Lùi thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới: Đồng tình với sự cẩn trọng của Chính phủ

(PLO) - Việc đổi mới sách giáo khoa (SGK) và chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) là một chủ trương quan trọng đã được Quốc hội (QH) quyết định nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT, góp phần giáo dục phát triển toàn diện định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lùi thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới: Đồng tình với sự cẩn trọng của Chính phủ

Tuy nhiên, tại kỳ họp QH đang diễn ra, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới để đảm bảo chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, SGK GDPT mới. Sự cẩn trọng của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH để tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội dù còn có một số băn khoăn cần được làm rõ…

Cuốn chiếu ở mỗi cấp học theo lộ trình 5 năm

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 (ngày 28/11 /2014) của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau:  Năm học 2018 - 2019:  Lớp 1, lớp 6 và lớp 10; Năm học 2019 - 2020:  Lớp 2, lớp 7 và lớp 11; Năm học 2020 - 2021:  Lớp 3, lớp 8 và lớp 12; Năm học 2021 - 2022:  Lớp 4 và lớp 9; Năm học 2022 - 2023:  Lớp 5.

Chính phủ khẳng định, đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình GDPT mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn SGK, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình GDPT mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở GDPT trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. Nếu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng. 

Đồng thời, nếu theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới nêu tại Nghị quyết 88/2014/QH13 thì việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở GDPT sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, SGK mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học. Mặt khác, Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Hội nghị TƯ 6 khóa XII trong ngành giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT và có biện pháp giải quyết. 

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của QH cũng nhận thấy, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn một năm so với kế hoạch (theo Quyết định 404, chậm nhất đến tháng 6/2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học). Tuy nhiên, đến ngày 27/7/2017, chương trình tổng thể mới được thông qua). Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK và để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương; cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết 88.

Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88. Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình GDPT mới.

Do vậy, Ủy ban cũng đồng tình với tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022. Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2019 - 2020:  Lớp 1; Năm học 2020 - 2021:  Lớp 2 và lớp 6;  Năm học 2021 - 2022:  Lớp 3, lớp 7 và lớp 10;  Năm học 2022 - 2023:  Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023 - 2024:  Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13, việc bắt đầu áp dụng chương trình GDPT và SGK mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình GDPT và SGK mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình GDPT và SGK mới.

Lùi để phát huy hiệu quả đổi mới

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội khẳng định, theo phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK GDPT; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình GDPT hiện hành; tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDPT theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XII.

Triển khai áp dụng chương trình, SGK GDPT theo phương án mới sẽ tạo thuận lợi để triển khai các hoạt động truyền thông tạo sự tin tưởng, lạc quan, yên tâm và đồng thuận của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn SGK, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều SGK và phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GDPT.

Mặt khác, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình GDPT và SGK theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình GDPT và SGK mới vẫn là 5 năm. Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở GDPT bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, SGK mới. 

Đa số thành viên Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, SGK GDPT mới (bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88) để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình GDPT theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội. Áp dụng chương trình và SGK mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định tại Nghị quyết 88. 

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (tỉnh Bắc Giang) đặt câu hỏi “Việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT và SGK mới một năm liệu đã khả thi chưa?” và đề nghị nên cân nhắc vì “thực tế vừa qua cơ bản các nội dung của Nghị quyết 88 theo lộ trình đều chậm, chưa đảm bảo theo đúng tiến độ. Mặt khác, nếu là phương án bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88 như thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ là còn có ý kiến không nên kéo dài sự chuẩn bị hơn nữa vì sẽ làm giảm động lực và tác động đến tâm thế đổi mới trong ngành Giáo dục và xã hội. Ở đây, giảm động lực là những động lực gì, tác động tâm thế là như thế nào cần báo cáo rõ hơn để các đại biểu Quốc hội tự tin và có đủ cơ sở khi bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết”.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ ủng hộ việc lùi thời gian nhưng “đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm rõ thêm nếu giả sử chúng ta lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 của QH 2 năm, 3 năm hoặc 4 năm nữa thì có thiệt hại gì hay sự cần thiết phải lùi chỉ trọn vẹn trong 1 năm?”. Cùng với đó, Đại biểu cũng băn khoăn liệu thời gian lùi lại 1năm có đủ để thực hiện được 2 vấn đề trong Nghị quyết 88 mà nếu địa phương làm không kịp sẽ ảnh hưởng đến chương trình. Đó là trong Nghị quyết 88 quy định UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương. Hai là các cơ sở GDPT lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng đòi hỏi thời gian khá dài. 

Đọc thêm