Sách 'rác' phát hành rồi thu hồi, tác hại còn đó

(PLO) - Liên tục những quyển sách có nội dung xấu, phản cảm được xuất bản, đến tay người đọc cho thấy sự lỏng lẻo của cả một hệ thống xuất bản trong thời gian qua. Là do sự sơ suất của nhà xuất bản, hay căn bản, vì lợi nhuận mà phải “nhắm mắt làm ngơ”?
Tập sách “Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” do NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản bị người đọc phản ứng vì có nhiều nội dung dâm ô, thô tục bên trong.
Tập sách “Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” do NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản bị người đọc phản ứng vì có nhiều nội dung dâm ô, thô tục bên trong.

Thu hồi hàng loạt

Hồi cuối tháng 5, quyển sách “Miếng ngon Hà Nội” do NXB Dân Trí cấp phép, nhà sách Minh Thắng phát hành đã bị người đọc phát hiện một lỗi nghiêm trọng nằm trong nội dung sách. Đó là một đoạn viết có dụng ý chính trị xấu, bôi nhọ lịch sử. Đáng nói, đoạn viết đó không phải nằm trong nguyên tác tác phẩm của cụ Vũ Bằng mà chỉ mới xuất hiện ở lần thứ 3 tái bản. Ngay sau đó, quyển sách đã bị thu hồi, xử phạt 270 triệu đồng đối với các đơn vị xuất bản.

Sự việc chưa lắng dịu, mới đây, người đọc lại “phát sốt” với một ấn bản phẩm ngoài bìa là sách về Phật giáo, nhưng bên trong lại chứa đựng nội dung không lành mạnh. Tập 1 quyển sách “Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” của tác giả Hoàng Anh Sướng do NXB Hội Nhà Văn xuất bản, Công ty Limbook (Hà Nội) phát hành, được người đọc phát hiện có rất nhiều nội dung thô tục, miêu tả chuyện phòng the, bản năng con người, thậm chí miêu tả... bộ phận sinh dục một cách rất thản nhiên, bằng những từ ngữ dung tục của văn nói chứ không phải văn chương.

Đáng nói là quyển sách này nằm trong bộ ba quyển, rất dày và giá thành không thấp. Quyển sách này lại được giới thiệu trên nhiều trang mạng, như là một “tập phóng sự chứa đựng sự thật”. Đã có không ít người đọc mua về mới tá hỏa về nội dung bên trong.

Trước đó hơn một tháng, một quyển sách thiếu nhi đã khiến các thầy cô phải “hốt hoảng” khi có nội dung hướng dẫn trẻ làm thí nghiệm, nhưng cung cấp sai các nguyên liệu thí nghiệm, nếu làm trên thực tế có thể gây cháy nổ nguy hiểm. Quyển sách “xui dại” mang tên “Khoa học vui – Nhà hóa học tí hon” của Nhà xuất bản Mỹ thuật cấp phép đã bị thu hồi ngay sau đó.

Trong thời gian qua, không ít lần cơ quan quản lý phải ra lệnh thu hồi, tiêu hủy các ấn bản sách có sai phạm. Năm 2016, quyển “Madam Nhu - Quyền lực bà Rồng” phiên bản in lần đầu đã bị thu hồi vì bản dịch trúc trắc, sai và tối nghĩa. Cũng trong năm 2016, Bộ sách “Trắc nghiệm thông minh – Tư duy sáng tạo”, Công ty CP Sách Alpha phát hành đã bị thu hồi vì nội dung sách chứa quá nhiều nội dung chết chóc, phản cảm, không hề phù hợp với việc giáo dục, nâng cao tư duy nhận thức thiếu nhi như tiêu chí quyển sách đề ra.

Một quyển sách khác dành cho thiếu nhi là “Mười vạn câu hỏi vì sao” do NXB Hồng Đức cấp phép cũng đã  bị thu hồi bởi những lỗi nghiêm trọng trong kiến thức thường thức. Danh sách các quyển sách bị thu hồi còn dài dằng dặc với đủ các sai phạm, như in nhầm ảnh chế, từ điển nhưng sử dụng ngôn ngữ... tuổi teen, có nội dung mê tín dị đoan...

Thu hồi chỉ là biện pháp “cứu vãn tình thế”

Theo quy định, một quyển sách, để bước ra thị trường, đến tay người đọc phải qua quá trình xét duyệt của đơn vị xuất bản và được cấp phép. Nhà xuất bản có nhiệm vụ đọc bản thảo, xem xét các khía cạnh, đặc biệt xem ấn phẩm có nằm trong danh mục sách bị cấm xuất bản hay không, sau đó mới chấp nhận cấp phép.

Quy trình là thế nhưng trên thực tế, nhiều năm nay, chủ yếu, sách do các đơn vị phát hành thực hiện nội dung từ A-Z, nhà xuất bản chỉ thông qua về mặt “thủ tục” mà thôi. Chỉ tính riêng trong năm 2016, có hơn 30.000 đầu sách được xuất bản. Tại Việt Nam có 65 nhà xuất bản. Chỉ cần nhẩm cũng thấy, với lượng nhân sự mỏng như hiện nay, để 30.000 đầu sách ấy ra thị trường thì có không ít quyển sách đã “lọt lưới” kiểm duyệt, thậm chí chỉ được liếc qua. 

Ngoại trừ một số nhà xuất bản có uy tín, thì với nhiều nhà xuất bản, vấn đề sách có được xuất bản hay không phụ thuộc vào chuyện... nộp phí xuất bản, chứ không hẳn là nội dung sách chứa đựng những gì. Thế nên, bên cạnh các đơn vị phát hành ào ào xuất bản, người ta cũng bắt gặp không ít các cá nhân ra mắt các tập thơ, hồi kí, văn chương... với nội dung lủng củng, rời rạc, chất lượng kém nhưng vẫn được nhà xuất bản cấp phép đàng hoàng, hẳn hoi, thậm chí tổ chức cả lễ ra mắt tác phẩm như ai.

Luật Xuất bản đã quy định cụ thể trong Điều 10 về những nội dung cấm xuất bản, gồm truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…

Quy định khá rõ ràng, và nếu không quá chạy theo lợi nhuận, đọc tác phẩm một cách có trách nhiệm, có lẽ ít ai có thể bỏ sót những chi tiết phản cảm, sai lệch như những quyển sách bị thu hồi trong thời gian vừa qua.

Một quyển sách nội dung xấu, sai lệch, một khi đã phát hành, dù có thu hồi cũng chỉ là biện pháp “cứu vãn tình thế”, còn ảnh hưởng, tác động xấu đến bạn đọc thì đã xảy ra và sẽ còn tồn tại lâu dài. Thậm chí, khi thu hồi cũng chưa hẳn đã thu hồi được hết. Chính vì thế, làm thế nào để nâng cao trách nhiệm của đơn vị xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản, để họ có trách nhiệm hơn đối với tấm giấy phép xuất bản và quyển sách của chính mình, câu hỏi này có lẽ phải dành cho cơ quan quản lý, có xử lý nghiêm minh hay không.

Đọc thêm