Nhiều học sinh đang 'chê' Đại học

(PLO) - Theo thống kê, kỳ thi THTP quốc gia 2016 -2017, tỷ lệ số học sinh không lựa chọn thi đại học tại nhiều tỉnh thành tăng cao so với năm học trước.
Thí sinh trong kì thi THPT quốc gia năm nay.
Thí sinh trong kì thi THPT quốc gia năm nay.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá, tỷ lệ học sinh thi đại học giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào cái nhìn về bằng cấp đã thay đổi.

Có trường 100% chỉ xét tốt nghiệp

Tại Hà Nội, số thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không thi đại học là 16.390 em. Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (11.000 em). Điều này do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hòa Bình, 70% thí sinh không thi đại học, cụ thể là 5.600 thí sinh (trong tổng số 8.100 em). Tỷ lệ này tăng 10% so với năm ngoái. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, vì thuộc tỉnh miền núi nên học sinh ở đây có nhu cầu học đại học, cao đẳng không nhiều.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, năm nay toàn tỉnh có 12.744 học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 44%. Số lượng này tăng so với năm 2015. Trong đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường, tỷ lệ học sinh chỉ xét tốt nghiệp lên tới 90 - 100%. Hầu hết các trường trong toàn tỉnh đều có khá nhiều học sinh không xét đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Lý giải cho việc này, ông Vinh cho rằng công tác phân luồng, hướng nghiệp của tỉnh trong những năm qua diễn ra khá tốt và hiệu quả. Khi mà tại các trường, giáo viên hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu. Theo đó, ĐH không phải là con đường duy nhất đi đến thành công. Những em học lực trung bình, chúng tôi định hướng cho các em tốt nghiệp xong đi học nghề để nhanh chóng ra trường đi làm. Trong số 44% chỉ thi để xét tốt nghiệp, đa số các em chọn học nghề do các trường nghề có ưu đãi về học phí và liên kết với doanh nghiệp để cam kết ra trường có việc làm ngay.

Còn ông Nguyễn Đức Hoài - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Toàn tỉnh có 2.800/6.200 học sinh chỉ xét tốt nghiệp, chiếm 50%, tăng so với năm trước. Đa số các em thuộc huyện nghèo, huyện xa học lực yếu nên không chọn học ĐH. Có trường đến hơn 90% như Bác Ái, Thuận Bắc”.

Thí sinh đã bớt chạy theo bằng cấp ảo?

Hiện nay, cả nước có 412 trường ĐH,CĐ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH,CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, tỷ lệ học sinh thi đại học giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi. PGS Nhĩ đề xuất, Bộ GD-ĐT cần cải thiện việc phân luồng học sinh. Bởi lẽ, hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.

Mới đây, hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” đã thống kê quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Theo PGS Nguyễn Ngọc Quang, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tình trạng sa sút của giáo dục đại học có một phần trách nhiệm rất lớn của các trường ĐH, đặc biệt các trường công lập khi các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng.

Trong cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường ĐH chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. Hệ quả là một số trường công đua nhau tuyển giảng viên để tăng số lượng theo quy chế của Bộ mà coi nhẹ chất lượng giảng dạy, để từ đó có điều kiện tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và chất lượng đào tạo, dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao.

Hơn nữa, chương trình đào tạo của các trường ĐH thường xây dựng chưa được công phu, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động. Thông thường xây dựng chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp... Nhiều trường ĐH sử dụng chương trình còn sao chép của các trường khác, sau đó cắt bớt tỷ lệ % số tiết theo chủ quan của người xây dựng.

Và như thế, năm nay, với lựa chọn giảm xét tuyển ĐH, thí sinh ngoài việc đã biết lượng sức mình thì các em cũng đã có cái nhìn thực tế hơn trong việc tìm một nghề nghiệp, một công việc thiết thực hơn là câu chuyện bằng cấp ảo...

GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, ngày càng nhiều học sinh không chọn thi ĐH là khả quan. Bởi thực tế, nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào ĐH, nhiều người còn gọi là “phổ cập đại học”.Trong khi đó, phần “trống” là giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh, ít có chất lượng cao.

Đọc thêm