Những đứa trẻ 'không được lớn'

(PLO) - Việc tự ý quyết định cho con cái mà không hề lắng nghe ý kiến của con là một hiện tượng tương đối phổ biến, thể hiện việc thiếu tôn trọng con cũng như tính gia trưởng của nhiều gia đình Việt Nam. Thậm chí, khi những đứa trẻ đã trưởng thành và có cuộc sống của riêng mình, chúng vẫn phải chịu những áp đặt vô lý. Thậm chí, có những ông bố bà mẹ đòi cắt đứt quan hệ với con cái chỉ vì chúng “không nghe lời”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bất mãn vì con đi làm lương không được vài chục triệu

Ngày 10/3 vừa qua, Thanh Huyền, 23 tuổi, quyết định rời nhà ra đi, bởi cô đã không thể chịu đựng được nữa những áp đặt của bố về công việc và cuộc sống của mình.   

Sau khi tốt nghiệp đại học, Huyền xin vào làm thực tập marketing tại một công ty bảo hiểm có uy tín ở trong thành phố. Bởi vì mức lương không được vài chục triệu như “mọi người hay kể”, bố Huyền thường xuyên phàn nàn, tạo áp lực bắt Huyền nghỉ việc về làm cho nhà hàng của gia đình. Mỗi khi bày tỏ quan điểm với bố mẹ là muốn đi làm công ty học hỏi để có kinh nghiệm, bố cô gạt phắt đi, thậm chí còn thường xuyên dọa nạt sẽ đuổi ra khỏi nhà, “không bố con gì nữa” nếu cô không nghe lời.

Đỉnh điểm là khi cô quyết định chuyển ra khỏi nhà một thời gian để giảm bớt căng thẳng. Huyền không thể ngờ rằng mẹ lên công ty làm náo loạn, khóc lóc nói cô không nghe lời gia đình, bỏ nhà đi. Cảm thấy xấu hổ trước những ánh nhìn có soi mói, có thương hại, có đồng tình, có bất bình của đồng nghiệp, Huyền gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng sau 6 tháng làm việc, đúng thời điểm công ty đang cân nhắc tuyển cô vào làm chính thức.    

Cảm thấy tù túng và bức bối, Huyền chia sẻ với mẹ ý muốn ra miền Bắc sống và làm việc. Mẹ cô không hài lòng. Lúc ra đi, bố Huyền cũng không hề nhẹ nhàng: “Mày đủ lông đủ cánh rồi thì biến đi cho khuất mắt tao!”.

Huyền cho rằng, ngày nay, những chiếc roi mây để thể hiện “tình thương yêu” của bố mẹ tuy đã không còn phổ biến, nhưng sự áp bức bằng lời mắng chửi, chì chiết hay thái độ cô lập, thờ ơ của bố mẹ, cũng làm tổn thương đến con cái sâu sắc không kém gì những đòn roi ngày xưa. 

Không cho con đi làm vì sợ con bị “bắt nạt”

Cha mẹ quan tâm, yêu thương con cái chưa bao giờ là sai trái. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra bao bọc thái quá, mà không nhận ra rằng họ đang tước đi những cơ hội cho con cái rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và bản lĩnh để trưởng thành một cách đúng nghĩa.

Bình luận về trường hợp những đứa trẻ “không được lớn”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM phân tích: “Khi con trẻ vào đời, đi làm, lập gia đình, nghĩa là trẻ cần cuộc sống độc lập. Bố mẹ không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho trẻ để con cái ỷ lại, mè nheo và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống. Chính con trẻ biết mình cần gì, muốn gì, thích gì và chung sống với ai là phù hợp. Điều đó sẽ giúp con cái sống đúng nghĩa với hạnh phúc của mình. Con cái cần được tôn trọng. Sự tôn trọng này cũng là thương yêu”.

Nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam có thói quen quyết định thay cho con cái, họ khăng khăng áp đặt định kiến và kì vọng của mình mà không hề đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu suy nghĩ, cảm nhận, mong muốn của chúng. Nhiều đứa trẻ mặc dù đã khôn lớn nhưng vẫn không được lắng nghe, không được công nhận. Phải chăng đây là một sai lầm rất phổ biến trong cách giáo dục con cái ở độ tuổi trưởng thành mà các bậc phụ huynh cần phải xem lại? Thay vì la mắng, đay nghiến hay bao bọc, chở che, phải chăng các bố mẹ nên học cách kiềm chế và lắng nghe hay quan sát nhiều hơn để thấy các con đang nỗ lực để trưởng thành như thế nào?.

Đọc thêm