'Mẹ bỉm sữa' hoang mang giữa 'mê hồn trận' sách dạy thiên tài

(PLO) - Nhiều người rơi vào “mê hồn trận” loạn phương pháp dạy con vì không có một định hướng đúng đắn.
'Mẹ bỉm sữa' hoang mang giữa 'mê hồn trận' sách dạy thiên tài

Giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi thời gian gần đây đang là một chủ đề được các bậc cha mẹ Việt Nam quan tâm tìm hiểu và ứng dụng Với mong muốn con mình được phát triển toàn diện không thiếu một phương pháp giáo dục đang phổ biến trên thế giới nào bị bỏ qua, từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật cho đến Do Thái với hàng trăm cuốn sách và các bộ tài liệu đi kèm.

Những hỗn độn thật giả trong việc truyền bá giáo dục sớm hiện nay đã dẫn đến việc hình thành một trường phái phụ huynh vô cùng kỳ vọng vào giáo dục sớm, tận dụng triệt để quãng thời gian 0-3 tuổi để dạy dỗ con với mong mỏi con sẽ biết đọc, biết làm toán sớm.

Cuộc “cách mạng mềm” hay chỉ là phong trào?

Nhiều bà mẹ Việt bắt đầu biết đến khái niệm giáo dục sớm từ cuốn sách nổi tiếng năm 2008: “Đưa con trở lại thiên đường” - tái hiện hành trình gian khổ của người mẹ đã mất gần 10 năm trời đi khắp nơi học hỏi, nỗ lực đưa đứa con trai mắc chứng tự kỷ trở lại cuộc sống bình thường.

Người mẹ đó chính là chị Lê Thị Phương Nga, hiện đang sống tại TPHCM. Để có được thành quả đó, chị Nga đã trực tiếp qua Mỹ học hai khóa cơ bản và 12 khóa nâng cao của các bác sĩ dành riêng đào tạo phụ huynh có con tự kỷ.

Khi câu chuyện của bà mẹ Lê Thị Phương Nga được nhiều người biết tới, phương pháp giáo dục mà chị đã dùng để nuôi dạy bé Cún, đứa con trai yêu quí mắc chứng tự kỷ cũng trở thành chủ đề được rất nhiều cha mẹ trẻ quan tâm. Khái niệm giáo dục sớm đã nhen nhóm xuất hiện từ khi đó.

Sau này, các tài liệu về giáo dục sớm bắt đầu được các nhà xuất bản để ý và biên tập, từ đó, phụ huynh được tiếp cận với rất nhiều phương pháp giáo dục sớm khác nhau. Gần như không thiếu một phương pháp nào đang phổ biến trên thế giới bị bỏ qua, từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật cho đến Do Thái với hàng trăm cuốn sách và các bộ tài liệu đi kèm được quảng bá là “giúp trẻ thông minh”.

Khảo sát quanh các nhà sách lớn ở Hà Nội khu vực sách Kỹ năng sống, Khoa học đời sống có rất nhiều sách thuộc lĩnh vực giáo dục sớm. Trong đó, những cuốn sách về thai giáo hướng dẫn cách chăm con, dạy con thành thiên tài từ giai đoạn mang thai được dành riêng hẳn một kệ sách với vị trí thuận tiện, dễ thấy. Theo một nhân viên của hiệu sách, đây là những đầu sách bán chạy, được nhiều ông bố, bà mẹ trẻ tìm đọc.

Những cuốn sách về giáo dục sớm được tìm mua nhiều nhất có thể kể đến bộ 5 cuốn của 2 tác giả Glenn Doman, Janet Doman gồm “Dạy trẻ thông minh sớm”, “Dạy trẻ biết đọc sớm”, “Dạy trẻ học toán”, “Tăng cường trí thông minh của trẻ”, “Dạy trẻ về thế giới xung quanh”; bộ 3 cuốn “Dạy con kiểu Nhật” giai đoạn 0 tuổi, 1 tuổi, 2 tuổi…

Một trong những cuốn sách về giáo dục sớm được nhiều phụ huynh tìm mua hiện nay
Một trong những cuốn sách về giáo dục sớm được nhiều phụ huynh tìm mua hiện nay

Một số đầu sách dịch khác về giáo dục sớm được nhiều bậc phụ huynh rỉ tai nhau như: “Em phải đến Harvard học kinh tế”, “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”, “Khúc chiến ca của mẹ Hổ”, “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, các cuốn sách về nuôi dạy con theo “Phương pháp Montessori”… Hiện tượng sách của Việt Nam trong lĩnh vực này chính là cuốn: “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nhà văn Hồ Thị Hải Âu với 6.000 bản được bán hết sau 10 ngày ra mắt và tiếp tục được tái bản.

Sức lan tỏa của giáo dục sớm ngày càng rộng rãi nhờ vào sự giúp sức của internet. Những bài viết chia sẻ cách dạy con từ khi còn sơ sinh, những tấm gương các bà mẹ đã thành công cùng những đứa con thông minh trước tuổi xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm dành cho phụ huynh trẻ.

Hàng loạt những công ty giáo dục đã mở ra các khóa học, bán những dụng cụ, học liệu với mức giá không hề rẻ để dạy cha mẹ cách khai thác tiềm năng con trẻ. Phụ huynh như rơi vào mê hồn trận khi tìm địa chỉ uy tín để mua và sử dụng học liệu.

Một bộ học liệu cho trẻ sơ sinh
Một bộ học liệu cho trẻ sơ sinh

Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ tư vấn viên còn là câu hỏi lớn. Một phụ huynh tỏ ra băn khoăn: “Tôi mua học liệu qua mạng. Nhiều khi thắc mắc gọi đến hotline tư vấn, tôi cảm thấy không thỏa đáng với câu trả lời. Bởi các bạn tư vấn viên đều là người trẻ, chưa có gia đình, làm sao họ có kinh nghiệm để tư vấn, giải đáp một cách thấu đáo cho chúng tôi?”.

Một mẫu rao vặt trên mạng về dịch vụ tư vấn giáo dục sớm
Một mẫu rao vặt trên mạng về dịch vụ tư vấn giáo dục sớm

Có thể nói, chưa bao giờ phong trào giáo dục sớm lại phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Ở khắp các thành phố lớn, các hội thảo được tổ chức rầm rộ. Các bậc phụ huynh ào ào đi nghe hội thảo, tham gia các buổi offline, chia sẻ của chuyên gia, của các cha mẹ có con áp dụng thành công giáo dục sớm thậm chí cả những chia sẻ của người chân ướt chân ráo mới vào giáo dục sớm. Hàng loạt các ngành ăn theo giáo dục sớm cũng nở hoa: nào in ấn, nào đồ chơi thông minh, nào học liệu, nào đĩa, nào thẻ (flashcard)…

Đừng ngộ nhận mà cố ép trẻ thành thiên tài

Bất chấp thời tiết nắng nóng, chị Trần Quỳnh Thơ (23 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đã phóng xe máy xuống Hà Nội vào một buổi chiều cuối tuần để tham gia khóa học về giáo dục sớm. Chị nóng lòng muốn biết cách nào đó khiến con mình trở nên “thông minh vượt trội”.

Khi con mới ba tháng tuổi, chị Thơ đã lên mạng tìm hiểu và đặt mua rất nhiều sách về giáo dục sớm. Rất hứng thú với phương pháp dạy trẻ bằng những tấm thẻ hình ảnh, chữ viết, con số... mà sách đưa ra, chị Thơ mua hẳn bộ thẻ chữ, thẻ số và thẻ chấm giá hơn ba triệu đồng.

“Mọi người cho rằng “ba tháng tuổi thì học hành gì”, nhưng tôi đọc báo và thấy có nhiều cơ sở khoa học chứng minh trẻ có thể học được. Vì thế, ngay từ khi mang thai, tôi đã cho con nghe nhạc giao hưởng để phát triển trí thông minh. Khi bé chào đời, tôi xác định sẽ dạy con từ sớm”, chị Thơ chia sẻ.

Mỗi ngày chị Thơ dành ra vài phút dạy con, số lượng thẻ tăng dần theo từng ngày. Đến khi con hơn bốn tháng tuổi, mỗi ngày chị Thơ cho con học 25 thẻ chữ, 10 thẻ chấm và 9 công thức toán.

“Thấy con chăm chú với những tấm thẻ nên tôi mày mò phương pháp dạy sao cho đúng. Trong quá trình dạy con, tôi có rất nhiều băn khoăn thắc mắc, vì thế tôi lặn lội từ tỉnh xa đến đây”, chị Thơ bày tỏ.

Không riêng gì chị Quỳnh Thơ, rất nhiều phụ huynh ngày nay sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua hàng tá sách về các phương pháp giáo dục sớm (50-70.000 đồng/quyển), các bộ học liệu (1-2 triệu/bộ), tham dự các khóa học tập huấn về việc dạy con (dao động từ 5-10 triệu đồng/khóa). Với những bậc cha mẹ “lười” dạy con mà vẫn thích theo đuổi giáo dục sớm, thậm chí còn có thể thuê giáo viên đến tận nhà dạy con mỗi ngày.

Tuy nhiên, không ít ông bố, bà mẹ trong số đó đang lầm tưởng rằng giáo dục sớm chính là tạo ra những thần đồng. Một số khác lại cho rằng giáo dục sớm là dạy trẻ học trước chương trình mầm non, tiểu học...

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS, NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện trưởng Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người) khẳng định, mục tiêu của giáo dục sớm không phải để nhồi nhét tri thức hay biến trẻ thành thần đồng, mà nhằm góp phần kích hoạt các năng lực thiên bẩm, khai phá tiềm năng và khả năng phi thường trong những năm đầu đời của trẻ, từ đó hình thành nên các nền tảng tốt đẹp.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, giáo dục sớm kích hoạt tiềm năng trí tuệ của trẻ
 Các chuyên gia chỉ ra rằng, giáo dục sớm kích hoạt tiềm năng trí tuệ của trẻ

“Nếu giai đoạn vàng này bị bỏ rơi, cha mẹ chỉ chú trọng việc ăn uống của trẻ mà không giáo dục, bồi đắp phát triển tâm hồn cho trẻ thì bỏ mất cơ hội kích thích sự phát triển của não phải ở giai đoạn ấu thơ, đó là một sự lãng phí lớn. Ngược lại, nếu giáo dục sớm bị hiểu lầm hay thực hiện nửa vời, cóp nhặt hoặc áp dụng thái quá sẽ khiến trẻ phát triển lệch lạc, rối loạn”, thầy Kỳ Anh khẳng định.

Ths Lê Thị Lan Anh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và trí tuệ Việt) lý giải, chính từ “sớm” khiến nhiều cha mẹ lầm tưởng rằng giáo dục sớm là dạy cho con biết chữ sớm, biết cộng trừ sớm hay dạy trước chương trình tiểu học. Hiểu như thế là sai, bởi việc dạy cho trẻ biết toán, biết chữ chỉ là phạm vi nhỏ trong quá trình giáo dục sớm. Thực tế phạm vi của giáo dục sớm sâu và rộng hơn nhiều.

ThS Lê Thị Lan Anh

ThS Lê Thị Lan Anh

Chị cho biết, giáo dục sớm là kích thích năm giác quan thông qua việc nhìn, sờ, ngửi, nghe, nếm. Các giác quan tác động mạnh mẽ đến thần kinh tạo ra các kết nối. Dạy trẻ không chỉ biết ăn, biết nhai, biết nuốt mà còn dạy trẻ cách thưởng thức, cách ăn như thế nào là lịch sự. Dạy trẻ vận động không chỉ thả trẻ cho trẻ chạy nhảy thoải mái mà còn dạy trẻ các vận động tinh, các động tác vận động đòi hỏi tính khéo léo.

Dạy trẻ chơi không chỉ là nhận biết đồ chơi mà còn là dạy cách chơi, khám phá đồ chơi ở nhiều phương diện khác. Dạy trẻ học không phải chỉ là biết chữ, làm toán thông thường mà biết kết nối các thông tin, bồi đắp tình yêu sách, tiếp cận toán ở các góc độ khác nhau… Đó là chương trình giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học. Việc học đối với trẻ là tự nhiên, không gò bó.

Giáo dục sớm là cách cha mẹ cung cấp thông tin cho con, tạo cho con môi trường phong phú phát huy tối đa sự sáng tạo. Dạy chữ, dạy toán không quan trọng bằng việc cha mẹ dạy trẻ các kĩ năng sống hàng ngày, xây dựng sự tự tin, khơi gợi niềm đam mê, biết cách giải quyết vấn đề, biết cách tư duy logic. Những kĩ năng đó không một trường lớp nào đào tạo cả ngoài những người thầy là các bậc cha mẹ.

“Khi trẻ có kĩ năng trẻ sẽ có khả năng tiếp thu thông tin tốt hơn, xử lí vấn đề một cách nhanh nhạy. Đó là tiền đề giúp trẻ tiếp thu học tập một cách chủ động, sáng tạo khi trẻ tiến tới mốc 6 tuổi. Xin đừng hiểu lầm cách dạy trẻ theo chương trình giáo dục sớm với chương trình dạy học trong nhà trường”, Ths Lan Anh chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, thực tế việc “giáo dục sớm” vẫn đang được các phụ huynh thực hiện hằng ngày với con, có điều chính họ cũng không hề biết. Tuy nhiên, đa số bố mẹ mới dừng lại ở việc dạy con theo bản năng, kinh nghiệm chứ chưa nghiên cứu và thực hành một cách có hệ thống. Do đó, việc dạy con có khi đúng khi sai; thiếu kiên trì, liên tục dẫn đến những lỗ hổng trong việc phát triển và khai mở năng lực tư duy tiềm ẩn. Từ đó kết quả đạt được không như mong đợi.

“Không có một phương pháp giáo dục nào là hoàn hảo có thể “hô biến” con bạn trở thành thiên tài. Mỗi phương pháp đều có giới hạn nhất định, đều có những ưu điểm và nhược điểm. Do đó, phụ huynh khi muốn áp dụng bất kỳ một phương pháp nào trong việc giáo dục con thì nên tìm hiểu thật kỹ; dành thời gian đọc tài liệu liên quan đến phương pháp đó một cách nghiêm túc, khi đã hiểu mới nên áp dụng cho con. Mỗi hệ phái giáo dục sớm hướng đến phát triển năng lực tư duy nhất định của con trẻ: Ngôn ngữ, vận động, cảm quan, thế giới xung quanh... Giống như việc uống thuốc, nếu không đọc kỹ hướng dẫn, áp dụng nửa vời dễ dẫn đến phản tác dụng”, chị Lan Anh nhấn mạnh.

Hãy để trẻ tự làm những gì có thể

Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý (Sáng lập Tập đoàn Giáo dục Hotkids Việt Nam) khẳng định, giáo dục sớm không chỉ giúp trẻ có được trí tuệ, mà còn có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp và những cảm xúc đúng đắn.

Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý (Ảnh nhân vật cung cấp)

Để chứng minh cho điều này, chị Lại Thị Hải Lý kể câu chuyện khá buồn xảy ra ở một gia đình. Có một đứa trẻ sống cùng bố mẹ và ông nội. Ông nội vô cùng yêu cháu, dành cho cháu tất cả tình yêu thương. Ông chăm sóc cháu cẩn thận, từ việc tắm rửa, cho cháu ăn, dắt cháu đi chơi, vui đùa cùng cháu.

Với ông, cháu là cả một thế giới niềm vui. Cháu vì thế cũng rất quấn quýt và yêu ông. Năm cháu 10 tuổi, ông nội bị ung thư và mất. Bố mẹ và nhiều người thân nghĩ rằng đây là cú sốc rất lớn với cháu. Khác với suy nghĩ ấy, cháu chỉ khóc một lúc và lại vui chơi như không có chuyện gì xảy ra.

Không lâu sau, con chó của cậu bé chết. Cậu bé đã khóc ròng rã suốt 1 tháng trời. 1 năm sau, khi nhắc đến con chó, cậu bé vẫn… thổn thức. Bố mẹ cậu bé rất tức giận và đau khổ khi thấy người yêu thương, gần gũi với con mất đi mà con không đau buồn, trong khi lại khóc con chó đến cả năm trời.

Theo chị Lại Thị Hải Lý, với ông nội, đứa cháu chỉ luôn nhận được sự chăm sóc, tình yêu thương của ông mà không có “nghĩa vụ” phải cho đi. Trong khi đó, với con chó, cậu bé lại chăm sóc, lo lắng cho nó rất nhiều. Hàng ngày, cậu cho chó ăn, tắm cho chó và vui đùa cùng nó. Chính vì cậu bé cho đi tình thương bằng việc chăm sóc con chó nên cậu mới có nhiều cảm xúc như vậy.

Chính vì vậy, cha mẹ cần dạy cho con cho đi tình thương ngay từ khi con còn nhỏ, chứ không nên để con chỉ biết nhận. Việc dạy con phải diễn ra hàng ngày. Con cái phải có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. Đó có thể là rót cốc nước mát mời bố mẹ khi đi làm về, tặng quà, hoa, viết thiệp tặng ông bà vào ngày sinh nhật, ngày lễ, gắp những miếng ngon cho người lớn tuổi, chăm sóc người thân khi ốm đau… Từ việc chăm sóc ấy, các con mới có cảm xúc, tình cảm với người thân của mình.

Cha mẹ cần dạy con cho đi tình thương chứ không nên để con chỉ biết nhận
Cha mẹ cần dạy con cho đi tình thương chứ không nên để con chỉ biết nhận

Bên cạnh đó, chị Hải Lý cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, đáng lo ngại là xuất hiện căn bệnh 421 hay 621. Có nghĩa là cả gia đình có ông bà, bố mẹ hoặc nhiều thế hệ hơn tập trung phục vụ một đứa trẻ.

“Nhiều gia đình Việt phải huy động sự nỗ lực của cả gia đình chỉ để đứa trẻ ăn hết một bát cơm; con trẻ không phải làm gì ngoài việc học, thiếu ý thức về giá trị của đồng tiền vì luôn được cha mẹ chu cấp đầy đủ, dư thừa; nhiều bố mẹ luôn tung hô con giỏi giang, hướng con đến những thành công toàn vẹn… Hệ quả của điều này là những em bé có vẻ ngoài tự tin, thông minh nhưng kì thực rất yếu đuối, dễ bị tổn thương, không chấp nhận nổi dù chỉ một lời chê, lời phê bình, là lý do nhiều trường hợp học sinh, sinh viên tự tử khi gặp thất bại, khó khăn trong học tập và cuộc sống…”, chuyên gia Lại Thị Hải Lý phân tích.

Chị đưa ra những khác biệt trong cách dạy con của người Do Thái: Cha mẹ ẩn giấu 20% tình yêu con để trở nên lý trí, khoa học. Cha mẹ cho con thử thách sớm với môi trường, cho con rèn luyện “chỉ số vượt khó”, dạy con tự lập, làm việc nhà và quản lý tài chính từ nhỏ. Bằng cách dạy trẻ làm việc nhà, các cha mẹ Do Thái dạy con những bài học sinh tồn cơ bản.

Nhiều em bé Do Thái 2, 3 tuổi đã biết tự phục vụ cá nhân như ăn uống, vệ sinh; lớn lên chút thì biết tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ cha mẹ, hiểu rõ được giá trị đồng tiền và biết chi tiêu hợp lý… Đây cũng là con đường giúp không ít triệu phú Do Thái học được bài học đầu tiên về đầu tư tài chính, quản lý tài sản, từ đó hun đúc những tham vọng thành công vượt trội.

“Đừng làm quản gia, hãy làm quân sư giúp con phát triển thành những đứa trẻ bản lĩnh và mạnh mẽ trong cuộc sống”, chuyên gia Hải Lý đưa ra lời khuyên cho các bậc làm cha làm mẹ.

Năm 1980, Liên Hợp Quốc đã phát động giáo dục sớm trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, não bộ sớm hình thành từ những năm đầu đời khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phát triển mạnh mẽ nhất ở độ tuổi từ 0-6 tuổi, trong đó, “thời kỳ vàng” để phát triển trí tuệ là trước 3 tuổi. Tại Nhật Bản, đã có hơn 500 trường đồng loạt áp dụng phương pháp giáo dục sớm và đã rất thành công.

Tổng thống Mỹ Barack Obama chi 7 tỷ USD trong 10 năm để đầu tư cho giáo dục sớm với quan điểm “1 USD chúng ta đầu tư hôm nay sẽ tiết kiệm được 7 USD sau này”. Trung Quốc cũng đã lên chiến dịch 20 năm (2000-2020) để bá chủ thế giới về tiềm năng con người qua giáo dục sớm 0-6 tuổi. Ở Việt Nam, phương pháp giáo dục sớm cũng được các nhà giáo dục đầu ngành nghiên cứu đưa vào áp dụng để tạo ra một thế hệ trẻ có trí tuệ phát triển cao trong tương lai.

Đọc thêm