Lo lắng tiêu cực nếu xét tốt nghiệp THPT 2020

(PLVN) - Một trong những vấn đề khiến không chỉ ngành Giáo dục mà cả dư luận xã hội đều lo lắng là, nếu chọn phương án xét tốt nghiệp THPT thì cần có biện pháp gì để tránh tình trạng nâng điểm, chạy đua thành tích giữa các trường, giữa các địa phương -  “bệnh nan y” nhiều năm nay?
Thí sinh đang chờ phương án cuối cùng về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020.
Thí sinh đang chờ phương án cuối cùng về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020.

Khó đảm bảo công bằng?

Khác với các quan điểm nên bỏ kì thi THPT quốc gia, bởi các trường đại học đều có thể tuyển sinh riêng theo Luật Giáo dục đại học. Cũng như các địa phương các vùng khó khăn do dịch bệnh kéo dài, do điều kiện khó khăn, không đảm bảo học trực tuyến… thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội chỉ những điểm bất hợp lý nếu bỏ thi THPT quốc gia năm 2020.

Theo thống kê, kết quả đỗ tốt nghiệp gần 100% (năm 2019: 94%, năm 2018: 98%, nhiều tỉnh trên 99%) nên về lâu dài, tôi ủng hộ việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia và thay bằng xét tốt nghiệp. Điều này cũng phù hợp với việc tạo điều kiện cho các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, nếu bỏ thi THPT quốc gia ngay năm nay thì rất tai hại, bởi những lý do sau:

Việc đột ngột bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ bị động vì điều này chưa nằm trong kế hoạch. Do chưa có chuẩn bị nên chưa có quy chế, hình thức xét tốt nghiệp ra sao, trong khi học sinh lớp 12 đang ở ngưỡng cuối năm học. Đồng thời, việc bỏ kỳ thi này thuộc thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Học sinh 12 đã chuẩn bị để thi THPT quốc gia theo các tổ hợp mình lựa chọn từ rất sớm và tập trung học theo các tổ hợp đó. Việc học online đang là giải pháp tình thế, chất lượng không đồng đều bởi học sinh nhiều tỉnh còn khó khăn trong học trực tuyến, thậm chí chưa học. Chỉ có kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT mới đảm bảo công bằng ở mức độ chấp nhận được. Nếu để các trường đại học tự tổ chức thi theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì sẽ không công bằng cho các thí sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, mọi chuẩn bị đều trên tinh thần như năm 2019 và giữ ổn định. Tuy nhiên, vừa qua Đại học Bách khoa Hà Nội đưa thêm phương án tuyển sinh riêng, nhiều học sinh 12 đã lo lắng: THPT quốc gia là kỳ thi lớn, nếu có thay đổi, sẽ tạo ra sự xáo trộn vô cùng lớn trong xã hội, trong phụ huynh và học sinh.

Do đó, tính ổn định phải được đặt lên hàng đầu. Hàng năm, hơn 90% các trường đại học dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Nếu bỏ thi, các trường sẽ phải tự tổ chức tuyển sinh, nhưng thời gian còn lại quá ít để các trường có thể lên phương án, bởi các cơ sở giáo dục đều đang trong tình trạng nghỉ chống dịch.

Nhiều người đều công nhận, xét tốt nghiệp dễ nảy sinh tiêu cực hơn so với thi như hiện tại bởi dễ nảy sinh cơ chế “xin - cho”, hay tư tưởng “tháo khoán”. Tuy nhiên, việc để các trường đại học tự tổ chức thi, tôi cho rằng dễ nảy sinh tiêu cực hơn bởi mỗi trường như một “ốc đảo”.

Nếu phải bỏ thi THPT quốc gia năm nay, 3 “kịch bản” diễn ra. Thứ nhất, mỗi trường đại học (hoặc một số trường kết hợp nhau) cùng triển khai tuyển sinh. Đây là khâu phức tạp và tốn kém nhân vật lực. Thứ hai, học sinh, phụ huynh từ các tỉnh đổ xô về các thành phố lớn để dự thi. Thứ ba, nở rộ luyện thi theo chuẩn của các trường đại học. Hiện chúng tôi dạy hàng trăm học sinh lớp 12 và khi được hỏi, 100% các em đều mong muốn được tham gia kỳ thi tốt THPT quốc gia.

Bày tỏ quan điểm về việc xét tuyển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hình thức này không công bằng với tất cả các thí sinh và thậm chí không xét được. Các trường nhóm đầu xét học bạ sẽ “vỡ trận” vì không có sự khác nhau giữa các thí sinh nên phương án này không khả thi. 

Sẽ xáo trộn tâm lý học sinh

Với học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều thiệt thòi khi việc học, ôn thi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều các em mong muốn lúc này là việc thi cử, tuyển sinh ít bị xáo trộn, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý. Phần đa các em xác định thi đại học cho rằng, việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ thuận lợi cho những bạn không thi đại học.

Còn những bạn có mong muốn thi đại học lại sẽ là bất lợi. Bởi ôn thi là cả quá trình suốt 3 năm học phổ thông, các bạn đã được dạy và học theo phương pháp phù hợp với kì thi THPT quốc gia. Nếu giờ mà hủy, các trường đại học tự xét tuyển riêng, đề cũng khó hơn rất nhiều. Trong khi học sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị và sẽ bị rơi vào thế “xoay xở không kịp”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) kiến nghị: Một là, nếu tổ chức thi thì đề thi nên giảm tỷ lệ ở mức thấp nhất có thể (tỷ lệ 2/8 học kỳ 2 so với học kỳ 1) và không có nội dung vận dụng và vận dụng cao trong chương trình học kỳ 2 như đề thi tham khảo. Điều này phần nào tạo sự công bằng giữa các tỉnh có học sinh trở lại học sớm hay trễ sau nghỉ vì dịch bệnh; giữa các học sinh có hay không thể học qua internet.

Hai là, nếu tình huống xấu nhất, Bộ GD-ĐT nên xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và mạnh dạn công bố trên các phương tiện truyền thông sớm nhất có thể về việc giao quyền xét tốt nghiệp cho địa phương và tổ chức tuyển sinh đại học năm nay cho các trường đại học. Việc các trường đại học có bước chuẩn bị và công bố phương án tuyển sinh sớm phần nào giải tỏa tâm trạng hoang mang của các em học sinh lớp 12 năm nay.

Thu Trang - học sinh lớp 12 ở Hà Giang chia sẻ: “Em đồng ý với phương án bỏ thi THPT quốc gia, bởi năm nay dịch kéo dài chúng em ở vùng núi không có điều kiện học tập như các bạn ở thành phố. Có rất nhiều bạn nhà tận trong bản không có internet để học online.

Trong khi chúng em chưa học xong thì các bạn thành phố có thể đã học hết chương trình và học nâng cao như vậy nếu thi có đảm bảo được công bằng. Hơn nữa, kết quả của một kỳ thi chưa là tất cả, vì để đánh giá được đúng năng lực của một học sinh cần cả một quá trình…”.

Còn cô Nguyễn Thanh Nga (Hà Nội) băn khoăn, mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học sinh. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, liệu trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của trường đại học. 

Em Lê Thủy (Hà Nội) cho rằng, nếu xét công nhận tốt nghiệp có thể sẽ trút được một phần gánh nặng, nhưng chắc chắn chất lượng sẽ không đảm bảo. Vì tỷ lệ đạt sẽ rất cao và chỉ thuận lợi cho những bạn không thi đại học. Còn những người có mong muốn thi đại học như em sẽ bất lợi.

Từ lớp 10 đến giờ em đều được dạy và học theo phương pháp phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia (trắc nghiệm). Nếu giờ mà hủy, các trường đại học tự xét tuyển riêng, có khả năng quy chế và cách thức thi sẽ khác, đề cũng khó hơn rất nhiều.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ xin ý kiến Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia. Hai kịch bản thi được Bộ đưa ra, trong đó có tình huống không tổ chức kỳ thi này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8/2020. Vì sau khi kết thúc năm học, ngày 15/7, học sinh cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập trước khi thi, như thời gian học sinh được ôn năm 2019.

Nếu thi thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên năm cũ, nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Hiện nay, chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh. 

Ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường THPT vùng khó khăn chỉ ra rằng tính toán của Bộ phải dựa trên bình diện quốc gia, chứ không thể nhìn vào một số trường hoặc một số địa phương làm tốt để sử dụng cho đại trà. Nếu lấy mốc muộn nhất là ngày 15/6 trở lại trường thì quá gấp gáp, thậm chí không đủ thời gian cho việc tổ chức các bài kiểm tra định kỳ cho học sinh theo đúng quy định hiện hành. N.Thương

Đọc thêm