Phụ huynh ức chế, giáo viên vất vả khi con trẻ học online

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều phụ huynh than phiền việc con học online nhiều lần bị out khỏi lớp học, học như chơi; trong khi giáo viên đau đầu tìm cách giảng dạy cho phù hợp.
Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Phụ huynh ức chế

Xuất hiện ca dương tính với Sars-Cov-2, Hà Nội cho học sinh tạm dừng tới trường, chuyển sang học online. Chị Nguyễn Thị Phương (35 tuổi, quận Cầu Giấy) dùng điện thoại của mình cho con học trực tuyến. Nhưng bé trai mới học được nửa tiếng thì người mẹ có cuộc gọi đến. Con bị out ra khỏi lớp.

Chị nhắn tin liên tục xin cô cho con vào lớp nhưng không được. Suốt cả tiết học đó, con chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại để đợi cô cho vào lớp mà không được chấp nhận. Con cáu ầm ĩ, mẹ cảm thấy sốt ruột, ức chế. 

Cuối giờ học, chị nhận được tin nhắn trên lớp: Con là một trong những học sinh không tương tác trên lớp và sẽ bị nhận xét, đánh giá vào kết quả cuối năm học. Không chỉ 1 môn mà nhiều môn khác con chị Phương cũng liên tục bị out ra khỏi lớp khiến con cảm thấy nản và cáu kỉnh.

Anh Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi, quận Hoàng Mai) có con gái năm nay học lớp 3 cho biết từ khi trường chuyển sang học online cũng vất vả hơn. Anh chia sẻ: “Thời gian học chủ yếu của cháu từ 8h30 đến 10h30, lúc đó bố mẹ cũng đi làm nên bé không có thiết bị học tập. Đến khi khắc phục được máy tính cho cháu thì bé lại không nhớ thao tác để vào lớp học, phải gọi điện liên tục cho cô”.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh không được nghỉ nên nhờ ông bà trông cháu giúp. Bà Nguyễn Thị Thu (70 tuổi, quận Đống Đa) trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát trở lại kiêm luôn việc ở nhà trông 2 cháu học để vợ chồng con trai đi làm. 

"Tôi chủ yếu chỉ trông cháu thôi chứ việc nó học trên máy tính thì có biết gì đâu. Thi thoảng vào kiểm tra thì thấy anh, em nó cãi nhau chí choé, cô giáo thì vẫn giảng bài. Chưa kể có hôm vào thấy cả lớp đã out mà thấy cháu vẫn còn ngáy khò khò không biết ngủ từ bao giờ”, bà Thu than thở.

Giáo viên vất vả khi dạy online

Cô Nguyễn Thị Hoà (42 tuổi, huyện Đông Anh) cho biết với học sinh tiểu học việc dạy online gặp khó khăn trong truyền tải kĩ năng, kiến thức cho các con vì các con phải luyện viết, tập đọc. “Khi học trực tuyến, khả năng tương tác giữa học sinh và giáo viên bị hạn chế, chưa kể đến nhiều khi mạng internet chập chờn. Việc nhận xét, đánh giá đọc – viết để chỉnh sửa lỗi học sinh bị ảnh hưởng nhiều”, cô Hoà nói.

Hơn nữa, theo cô Hoà, việc dạy online đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị giáo án, bài giảng chu đáo còn cần chuẩn bị kỹ năng mềm khác như sử dụng máy tính, khắc phục lỗi trong quá trình giảng dạy. Cô Hoà nói thêm: “Sau quá trình giảng dạy online, giáo viên còn mất rất nhiều thời gian đốc thúc phụ huynh gửi nội dung bài học để cô chỉnh sửa, nhận xét. Hơn nữa, thời gian này học sinh chuẩn bị thi nên chương trình học cũng thay đổi”.

Còn theo lời một giáo viên, với học sinh cấp 2 hoặc cấp 3 thì lượng kiến thức cần truyền tải đến học sinh là rất lớn. Các kĩ năng về công nghệ thông tin cũng như phần bổ trợ của các phần mềm dạy học online không đáp ứng được hết để giáo viên truyền tải kiến thức cho học sinh.

Đọc thêm