. Sản phẩm của việc nghiên cứu khoa học là dự án, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm con người, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. 

“Cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập kỷ qua đã thu hút hàng nghìn học sinh tham gia, trong đó có cả các em ở các vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực để cả giáo viên và học sinh cùng thay đổi trong đổi mới dạy học. Những điểm chưa phù hợp nếu có của cuộc thi sẽ được Bộ GD-ĐT nghiêm túc xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa của nó”, ông Thành cho biết.

Từ góc độ giáo viên, nhà giáo Lê Văn Vỵ chia sẻ, là nhà giáo, ông được nhiều đồng nghiệp là học trò, bạn bè, người thân đang công tác trong ngành giáo dục ở khắp mọi miền đất nước tâm sự, chia sẻ về Cuộc thi KHKT của học sinh.

Tất cả đều có chung nhận xét rằng, ban đầu cuộc thi có mục đích tốt, nhưng sau đó cuộc đua thành tích, danh hiệu đã đẩy cuộc thi đi quá xa, theo hướng không thực chất, không hiệu quả, gây lãng phí vô cùng lớn, áp lực và nguy hại nhất là làm cho học sinh quen với cách ứng xử không trung thực.

Đọc thêm