Sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà trường: Luật chưa cấm, xử lý sao cho nghiêm?

(PLVN) - Việc 1 học sinh lớp 8 ngất xỉu khi sử dụng thuốc lá điện tử tại nhà vệ sinh trong trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã dấy lên 1 hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh cũng như các nhà quản lý giáo dục. Thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử trong nhà trường chưa bao giờ là việc đơn giản.
Thuốc lá điện tử (Ảnh minh họa).
Thuốc lá điện tử (Ảnh minh họa).

Ngất sau khi… “rít” thuốc lá điện tử

Theo báo cáo của trường THCS Đà Nẵng, khoảng 16h40 ngày 22/12, sau giờ ra chơi tiết 4 buổi, học sinh V.A.D (lớp 8B10) có hiện tượng chóng mặt và ngất xỉu. Nhận được thông tin, nhân viên y tế nhà trường đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ sơ cứu tại chỗ đồng thời cùng gia đình đưa D tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận Ngô Quyền.

Qua thăm khám, Bệnh viện triển khai truyền nước cấp cứu cho cháu D đến 19h thì cháu tỉnh. Đến 23h30 cùng ngày, gia đình đưa cháu D về nhà. Sáng 23/12, D đi học bình thường. Theo kết quả ban đầu, việc D ngất xỉu là do sử dụng thuốc lá điện tử được bạn là N.G.B (lớp 8B9) đưa cho tại nhà vệ sinh ở trường.

Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền).
Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền).

Trao đổi với PLVN, Hiệu trưởng trường THCS Đà Nẵng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngay trong sáng 23/12, nhà trường đã tổ chức cuộc họp gồm Ban giám hiệu Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm 2 lớp 8B10, 8B9, phụ huynh và 2 học sinh nói trên. Hai em đã thừa nhận có hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh và nguồn gốc thuốc mua từ mạng xã hội với giá 30.000 đồng. Cả hai khẳng định không giao dịch bán thuốc mà chỉ đưa cho nhau sử dụng, không cầm tiền của nhau.

“Sau khi trao đổi với phụ huynh học sinh, Nhà trường đã quyết định kỷ luật D và B do vi phạm nội quy học sinh của nhà trường. Em D bị đình chỉ học tập 3 ngày và em B bị đình chỉ học tập 7 ngày. Trong thời gian này, 2 em phải nghiêm chỉnh chép bài học trên lớp, làm bản kiểm điểm chi tiết dưới sự giám sát của gia đình”, Hiệu trưởng trường THCS Đà Nẵng Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Được biết, ngay từ đầu năm học, trường THCS Đà Nẵng đã có kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử trong nhà trường phổ biến sâu rộng đến các giáo viên cũng như học sinh trong nhà trường về các văn bản quy quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại thuốc lá. Nhà trường cũng quyết định thành lập ban chỉ đạo công tác phòng, chống tác hại thuốc lá để chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phân công công chức, viên chức làm đầu mối phụ trách công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại đơn vị.

Đến ngày 17/12/2020, nhà trường tiếp tục ban hành đã ra thông báo về việc tăng cường thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử trong nhà trường. Tuy vậy, chỉ sau đúng 1 tuần thông báo được triển khai tới toàn thể giáo viên, học sinh thì xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên.

Trao đổi với PLVN, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hải Phòng Lê Quốc Tiến cho biết đã chuyển vụ việc sang cơ quan công an để xác minh, làm rõ.

Nhà trường và gia đình phải cùng "lập rào" ngăn thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử đang dần len lỏi trong các trường học. Với tâm lý thích thể hiện cá tính các học sinh ở bậc THCS, THPT, thuốc lá điện tử được ví như “cạm bẫy” hương vị. Đa số các phụ huynh học sinh cho rằng việc đình chỉ 2 học sinh tại trường THCS Đà Nẵng là hình thức kỷ luật nghiêm và vô cùng cần thiết.

Theo một cán bộ phòng PC47, Công an TP Hải Phòng, thuốc lá điện tử là tên gọi của 1 loại hóa chất dùng để hít vào cơ thể thông qua vật dụng là điếu thuốc lá điện tử được chạy bằng pin. Dung dịch này không được coi là ma túy. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng dung dịch này được pha trộn các chất cấm dưới dạng ma túy, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Thuốc lá điện tử đang dần len lỏi trong trường học.
 Thuốc lá điện tử đang dần len lỏi trong trường học.

Tính đến thời điểm hiện tại, thuốc lá điện tử xuất hiện ở thị trường Việt Nam hơn 2 năm thông qua đường không chính thống, nhưng vẫn chưa chính thức được quy định cụ thể trong các văn bản luật. Điều này có nghĩa là Việt Nam chưa cấp phép nhập khẩu thuốc lá điện tử. Do đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất cấm bán, sản xuất, quảng cáo thuốc lá điện tử ở Việt Nam do chứa nicotine, chất gây ung thư, có hại sức khỏe. Đây cũng chính là lý do khiến các nhà quản lý giáo dục tại Hải Phòng nói riêng cũng như các tỉnh, thành khác nói riêng “đau đầu” tìm phương án xử lý với học sinh vi phạm.

Như vậy, để ngăn chặn thuốc lá điện tử tiếp cận với lứa tuổi học trò, giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất vẫn nằm ở sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các thầy cô giáo và phụ huynh trong việc quản lý, nâng cao nhận thức cho các em học sinh.

Đọc thêm