Nhiều trường đại học công bố hình thức tuyển sinh mới

(PLVN) - Ngoài việc xét tuyển theo học bạ và điểm thi Trung học phổ thông quốc gia (THPT QG), nhiều trường đại học (ĐH) công bố áp dụng thêm các hình thức tuyển sinh mới trong năm 2019.
Sẽ có nhiều thay đổi thi THPT quốc gia  2019? Ảnh minh họa.
Sẽ có nhiều thay đổi thi THPT quốc gia 2019? Ảnh minh họa.

Nhiều hình thức tuyển sinh mới

Theo đó, năm 2019, ĐH Kinh tế quốc dân áp dụng ba phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi THPT QG và xét tuyển kết hợp. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp là điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường năm nay.

Hồ sơ dự tuyển sẽ được nhận tại trường từ ngày 2/5 đến ngày 15/7, áp dụng cho hai đối tượng. Đối tượng một là thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài Truyền hình Việt Nam và có tổng điểm thi THPT QG 2019 của ba môn bất kỳ (trong đó có môn toán) đạt từ 18 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên). 

Tiếp đó là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/6/2019) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFT ITP 550 trở lên hoặc TOEFL IBT 90 trở lên; đồng thời, có tổng điểm thi THPT QG năm 2019 của môn toán và một môn bất kỳ (trừ môn tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).

Năm 2019, ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh thêm 7 chương trình mới học bằng tiếng Anh, gồm: Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Quản trị khách sạn quốc tế, Phân tích kinh doanh, Kinh doanh số, Quản trị chất lượng và Đổi mới.

Các chương trình được xây dựng theo hướng liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành, phù hợp với thời đại công nghệ số. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn duy trì tuyển sinh 2 chương trình đặc thù đào tạo bằng tiếng Anh (được thực hiện từ năm 2017 và 2018) là Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế và Quản trị điều hành thông minh.

Năm 2019, ĐH Quốc gia TP HCM sẽ lần đầu tiên áp dụng xét tuyển thí sinh có các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, BI, A-Level... đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm ở THPT và có hạnh kiểm tốt. Trường vẫn tiếp tục sử dụng bốn phương thức tuyển sinh đã được áp dụng từ năm 2018, gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế, xét tuyển dựa trên điểm thi THPT QG, dựa trên điểm bài thi đánh giá năng lực do trường này tổ chức và theo quy chế ưu tiên dành riêng cho học sinh các trường THPT chuyên, 100 trường THPT có điểm trung bình thi THPT cao nhất cả nước. Như vậy, năm 2019, ĐH QG TP HCM sẽ có tới năm phương thức tuyển sinh khác nhau.

Còn ĐHQG Hà Nội bổ sung xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn toán hoặc môn ngữ văn).

Và theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH sẽ phải công khai phương thức tuyển sinh, ngành nghề và chỉ tiêu đào tạo, mức học phí... Thí sinh có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về ngành học, trường mình quan tâm trên cổng thông tin điện tử của trường.

Không dễ dãi xét tuyển tốt nghiệp và siết chặt chấm thi

Dự thảo Quy chế thi đang được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đến hết ngày 31/3/2019. Theo Bộ GD-ĐT, nhiều khả năng việc xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019 sẽ có sự thay đổi so với các năm trước với điểm của kỳ thi tăng lên 70%, điểm học bạ chỉ chiếm 30%.  

Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Trong dự thảo quy chế mới của Bộ GD-ĐT cũng có điều chỉnh về điểm cộng đối với học viên giáo dục thường xuyên trong diện tham gia học đồng thời chương trình trung cấp nghề kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Ngoài ra, đối với điểm phúc khảo cũng được quy định chặt chẽ so với các kỳ thi năm trước. 

Thay đổi đáng chú ý là ở quy trình chấm thi với những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế những sai sót và tiêu cực như đã từng xảy ra ở kỳ thi năm trước. Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH. 

Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hàng năm của Bộ GD-ĐT; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ bảo đảm an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm. Các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp.

Đồng thời, nhằm siết chặt quy trình chấm thi để hạn chế xảy ra tiêu cực, một trong những nội dung dự kiến điều chỉnh được nêu tại dự thảo thông tư là nhiệm vụ và quyền hạn của ban thư ký hội đồng thi. Những người tham gia ban thư ký hội đồng thi không được tham gia ban làm phách, ban chấm thi tự luận, ban chấm phúc khảo bài thi tự luận. 

Đọc thêm