Những điểm mới về thi THPT Quốc gia 2018

(PLO) - Kì thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 24-27/6/2018. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết tuyển sinh năm 2018, Bộ sẽ ban hành quy luật phát đề thi cho thí sinh, đổi mới việc bảo mật bài thi, lưu giữ chữ ký của cán bộ chấm thi, siết chặt thanh tra thi… để tránh tối đa những tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Nếu giám thị cẩn trọng, không khó để phát hiện tiêu cực thi cử. Ảnh minh họa.
Nếu giám thị cẩn trọng, không khó để phát hiện tiêu cực thi cử. Ảnh minh họa.

Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

Bộ GD-ĐT mới thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2018. Đại diện Bộ GD-ĐT đã giải đáp nhiều băn khoăn của báo chí liên quan đến các khâu chuẩn bị cho kỳ thi, từ việc ra đề, in sao, bảo mật đề thi, công tác coi thi, thanh tra thi… Ông Nam Nhật Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho biết: Về cơ bản kì thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017; tuy nhiên có một số điểm mới nhằm tăng cường công tác đảm bảo, bảo mật tính công bằng, khách quan và chặt chẽ hơn.

Theo đó, thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như trong năm 2017. Giữa các môn thi thành phần, giám thị sẽ thu lại toàn bộ giấy nháp thi, đề thi, tài liệu, vật dụng mà thí sinh có ghi chép lại dấu hiệu của môn thi trước. Ông Nam Nhật Minh cho biết: “Năm 2017, quy chế quy định giám thị sẽ thu lại giấy nháp và đề thi nhưng theo phản ánh thí sinh có thể chép lại đề thi môn trước lên giấy báo dự thi, mặt bàn… Vì thế, toàn bộ vật dụng có dấu hiệu ghi chép lại sẽ đều bị thu hồi. Điều chỉnh này phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, tránh các bất cập có thể xảy ra”.

Ngoài ra, phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ đóng niêm phong như với đề thi, đảm bảo mỗi một thí sinh chỉ có 1 phiếu trả lời trắc nghiệm trong 1 bài thi, môn thi thành phần. Trong trường hợp bị lỗi, rách…, thí sinh sẽ được đổi phiếu dự phòng do trưởng điểm thi quản lý và phải có biên bản thay đổi.

Về quy luật phát đề thi cho thí sinh, đặc biệt với các bài thi trắc nghiệm được quy định trong hướng dẫn thực hiện quy chế. Thứ tự phát đề thi sẽ được vẽ sơ đồ quy định rõ ràng, tránh việc giám thị cố tình chọn một mã đề nào đó để phát cho thí sinh.

Điểm mới tiếp theo là cán bộ giám sát tại các điểm thi phải có thêm thành phần từ các trường cao đẳng, đại học. Bộ GD-ĐT tiếp tục siết chặt trong công tác chấm thi và bảo quản bài thi. Cán bộ coi thi và chấm thi phải đăng ký chữ ký và được lưu giữ lại cùng với bài thi tuyển sinh.

Bên cạnh đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12; nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Năm nay, Bộ đã công bố đề thi tham khảo từ 24/1, do vậy không gây sốc hay xáo trộn lớn cho học sinh và thí sinh. Thí sinh cũng đặc biệt lưu ý, đã đăng ký dự thi cả 2 bài tổ hợp KHTN và KHXH thì phải thi đầy đủ 2 bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Điểm thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân; điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Bộ GD-ĐT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, đặc biệt trong công tác đăng ký dự thi, các công tác chuẩn bị cho hoạt động tổ chức thi, ra đề thi và chấm thi. Ngân hàng câu hỏi thi cũng được tiếp tục xây dựng, làm cơ sở cho Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia tham khảo để ra đề thi; nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm nhằm tăng độ tính chính xác, khách quan trong chấm thi.

Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao

Mỗi Hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra do Giám đốc Sở GD-ĐT trưng tập

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT quy định, 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát do điểm trưởng chỉ đạo. Họ có quyền giám sát việc làm của giám thị và các lực lượng khác, có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu không thực hiện đúng quy định. Thanh tra Sở GD-ĐT sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, từ điểm trưởng, giám thị đến giám sát và các đối tượng liên quan.

Đồng thời, điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2018 năm nay là mỗi Hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra do Giám đốc Sở GD-ĐT trưng tập (1 của địa phương, 1 của trường đại học phối hợp). Như vậy cả nước có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi. Bên cạnh thanh tra cắm chốt, Sở GD-ĐT thành lập các đoàn thanh tra lưu động.

Ở các khu vực khó khăn hoặc chỗ nào phát sinh vấn đề thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt. Đồng thời Bộ GD-ĐT quy định mỗi Sở GD-ĐT phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý. Về chấm thi, Bộ cũng cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. 2 cán bộ thanh tra này được trưng tập từ các trường đại học. 

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, để đảm bảo công bằng, nghiêm túc cho tất cả các thí sinh thì cần nhiều giải pháp. Thanh tra, kiểm tra là một trong các giải pháp quan trọng. Theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát, trong đó thanh tra là lực lượng nòng cốt.

“Kỳ thi nghiêm túc thì phải nghiêm túc từ trong phòng thi, ra đến ngoài cổng trường. Vai trò của giám thị vô cùng quan trọng. Theo quy chế thì mỗi phòng thi có 24 thí sinh do 2 giám thị phụ trách. Nếu các giám thị giám sát kĩ từ khi gọi thí sinh vào phòng thi, tập trung giám sát quá trình làm bài thì không khó phát hiện thí sinh có hành vi gian lận, kể cả gian lận bằng công nghệ cao”, ông Nguyễn Huy Bằng khẳng định.

Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức một số đoàn thanh tra đi thanh tra, kiểm tra các điểm thi. Bước đầu cho thấy các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo của Bộ và quy chế thi, đã thành lập các Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, phối hợp các trường đại học bố trí lực lượng làm thi, bắt đầu bước vào giai đoạn in sao đề thi.

Tuy nhiên, qua kiểm tra ở một số địa phương, vẫn còn bộc lộ một số sai sót như một số điểm thi sát nhà dân; khu vực in sao đề thi dùng nhiều năm, phương tiện ngăn cách không đảm bảo; thậm chí có nơi phát hiện cán bộ được bố trí làm thi tại điểm thi có con thi ở đó… 

Bên cạnh đó, trước câu hỏi của báo chí về việc hiện nay với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi, phía Bộ GD- ĐT đã có những biện pháp gì để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, chống gian lận?

Về điều này, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nghiệp vụ coi thi cho lực lượng giám thị. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trông thi, hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng quy chế, giám thị cũng được chia sẻ những kinh nghiệm để phát hiện việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử.

“Việc gian lận diễn ra ở nhiều nơi, không riêng ở Việt Nam. Để giảm việc này, Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền để thí sinh và cả giám thị làm thi đều phải nghiêm túc. Việc gian lận có thể đến từ thí sinh như mang tài liệu vào phòng thi, chép bài của thí sinh khác, hay tinh vi hơn là sử dụng các thiết bị công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài và tuồn đáp án vào trong phòng thi. “Năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận hay những thiết bị mắt thường nhìn thấy như máy tính thông thường nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng”. 

Lý giải về vấn đề gian lận trong thi cử khó tránh khỏi, ông Bằng nhìn nhận do số lượng thi rất đông nên năm nào cũng xuất hiện. Không ai mong muốn những bất trắc, gian lận, nên việc này sẽ giảm đi nếu làm tốt việc tuyên truyền. Theo đó, ông Bằng chỉ ra những vi phạm có thể xảy đến ở nhiều trường hợp như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này đưa cho thí sinh khác, chấm thi không đúng,… trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, thi hộ thi kèm. Và Thanh tra Bộ cũng từng phát hiện các thiết bị có thể được ngụy trang bằng nhiều cách. Có thí sinh chuẩn bị những máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể phát truyền thông tin. Năm ngoái ở Quảng Nam, chính Thanh tra Bộ đã phát hiện ra thiết bị như vậy. Cũng ở Quảng Nam, có trường hợp dùng tai nghe không dây như hạt đậu phải dùng nam châm hút ra, chứ không có cách gì lấy ra được. 

Ông Bằng cũng lưu ý, khi thí sinh sử dụng những thiết bị đó hay có ý đồ xấu thì chắc chắn có những dấu hiệu bất thường. “Giả sử máy tính thì chỉ cần để trên bàn, nhưng khi cần dùng nó cho việc chụp ảnh thì sẽ buộc phải nâng cao máy lên. Nếu 2 giám thị quan sát thì có thể phát hiện ra ngay. Hay giả sử thí sinh có dùng tai nghe dạng không dây thì trong quá trình truyền thông tin ra có thể phải lẩm bẩm miệng để đọc nội dung và trao đổi về đề. Giám thị trách nhiệm và chú ý có thể phát hiện ra bất thường. Nhiều em khi bị phát hiện chống chế là em bị “tự kỉ ám thị”, phải lẩm bẩm mới nhớ bài hoặc tập trung làm bài. Hoặc cũng có những trường hợp, bằng mắt thường quan sát có thể thấy quần áo cộm, thậm chí có em giấu vật dụng gian lận trong gấu quần…”.

Do đó, trước khi vào phòng thi, giám thi cũng cần quán triệt các thí sinh, tránh trường hợp có thể không cố tình nhưng quên dẫn đến hệ quả đáng tiếc. Nếu giám thị nghiêm và chú ý sẽ phát hiện các hiện tượng này. Khi em nào có ý đồ gian lận thì có thái độ bất thường. Do đó, giám thị cần tập trung ngay từ đầu thì sẽ hạn chế hơn. Với trường hợp sự việc diễn ra thì cán bộ coi thi và giám thị cũng không nên mất bình tĩnh, làm ảnh hưởng tới tất cả phòng thi bởi mỗi thí sinh mỗi đề. Nếu giám thị thấy có dấu hiệu đặc biệt thì có thể làm biên bản để mời thí sinh ra ngoài và kịp thời thông báo cho điểm trưởng và phối hợp với Công an PA83 vào cuộc để khoanh vùng. Bởi theo ông Bằng “người làm sai luôn để lại dấu vết”. 

Đọc thêm