Người yêu sách cũng cần nâng cao ý thức... mua sách

(PLVN) - Sách lậu, sách giả tràn lan từ hè phố đến mạng xã hội. Ngoài yếu tố quản lý, còn phải kể đến tâm lý “ham của rẻ” mua bất chấp của một bộ phận người đọc.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Những kẻ làm sách giả, sách lậu đã góp phần tạo nên một thị trường sách “vàng thau lẫn lộn”. Trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng xử lý không xuể, khiến những kẻ này tiếp tục lộng hành ngoài vòng pháp luật. Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng xử lý người làm sách lậu kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, mà kẻ làm sách lậu thì như chân rết, chặt cái này mọc lên cái khác. Để tự bảo vệ mình, nhiều đơn vị làm sách đã phải “tự thân vận động”, tìm cách tố cáo, vây bắt đơn vị làm sách lậu.

Để mỗi một quyển sách ra được thị trường, đến được người đọc, phải trải qua rất nhiều khâu: Tư duy và lao động trí tuệ của tác giả, dày công biên tập, biên dịch của đội ngũ biên tập viên, rồi kiểm duyệt, giấy phép xuất bản, in ấn, phát hành, quảng bá… Thế nhưng, với những kẻ in lậu, chỉ đơn giản là “hớt váng”, lấy đi thành quả lao động của người khác làm lợi bất chính cho bản thân mình.

Việc sách lậu lan tràn khắp thị trường, được mua bán trao đổi rầm rộ còn có lý do từ một bộ phận người đọc sách ham rẻ và ý thức tiêu thụ sách chưa cao. Hầu hết, sách giả, sách lậu đánh vào tâm lý ưa chuộng hàng khuyến mãi, giảm giá, chấp nhận rủi ro. Thậm chí, nhiều người mua được khuyến cáo là sách lậu mà vẫn mua kì được, với tâm lý “lậu cũng được, miễn rẻ và đọc được là được rồi”.

Như trường hợp mới đây, tại một diễn đàn về đọc sách, một thành viên đã khuyến cáo cho mọi người một đơn vị bán sách lậu, nhưng bị một số người khác vào phản ứng, cho rằng nhờ những người làm sách lậu, thị trường mới có giá... cạnh tranh để người đọc dễ dàng mua hơn (!). Tuy nhiên, sản phẩm sách lậu khi mua về thường không thể sử dụng được vì in ấn quá sai sót, cẩu thả.

Theo khuyến cáo từ phía các đơn vị làm sách, ngoài những địa chỉ, trang đã công bố trên mạng, một số dấu hiệu nhận diện đơn vị bán sách lậu như sau: Các trang không thuộc một đơn vị phát hành sách chính thống hay nhà xuất bản nào. Các trang này thường có tên rất kêu như “Kho”, “Tổng kho”, “Thư viện”... sách.

Tại các trang này cũng thường xuyên chạy quảng cáo, giảm giá sốc, xả kho, bán theo kí, theo lô... Đối với trường hợp tìm mua sách bên ngoài, người đọc nên đến các nhà sách, hiệu sách uy tín. Không nên mua sách đổ đống tại các lề đường, hè phố vì đa số là sách giả, lậu.

Vì một thị trường sách trong sạch, lành mạnh, có lẽ, người đọc sách cũng cần nâng cao ý thức và nhận thức về chọn lựa, tiêu dùng sách. Đó cũng là sự ủng hộ đối với tác giả và những đơn vị làm sách chân chính.

Đọc thêm