Nghỉ dịch người lao động Việt đi câu cá... chờ xin việc ở xứ sở hoa anh đào

(PLVN) -Gần một tháng nay, công ty ngừng sản xuất, hết quanh quẩn ở nhà vợ chồng tôi lại tranh thủ đi câu cá… kiếm bữa ăn”- đó là chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Cường (28 tuổi, kỹ sư lao động Việt Nam tại Nhật Bản) về cuộc sống tại Nhật Bản trong những ngày tháng Covid-19 nơi đất khách quê người.
Bị nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Nguyễn Mạnh Cường tranh thủ đi câu cá kiếm bữa ăn trong thời gian tìm công việc mới tại Nhật Bản.
Bị nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Nguyễn Mạnh Cường tranh thủ đi câu cá kiếm bữa ăn trong thời gian tìm công việc mới tại Nhật Bản.

Trong gần 2 năm làm việc tại nơi đất khách quê người, anh Cường chưa bao giờ cảm thấy buồn như lúc này. Hàng ngày anh đã quen với những tiếng máy khoan máy cắt tại xưởng sản xuất linh kiện ô tô của Công ty Tanaka seki (tỉnh Hyogo -Nhật Bản) thì nay lại quanh quẩn tại ngôi nhà trọ mà công ty thuê cho ở, mà hết tháng này hết hỗ trợ dịch vợ chồng anh cũng phải dọn ra khỏi nhà.

Không kể, số tiền dành dụm lao động nơi đất khách đang dần cạn đi khi anh bị cho nghỉ việc do công ty ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Nhật Bản từ gần 1 tháng nay.

“Nghỉ việc, mặc dù đã được phía Công ty hỗ trợ 60% lương trong 1 tháng để tìm việc mới. Nhưng dịch bệnh phức tạp đâu đâu cũng ảnh hưởng, tìm việc rất khó. Hơn nữa, nhà ở Công ty thuê cho, hết tháng này cũng phải dọn ra ngoài rồi. Chưa kể tiền ăn uống hàng ngày vẫn phải chi, tiền nợ ngân hàng, bạn bè do vay mượn để đi xuất khẩu lao động, hàng tháng vẫn phải gửi về để trả lãi. Khiến tôi cảm thấy lo lắng không biết làm sao để xoay sở” – anh Cường nói.

Anh Cường cùng các lao động người Việt Nam trong giờ nghỉ giải lao tại Công ty Tanaka seki (tỉnh Hyogo -Nhật Bản).
 Anh Cường cùng các lao động người Việt Nam trong giờ nghỉ giải lao tại Công ty Tanaka seki (tỉnh Hyogo -Nhật Bản).

Trước kia anh Cường là giáo viên dạy nghề tại một trường nghề trong tỉnh Vĩnh Phúc nhưng do đồng lương viên chức ít ỏi, anh quyết định đi theo con đường xuất khẩu lao động sang đất nước mặt trời mọc với mong muốn kiếm đồng tiền, tích cóp lo cho cuộc sống vợ con sau này.

Sang Nhật Bản lao động từ tháng 10/2018, anh chăm chỉ làm việc ở vị trí kỹ sư vận hành máy cắt CNC sản xuất linh kiện ô tô, hợp đồng ngắn hạn (thời hạn 3 năm) tại Công ty Tanaka seki – ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Thế nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, từ đầu tháng 4 đến nay, anh phải nghỉ việc. 8 lao động là người Việt Nam làm chung Công ty với anh cũng chung cảnh ngộ.

Chia sẻ với phóng viên, anh Cường cho biết, chủ Doanh nghiệp người Nhật nơi anh làm, thuê lao động Việt Nam với 3 hình thức: Một là kỹ sư nhân viên chính thức, 2 là kỹ sư nhưng là nhân viên hợp đồng ngắn hạn, 3 là thực tập sinh. Anh Cường thuộc kỹ sư hợp đồng ngắn hạn vì vậy khi bị cắt hợp đồng anh vẫn có thể ở lại và xin việc tại một Công ty khác. Nhưng đối với thực tập sinh thì khó khăn hơn, nếu bị cắt việc thì sẽ không có lương. Đợi khi công ty hoạt động trở lại thì đi làm nếu công ty phá sản thì phải về nước.

Trường hợp như anh Cường như vậy có thể coi là may mắn so với các lao động người Việt khác tại Nhật Bản.

Trước đó, ít việc Công ty cho nhân viên nghỉ việc luân phiên. “Không có việc, một tuần chỉ đi làm 3 buổi, thời gian còn lại lên Công ty cắt cỏ” – anh Cường chia sẻ.
  Trước đó, ít việc Công ty cho nhân viên nghỉ việc luân phiên. “Không có việc, một tuần chỉ đi làm 3 buổi, thời gian còn lại lên Công ty cắt cỏ” – anh Cường chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Khang (quê Nghệ An) hiện là kỹ sư hợp đồng ngắn hạn tại Công ty Akashi- kikai ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản cũng vừa nhận được thông báo hết tháng 5 nãy sẽ bị cắt hợp đồng do Công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tại Công ty này cũng có 4 lao động người Việt bị cho thôi việc giống anh Khang.

Cũng giống như anh Cường, Công ty anh Khanh làm thuê cũng được hỗ trợ 60% lương trong vòng 1 tháng cho người lao động mất việc.

Còn chị Trần Lệ Thu (Phú Thọ) hiện đang là du học sinh tại Nhật Bản cho biết, tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh ở Nhật khiến chị rất lo lắng nhưng vẫn quyết tâm ở lại và luôn tự ý thức đeo khẩu trang 100% khi ra ngoài.

“Vì là du học sinh nên ngoài giờ tới trường, mình có làm thêm tại một quán ăn nhưng do dịch bệnh Covid-19, hiện tại mình cũng đã nghỉ việc. Giờ việc học cũng thực hiện học online tại nhà” – chị Thu chia sẻ.

Theo cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm qua và luôn nằm ở tốp 3 thị trường lớn nhất trong 5 năm gần đây. Hơn 400.000 người Việt đang học tập và làm việc tại nước này đang phải chịu những ảnh hưởng nhất định trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

  Ngày 4/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch COVID-19 tới ngày 31/5, trong bối cảnh có những quan ngại về khả năng hệ thống y tế nước này sẽ quá tải nếu số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng.  

Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 ở 7 tỉnh, thành của Nhật Bản ngày 7/4. Hơn 1 tuần sau đó, ngày 16/4, ông đãquyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra tất cả 47 tỉnh, thành. Tình trạng khẩn cấp hiện nay dự kiến sẽ hết hạn vào cuối ngày 6/5.

Tính đến ngày 5/5, Nhật Bản đã ghi nhận 15.078 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 536 ca tử vong. Con số này ít hơn nhiều so với Mỹ, nơi các trường hợp mắc bệnh COVID-19 đã vượt mốc trên 1 triệu người và các quốc gia như Italy, Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Nhật Bản chủ yếu rơi vào những bệnh nhân trên 60 tuổi. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân trong độ tuổi 30, 40 và 50 tuổi chỉ dưới 1%. Trong khi đó, các bệnh nhân độ tuổi 60 chiếm 2,1% ca tử vong vì COVID-19 tại nước này, những người 70 tuổi chiếm 6% và những người ở độ tuổi 80 chiếm 12,9%.

Đọc thêm