Phát triển giáo dục thông minh: Nhận diện rào cản

(PLVN) - Giáo dục thông minh (GDTM) đang là một xu thế tất yếu của thời đại và thực tế việc ứng dụng công nghệ trong dạy học đã triển khai nhiều năm trước nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Vậy đâu là vấn đề cốt lõi để phát triển GDTM? Vì sao lại có sự “giậm châm” thời gian qua? 
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục là xu thế tất yếu.
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục là xu thế tất yếu.

TP HCM tiên phong

TP HCM là một trong những địa phương sớm xác định và có động thái đầu tư xây dựng nền tảng cho phát triển giáo dục. Nhiều giải pháp như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá.

Địa phương này cũng là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng, công bố kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin của ngành; phối hợp với các đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn ngành… được áp dụng tại thành phố. 

Đồng thời, năm học 2020-2021 được TP HCM xác định hướng đến phát triển GDTM, tại hội thảo về GDTM vừa diễn ra, lãnh đạo thành phố đã nhấn mạnh một số nội dung như: Sẽ tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học, dành hơn 25% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi đầu tư xây mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học và nhất là mua sắm các trang thiết bị dạy - học hiện đại, phát triển toàn diện các kĩ năng… 

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM nhấn mạnh, địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong dạy và học, đồng thời hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. Sắp tới, sẽ triển khai rộng hệ thống thẻ học đường thông minh với nhiều tiện ích giúp quản lý hiệu quả hoạt động học tập cũng như sinh hoạt của học sinh và điều hành hoạt động nhà trường nói chung.

Thực tế, cho đến nay, công nghệ đã cực kì phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Nhiều trường học quốc tế, đơn vị giáo dục tư nhân hoặc những trường điểm trong giáo dục cũng đã có sự ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và đưa ra nhiều kết quả tốt.

Đó là việc ứng dụng Internet Of Things (Internet vạn vật) giúp tăng cường an ninh trong các trường học, theo dõi hành vi của học sinh, quản lí, giám sát nơi ở hay hành động của mỗi học sinh; Big data giúp phân tích hành vi học tập của học sinh để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp. 

Bên cạnh đó, còn có ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong giáo dục để tạo dựng các phòng thí nghiệm ảo, mô hình thực tế ảo có khả năng tương tác với người dùng hay các cuốn sách thực tế ảo, phần mềm dạy khoa học vũ trụ…

Những công nghệ này đang dần trở nên quen thuộc trong ngành giải trí, trong sinh hoạt ấy cần được ứng dụng sâu rộng hơn nữa vào giáo dục để đưa lĩnh vực này tiến thêm một bước nữa, bắt nhịp cùng thời đại.

Thời điểm “bản lề” để phát triển giáo dục

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục, hướng đến giáo dục thông minh đã được xác định từ khá nhiều năm trước đây. Cách đây 9 năm (năm học 2008 – 2009), Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động “năm học công nghệ thông tin” với mong muốn tạo ra bước đột phá trong đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, cả một quãng thời gian khá dài, việc thay đổi giáo dục bằng công nghệ dường như “giậm chân” khi thay đổi hầu như chỉ là thay phấn viết bảng bằng màn hình trình chiếu, thay giáo án viết tay bằng giáo án điện tử. 

Hội thảo về GDTM vừa diễn ra tại TP HCM.
 Hội thảo về GDTM vừa diễn ra tại TP HCM.

Những khó khăn về cơ sở vật chất, năng lực giảng dạy cũng như tư duy người làm giáo dục đã khiến con đường hướng đến GDTM bị chậm bước. Một thực tế tồn tại nữa là việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục không đồng bộ tại các địa phương, thậm chí tại các tuyến trường khác nhau trên cùng một địa phương. 

Tại các trường học nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã là chuyện khá xa vời, nói gì đến giáo dục công nghệ cao, GDTM. Hoặc như bậc giáo dục mầm non đang được đánh giá có mức độ “phổ cập công nghệ” thấp nhất so với các bậc giáo dục còn lại. Nhiều trường ở các thành phố lớn, máy tính được nối mạng 100%, nhưng lại thiếu… giáo viên phụ trách công nghệ, thế nên vẫn điều hành theo thói quen cũ. 

Cũng tại TP HCM, có những trường mà học sinh được tiếp cận công nghệ từ rất sớm, như Trường chuyên Lê Hồng Phong, cả năm nay học sinh đã được tiếp cận với (AI), Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật ứng dục cách dạy mới tăng tương tác bằng công nghệ từ nhiều năm nay. Nhưng bên cạnh đó, lại có những trường vẫn chưa thoát khỏi cách dạy cũ từ 5 năm trước.

Với sự quyết tâm lớn của những người đầu ngành Giáo dục, hiện nay có thể coi là thời điểm “bản lề” của đổi mới giáo dục từ cũ sang mới, từ thủ công sang công nghệ cao, đánh dấu bước chuyển mình của giáo dục Việt. GDTM cũng là một trong những hạt nhân trong quá trình các đô thị lớn xây dựng thành phố thông minh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Lê Hồng Sơn: Giáo dục phải đi trước trong xây dựng đô thị thông minh

TP HCM đang triển khai Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh”. Trong đó, giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Nắm bắt được yêu cầu này, thời gian qua, giáo dục phổ thông của thành phố đã sớm nhận thức, tập trung đầu tư một cách toàn diện để xây dựng và phát triển GDTM. 

Mặc dù còn nhiều rào cản, thách thức nhưng để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế, giáo dục phổ thông TP HCM chắc chắn phải đầu tư, đẩy mạnh GDTM nhằm đáp ứng những thay đổi trong hệ thống giáo dục hiện đại như chương trình và nội dung giáo dục, học liệu và phương tiện dạy học, phương pháp và hình thức dạy học… 

Đọc thêm