Những lưu ý quan trọng đối với thí sinh vào lớp 10

(PLVN) - Để tránh những sai sót trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, các thí sinh cần đến đúng giờ, chuẩn bị các vật dụng cần thiết.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Số lượng thí sinh dự thi

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM (tính đến ngày 30/6), có 82.303 học sinh đăng ký  dự thi vào lớp 10. Trong đó, 74.912 học sinh đăng ký thi vào lớp 10 chương trình đại trà, 6.524 học sinh đăng ký thi lớp 10 chuyên, 857 thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 chương trình tích hợp.

Sở GD&ĐT TP HCM huy động 11.446 cán bộ nhân viên tham gia coi thi và 3.430 giáo viên chấm thi. Toàn thành phố sẽ có 135 điểm thi với 3.191 phòng thi.

Trong khi đó, tại Hà Nội, theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), kỳ thi năm nay có khoảng 89.000 thí sinh dự thi, trong đó khoảng 65.000 học sinh đỗ vào lớp 10. Như vậy, sẽ có khoảng 24.000 thí sinh trượt suất học trường công trong kỳ thi này. 

Tuy nhiên, chỉ có một số trường tốp đầu như: Chu Văn An, Kim Liên, Yên Hòa, Nhân Chính, Thăng Long, Việt Đức… có lượng học sinh đăng ký NV1 vào khá cao.

Về thời gian thi

Kỳ thi vào lớp 10 ở TP HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/7. Thí sinh làm bài thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và môn chuyên (nếu đăng ký thi vào trường chuyên).

Theo quy định của Sở GD&ĐT TP HCM, 9h30 ngày 15/7 học sinh phải có mặt ở phòng thi để nghe phổ biến quy chế và kiểm tra thông tin cá nhân.

Thời gian bắt đầu mở đề thi cho môn thi vào buổi sáng là 7h40, môn thi vào buổi chiều là 13h40. Do vậy, thí sinh cần đến phòng thi trước thời gian này.

Thời gian phát đề thi là 7h55 (buổi sáng) và 13h55 (buổi chiều). Thí sinh bắt đầu làm bài thi môn thi buổi sáng lúc 8h, môn thi buổi chiều lúc 14h.

Sở GD&ĐT TP HCM lưu ý, trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn, nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì cán bộ coi thi lập biên bản cho thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp đến muộn (thí sinh có mặt tại cổng điểm thi) quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Còn tại Hà Nội, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ trong 2 ngày 17 và 18/7. Sáng 17/8, thí sinh thi môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận, thời gian 120 phút; chiều thi Ngoại ngữ, thời gian 60 phút; sáng 18/7 thi môn Toán, thời gian 120 phút.

Học sinh, trước ngày thi, đúng 9h sáng 16/7, thí sinh có mặt tại phòng thi để làm thủ tục dự thi, nghe quy chế thi và đính chính thông tin sai sót nếu có.

Vật dụng được mang vào phòng thi

Các vật dụng được mang vào phòng thi gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

Sau khi được phát đề thi, thí sinh kiểm tra nếu thấy đề bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ, phải lập tức báo cho cán bộ coi thi để kịp xử lý.

Nếu không phát hiện hoặc để quá sau khi phát đề 5 phút, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.

Thí sinh không được mang những vật dụng cấm vào phòng thi như: vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, bút xóa tài liệu, thiết bị công nghệ có khả năng gian lận trong quá trình làm bài thi. Thí sinh nhìn bài, trao đổi bài sẽ bị nhắc nhở, thậm chí lập biên bản.

Quá trình dự thi, thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi. Khi mang điện thoại vào phòng thi, nếu không sử dụng nhưng điện thoại có chuông kêu lên, bị phát hiện, thí sinh cũng sẽ bị lập biên bản. 

Ông Phạm Hồng Chung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, đề thi năm nay gồm các câu hỏi chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS, chủ yếu chương trình lớp 9 đã được tinh giản. Đề được xây dựng trên cơ sở bám sát chỉ đạo về tinh giản kiến thức, kỹ năng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Do đó, thí sinh cần bình tĩnh ôn tập trong giới hạn nội dung ôn tập.

Đọc thêm