Người truyền lửa lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

(PLVN) - Từ một cán bộ kế toán, anh Đào Văn Tuân trở thành thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc một cách tình cờ. Bắt đầu từ một người “ngoại đạo” nhưng bằng chất giọng trầm ấm trời phú cùng sự miệt mài rèn luyện, nhiều năm nay anh Tuân đã trở thành người “kết nối lịch sử” tại Khu di tích lịch sử linh thiêng này.
Anh Đào Văn Tuân (giữa) trong một buổi thuyết minh cho du khách tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Đào Văn Tuân (giữa) trong một buổi thuyết minh cho du khách tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh nhân vật cung cấp

Nói bằng cả trái tim

Anh Đào Văn Tuân (SN 1974, quê Can Lộc, Hà Tĩnh) là một trong những thuyết minh viên đầu tiên ở Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Tròn 20 năm làm việc, dù hiện nay đã là Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích, nhưng chưa ngày nào anh nghỉ ngơi công việc của một thuyết minh viên.  

Nhớ lại cơ duyên đến với công việc đặc biệt này, anh Tuân cho biết: Anh vốn học ngành kế toán và ra trường xin được công việc đúng ngành tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Can Lộc. Qua một số hoạt động phong trào như văn nghệ, dẫn chương trình, anh được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phát hiện và đưa về làm việc tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tiếp tục làm kế toán.

Đại diện ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết, hàng năm cứ đến dịp lễ, Tết, lượng khách về Ngã ba Đồng Lộc lại tăng cao. Đặc biệt, trong những ngày tháng 7, trung bình mỗi ngày Khu di tích đón hơn 1.000 lượt khách.

Các cán bộ nhân viên, đặc biệt 11 thuyết minh viên ở Khu di tích, với kiến thức lịch sử sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bất kể nắng mưa, mỗi ngày các cán bộ thuyết minh của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đều có mặt từ sáng sớm cho đến khi những đoàn khách cuối cùng trong ngày ra về. 

Thời điểm đó Khu di tích mới thành lập, anh Tuân cũng mới ngoài 20 tuổi. Anh nhớ lại: “Hồi đó lượng khách đến viếng còn ít, công việc tôi làm liên quan đến các con số, khá rảnh rỗi thời gian. Không muốn thời gian trôi đi vô nghĩa, tôi tập thuyết minh về Khu di tích lịch sử này và được Trưởng ban phát hiện khả năng nói”.

Sau đó, anh làm song song hai nhiệm vụ, vừa là kế toán, vừa là thuyết minh viên của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Mãi đến năm 2003, anh Tuân mới nghỉ làm công việc liên quan đến sổ sách, số liệu để chuyên tâm làm thuyết minh.

Anh chia sẻ, ban đầu thuyết minh chỉ là công việc “tự phát”, anh biết đến đâu giới thiệu đến đó, nhưng những giọt nước mắt đồng cảm, xúc động và tình cảm của du khách đã khiến anh thay đổi suy nghĩ. Khi dấu chân đã đủ tạo nên con đường, khi tâm tư đã toàn ý với những câu chuyện lịch sử, anh quyết định ngưng nghề kế toán để chính thức bắt đầu sự nghiệp của một thuyết minh viên.

Mặc dù được trời phú cho chất giọng trầm ấm, quãng rộng, dễ chạm đến cảm xúc người nghe, nhưng với anh Tuân đó mới chỉ là yếu tố cần. Dù đã có bài thuyết minh chung của Khu di tích, nhưng anh luôn chú tâm học tập, nỗ lực tìm kiếm tư liệu lịch sử, tìm gặp nhân chứng để thu nhận cho mình những câu chuyện mới, những chi tiết độc đáo.

Từ đó anh bổ sung cho bài thuyết minh của mình thêm hoàn chỉnh để người nghe có thể hiểu thêm sự ác liệt tại chiến trường Đồng Lộc, phần nào tái hiện một thế hệ thanh niên anh hùng từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Câu chuyện lịch sử vốn đã rất xúc động, qua sự truyền đạt của anh Tuân dường như được thổi hồn thêm. Anh tâm sự: “Người ta vẫn nói, làm cho người cười đã khó, làm cho người khóc càng khó. Mình phải có cử chỉ, ánh mắt, miệng nói như một diễn viên, hơn hết phải nói bằng cả trái tim để câu chuyện đi vào lòng người nghe”.

Truyền lửa yêu thương

Rất nhiều du khách sau khi được nghe kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc đã rơi lệ, đã òa khóc nức nở, đã kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh oanh liệt của các nữ liệt sĩ và các lực lượng chiến đấu tại đây. 

Có bạn sinh viên sau khi trở về đã viết thư thể hiện sự trân trọng công việc của anh và các đồng nghiệp, đến nay anh vẫn nhớ như in bức thư có đoạn: “Cảm ơn các anh, chị đã mang lại cho em những xúc cảm tuyệt vời nhất khi đến Ngã ba Đồng Lộc. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 liệt nữ tại đây thật cảm động biết bao qua giọng kể của các chị. Em lại càng tự hào hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của dân tộc ta…”.

Đặc biệt, trong hàng nghìn bức thư du khách gửi về Đồng Lộc bày tỏ niềm thương mến đối với thuyết minh viên, anh Tuân ấn tượng với nội dung của một bạn trẻ: “Thường người ta dùng cưa, đục để làm nên bức tượng thì ở đây các anh đã dùng lời nói, cử chỉ, hành động để tạo nên bức tượng vô hình. Bức tượng đó sẽ hằn sâu vào trái tim của mỗi thanh niên để chúng em lấy đó làm điểm tựa, niềm tin, từ đó ra sức học tập, xây dựng đất nước”.

Anh Tuân cho biết, những tình cảm yêu mến, trân trọng của du khách đã tiếp thêm động lực cho anh và các thuyết minh viên tại Ngã ba Đồng Lộc. Với anh đó là món quà vô giá.

Chỉ vào chiếc nhẫn sẫm màu trên ngón tay, anh “bật mí” đó là món quà của một du khách cao tuổi sau khi vượt hành trình dài từ miền Nam ra viếng thăm Khu di tích. Quá xúc động khi đến thăm Đồng Lộc nên trước khi ra về du khách này đã gửi lại chiếc nhẫn cho anh Tuân kèm theo lời nhắn nhủ: “Mong cháu có sức khỏe để hoàn thành tốt công việc. Cháu hãy mãi mãi làm công việc này để cống hiến cho đất nước, xây dựng nền tảng cho thế hệ mai sau”.  

Anh Tuân bộc bạch, Đồng Lộc như quê hương của anh. Mỗi lần đi công tác xa anh lại nôn nao nhớ, mong ngóng trở về. Trở về để được chăm sóc phần mộ cho các chị, được đứng giữa mênh mông Đồng Lộc và cất lời kể những câu chuyện thấm đẫm máu và hoa của lịch sử. 

Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với việc 10 nữ thanh niên xung phong hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ

Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. 

Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, nên  Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá, gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa 24/7/1968, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đọc thêm